(HNMO) - Ngày 7-1, triển lãm mỹ thuật cá nhân đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mang tên "Người thổi sáo" đã khai mạc tại Trung tâm Art Space, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội), thu hút sự quan tâm của đông đảo giới văn nghệ sĩ và công chúng Thủ đô.
Triển lãm gồm 54 tác phẩm hội họa, với các chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel. Trong đó, bức lớn nhất có khổ 150cm x 180cm và bức nhỏ nhất có khổ 50cm x 70cm. Hầu hết số tranh trong triển lãm này được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ trong 3 năm gần đây. Một số bức tranh mượn lại từ những người sở hữu.
Đây là dịp để công chúng biết thêm một tài năng nữa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bên cạnh viết văn, làm thơ, làm báo, viết kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, dịch thuật, biểu diễn nhạc cụ dân tộc...
Về cơ duyên đến với hội họa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, do ông bị cuốn hút bởi tranh, toan, màu vẽ của một họa sĩ gửi nhờ ở nhà ông. Đầu năm 2005, ông bắt đầu vẽ. Sau đó 5 tháng, ông tham gia triển lãm nhóm "Nhà văn vẽ", rồi dừng vẽ để tập trung vào các công việc khác. Đến năm 2012, ông tiếp tục cầm cọ, say mê với màu và toan, liên tục tham gia nhiều triển lãm với nhóm họa sĩ G39. Ông cho biết: "Tôi không phải là một họa sĩ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị".
Trong tranh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sử dụng màu sắc mạnh, xoay quanh những chủ đề gần gũi như con người, thiên nhiên... Là một trong những người tư vấn, lựa chọn tác phẩm cho triển lãm "Người thổi sáo", họa sĩ Thành Chương nhận xét, tranh của Nguyễn Quang Thiều lãng mạn, bay bổng, đặc biệt, thể hiện tình yêu làng quê sâu sắc khi khéo léo đưa các hình tượng dân gian vào trong tác phẩm. Họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn cũng cho rằng, nét độc đáo của tranh Nguyễn Quang Thiều là ông không chỉ truyền tải thông điệp màu sắc, ánh sáng, bố cục mà còn gửi gắm nhiều tầng ý nghĩa khác, mở cho người xem nhiều chiêm nghiệm, suy tư.