Xác định "bệnh nhân 1659", chủ nhà hàng Trung Sún ở thị trấn Cái Rồng, di chuyển phức tạp, khả năng lây lan lớn, UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định giãn cách xã hội toàn bộ huyện Vân Đồn theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Việc này thực hiện theo nguyên tắc giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Các cơ quan đơn vị, cơ sở sản xuất phải đảm bảo khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn.
Người dân được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu và các trường hợp khẩn cấp khác; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập quá 2 người ngoài phạm vi công sở, bệnh viện và nơi công cộng.
UBND huyện Vân Đồn được yêu cầu truy vết trường hợp tiếp xúc với F0; lập các chốt kiểm soát đối với tất cả khu vực có ca nhiễm F0 và F1 ở thị trấn Cái Rồng, không cho người ra vào, trừ trường hợp cần thiết, như cấp cứu, khám chữa bệnh... phải có ý kiến của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của huyện.
Với thị trấn Cái Rồng, nơi "bệnh nhân 1659" liên tục đi chợ mua bán thực phẩm, tỉnh Quảng Ninh quyết định phong tỏa toàn bộ. Nửa ngày trước, chỉ khu 6, thị trấn Cái Rồng và tổ 1, thôn 13, xã Hạ Long, nơi bệnh nhân kinh doanh và là nhà ở, bị phong tỏa.
Huyện đảo Vân Đồn rộng hơn 550 km2, nối với TP Cẩm Phả bằng hai cầu Vân Đồn 1 và 2, dân số hơn 46.000, tập trung ở thị trấn Cái Rồng. Huyện đảo ghi nhận ca Covid-19 đầu tiên ngày 28/1 là "bệnh nhân 1553", nhân viên an ninh sân bay Vân Đồn, sau đó phát hiện hơn chục ca khác ở đây.
Từ ngày 28 đến sáng 30/1, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 18 ca Covid-19, với ba cụm dịch ở huyện Vân Đồn, TP Hạ Long và thị xã Đông Triều. Thị xã Đông Triều giáp với huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đã phải giãn cách xã hội từ trưa 29/1. Sân bay Vân Đồn bị phong tỏa từ ngày 28/1.