Thứ ba, 02/02/2021 Người dân ồ ạt trả vé tàu Tết vì sợ dịch Thứ ba, 02/02/2021 Người dân ồ ạt trả vé tàu Tết vì sợ dịch , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều người sống và làm việc tại TPHCM đã quyết định trả vé tàu, thay đổi kế hoạch ăn Tết Tân Sửu 2021. Trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 người trả vé tàu.
Hàng ngàn vé tàu Tết bị trả lại
Diễn biến dịch Covid-19 phức tạp trong những ngày gần đây khiến nhiều người thay đổi kế hoạch nghỉ Tết, nhất là tại đô thị tập trung đông người học tập, làm việc như TPHCM.
Theo đại diện Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, bắt đầu từ ngày thứ 7 tuần trước (tức thời điểm dịch Covid-19 bùng ở một số địa phương) ghi nhận nhiều hành khách đến ga Sài Gòn trả lại vé tàu Tết.
Trung bình mỗi ngày Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn ghi nhận khoảng 1.000 trường hợp trả vé Tết. Riêng ngày hôm qua (thứ hai) có khoảng 2.000 vé Tết bị trả lại.
Để giải quyết nhu cầu của người dân, ga Sài Gòn phải bố trí thêm máy móc, nhân lực. Nhân viên làm việc liên tục từ 6h sáng đến 22h tối.
Trước tình trạng trên, sáng nay, Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn thông báo việc thay đổi chính sách trả vé cho khách hàng dịp Tết Tân Sửu 2021.
Theo đó, áp dụng đối với các vé đi tàu từ ngày 2/2 đến hết ngày 28/2 (tức từ 21 tháng Chạp năm Canh Tý đến 17 tháng Giêng năm Tân Sửu). Hành khách đi tàu có thể lựa chọn 2 phương án khi trả vé.
Thứ nhất, hành khách được bảo lưu vé và sử dụng để đi các hành trình khác trong năm 2021. Ngành đường sắt không thu phí trả vé.
Nếu trong năm 2021, hành khách chưa sử dụng số tiền bảo lưu đó sẽ được hoàn lại từ ngày 1/1/2022 (không áp dụng cho vé mua và thanh toán trực tuyến). Hành khách thực hiện bảo lưu vé trực tiếp tại nhà ga ít nhất trước 24h so với giờ khởi hành.
Thứ hai, nếu hành khách muốn trả vé ngay, phí là 30% giá vé và được hoàn tiền sau 90 ngày tính từ ngày trả vé.
Hành khách thực hiện việc trả vé tại các nhà ga hoặc trả vé online qua website dsvn.vn (nếu hành khách mua vé và thanh toán online qua website bán vé của ngành Đường sắt, app bán vé hoặc các ứng dụng mua vé tàu hỏa của các đối tác thứ ba) ít nhất trước 24h so với giờ khởi hành.
Thay đổi kế hoạch ăn Tết
Ghi nhận tại ga Sài Gòn sáng 2/2, hàng trăm người đến chờ đợi làm thủ tục trả vé, trong đó có hành khách thay đổi lựa chọn sau khi biết chính sách mới từ ngành đường sắt.
Chị Nguyễn Thị Huyền (quê Quảng Ngãi) cho biết mua vé tàu ngày 28 tháng Chạp về quê ăn Tết. Tuy nhiên, lo ngại diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên quyết định trả vé.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Huỳnh Nga (quê Đà Nẵng) cho biết đã đặt vé về nhà ăn Tết vào ngày 27 tháng Chạp. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại nhiều nơi nên chị chọn phương án an toàn là "không về mà ăn Tết Sài Gòn".
"Dù chịu mất tiền phí và không được về quê ăn Tết nhưng tôi đành trả vé tàu Tết vì dịch bệnh. Không về Đà Nẵng nhưng tôi sẽ xuống quê ngoại ở Đồng Nai để ăn Tết cùng bà con họ hàng", chị Nga nói.
Ngoài những người học tập, làm việc tại TPHCM không được về quê ăn Tết thì những người dân TPHCM muốn đi các tỉnh khác để vừa ăn Tết vừa thăm thân cũng vỡ kế hoạch.
Chị Nguyễn Thị Kim Thu (quận Gò Vấp) chi hơn 2 triệu đồng mua 4 vé tàu Tết cho gia đình đi Phan Thiết vào ngày 29 tháng Chạp. Tuy nhiên, lo ngại dịch bệnh nên đành đón Tết ở Sài Gòn.
Sáng nay, chị Thu cùng cô con gái ra ga Sài Gòn làm thủ tục trả vé. Tuy nhiên, sau khi biết tin ngành đường sắt có chính sách bảo lưu vé trong năm nay nên chị quyết định không trả vé.
"Gia đình đi về cũng mất 8 vé, trả phí cũng tốn tiền. Đợt này không đi được thì tôi sẽ bảo lưu vé để dành cho những chuyến du lịch, thăm thân cho gia đình trong thời gian tới. Đây cũng là cách cùng chia sẻ với ngành đường sắt", chị Thu nói.
Đại diện Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cũng khuyến cáo hành khách thay đổi kế hoạch đón Tết thì nên bảo lưu vé. Hành khách có thể sử dụng trong năm nay mà không phải mất phí trả vé. Ngoài ra, hành khách cũng được miễn phí chuyển đổi hành trình, thời gian đi tàu, chỉ thu chênh lệch giá vé (nếu có).