(HNMCT) - Thực ra, “Babel - Vòng quanh thế giới qua 20 ngôn ngữ” là cuốn sách không chỉ viết tiếng Việt, nhưng tiếng Việt được tác giả Gaston Dorren xếp vào danh sách 20 “người khổng lồ” trong số 6.000 ngôn ngữ của thế giới. Chương đầu tiên trong tác phẩm của mình, Gaston Dorren dành cho tiếng Việt, ngôn ngữ mà trong quá trình học để viết cuốn sách này “đã giúp tác giả có hai cô cháu gái Việt Nam, gọi tác giả bằng chú”. Điều này với người Việt có thể rất bình thường, nhưng với văn hóa phương Tây là vô cùng đặc biệt.
Gaston Dorren là nhà ngôn ngữ học người Hà Lan, ông thông thạo khá nhiều thứ tiếng. Trong quá trình nghiên cứu, ông nhận ra các ngôn ngữ quan trọng nhất trên thế giới đang gây ra sự suy vi của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ngôn ngữ "nhỏ". Song, dù những ngôn ngữ nhỏ hơn không còn được sử dụng nữa, đồng nghĩa với sự xóa sổ những tri thức quý giá trong ngôn từ, thì 20 ngôn ngữ “thống trị” cũng đại diện cho sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử vượt ra ngoài những gì mà một người thường nhận thức được. Mỗi ngôn ngữ này cũng có lịch sử và văn hóa ngôn ngữ riêng.
Cuốn sách “Babel - Vòng quanh thế giới qua 20 ngôn ngữ” đưa bạn đọc đến với những câu chuyện xung quanh ngôn ngữ mà đầu mỗi chương là một hồ sơ ngắn về các thông tin tên gọi, ngữ hệ, số lượng người sử dụng, một số điểm cơ bản về ngữ pháp, phát âm, hệ thống chữ viết, thông tin từ vay mượn...
Nét đặc biệt của “Babel - Vòng quanh thế giới qua 20 ngôn ngữ” là ở chỗ, tác giả dùng giọng điệu hóm hỉnh để truyền tải tri thức chuyên môn đã được chắt lọc kèm theo những ví dụ đời thường sinh động khiến các khái niệm ngôn ngữ trở nên dễ hiểu. Như với tiếng Việt, ông coi đó là một “ngọn núi ngôn ngữ” không dễ chinh phục dù ông đã cố gắng trong một năm rưỡi.
Trong con mắt của nhà ngôn ngữ học Gaston Dorren, tiếng Việt để lại “ấn tượng sửng sốt ban đầu: không một ngôn ngữ nào khác mà tôi biết lại có nhiều dấu phụ đến vậy. Với không dưới 9 dấu phụ khác nhau, tiếng Việt là ngôn ngữ dành cho những người có đôi mắt tinh nhạy”, bởi chỉ dùng sai thanh là có thể đi tới những từ trái ngược hoàn toàn, thậm chí từ nghĩa tốt sang nghĩa xấu.
“Ngọn núi ngôn ngữ” tiếng Việt mang đến nhiều sự “khó lường” cho tác giả như nỗi “khủng khiếp” của hệ thống đại từ nhân xưng, “câu mê cung” khiến “người ta rất dễ bị lạc”, sự cầu kỳ và không nhất quán trong trật tự của từ “khiến-người-ta-phát-rồ”, hay các “danh từ loại thể” như “cái” và “con” thực sự phức tạp...
Cùng với hành trình “chinh phục ngọn núi ngôn ngữ” tiếng Việt, tác giả đưa bạn đọc khám phá “kỳ quan” ngôn ngữ khác như “Tiếng Ba Tư - những nhà kiến thiết đế quốc và những thợ xây”, “Tiếng Nhật - Phân biệt giới tính trong ngôn ngữ”, “Tiếng Bồ Đào Nha - Thi đấu quá hạng cân”, “Tiếng Quan thoại - ký tự tiếng Trung thần bí”, “Tiếng Anh - một ngôn ngữ cầu nối đặc biệt?”...
Với lối viết hấp dẫn, Dorren được đánh giá “vừa là một nhà ngôn ngữ học tài năng vừa là một cây bút có năng lực viết cực kỳ thuyết phục”, còn “Babel - Vòng quanh thế giới qua 20 ngôn ngữ” được vinh danh là “cuốn sách hướng dẫn vô cùng cuốn hút và một bản tụng ca sự đa dạng của ngôn ngữ cũng như năng lực song ngữ”.
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/987554/tieng-viet-trong-con-mat-mot-nguoi-nuoc-ngoai