Vụ nữ sinh tự tử ở An Giang: "Bêu tên dưới cờ là bạo lực tinh thần" Vụ nữ sinh tự tử ở An Giang: "Bêu tên dưới cờ là bạo lực tinh thần" , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, không nên dựa trên sự đau đớn, nhục nhã, sợ hãi của học sinh để giáo dục các em.
Vụ việc nữ sinh tự tử ở An Giang vừa qua, đặt ra nhiều vấn đề về kỉ luật tích cực ở các nhà trường.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, các thầy cô đã được đào tạo nên sẽ biết những giai đoạn nào rất nhạy cảm của học trò, những dấu hiệu nào biểu hiện các con đang có vấn đề về sang chấn tâm lý, về sức khỏe tinh thần, là đối tượng yếu thế…
Ví dụ những gia đình nghèo, những em đang gặp vấn đề về sức khỏe, gặp vấn đề về bạn bè, gia đình đang bị khủng hoảng về kinh tế… đều là những giai đoạn rất nhạy cảm.
Việc nhận diện những dấu hiệu đó để có hình thức cân nhắc, điều chỉnh hành vi ứng xử cũng như lời nói cũng là một yêu cầu trong chương trình đào tạo tại trường sư phạm mà thầy cô đã được học.
Việc bêu tên học sinh Y. trước trường như Trường THPT Vĩnh Xương ở An Giang vừa qua, là hình thức kỷ luật dựa trên nguyên tắc làm học sinh cảm thấy xấu hổ, nhục nhã, giảm giá trị, qua đó, hy vọng các em sẽ thay đổi hành vi.
Hình thức này thuộc dạng kỷ luật truyền thống, hạ thấp, giảm giá trị của người học và dẫn đến nhiều nguy cơ.
Chuyên gia này khẳng định, việc bêu tên dưới cờ như nhà trường đã làm là bạo lực tinh thần.
Học sinh bị phạt như vậy sẽ oán giận. Thậm chí, một số em có hành vi trả đũa bằng cách chống đối giáo viên hay tự gây hại cho bản thân, khiến mọi người hối hận vì đã phạt mình.
"Như trường hợp ở An Giang, nếu thực sự nữ sinh để lại thư tuyệt mệnh rồi uống thuốc, tức em tự gây hại bản thân để phản ánh mình không chấp nhận, đồng ý với cách xử phạt của thầy cô.
Hành vi đó cũng có thể thể hiện thông điệp muốn người khác dừng lại cách xử phạt đó, không ai phải rơi vào hoàn cảnh giống mình", TS Thành Nam cho hay.
Cũng theo chuyên gia này, chúng ta có rất nhiều cách thức không trừng phạt mà vẫn giúp trẻ vào kỷ luật tích cực như khen thưởng, chú ý vào điểm mạnh, hành vi tốt của đứa trẻ, nói một cách thông thường là làm gương, lấy cái đẹp để dẹp cái xấu.
"Tôi hoàn toàn không đồng ý với biên bản kỷ luật của hội đồng nhà trường. Giáo dục không được đẩy các em đến bước đường cùng.
Thông thường, ở tuổi vị thành niên các em bị tổn thương, vết hằn đó sẽ theo các em suốt cuộc đời và đây là điều rất nguy hại", TS Trần Thành Nam nói.
Đánh giá về mặt tâm lý của nữ sinh ở An Giang, TS Trần Thành Nam cho rằng, học sinh này cần được hỗ trợ tâm lý.
Nếu thực sự nữ sinh này lại viết thư tuyệt mệnh rồi uống thuốc, điều đó cho thấy năng lực quản lý cảm xúc và năng lực giải quyết vấn đề còn yếu, nên mới chọn cách xử lý tiêu cực.
Vì vậy, mỗi gia đình cần phải quan tâm và nói chuyện với trẻ khi con có điều gì không vừa lòng ở trường hay bất cứ đâu thì con nên chia sẻ cho bố mẹ biết.
Trước khi con có quyết định hành động việc gì đó, con cảm nhận mọi việc chưa đúng hoặc có gì đó áp đặt với con, các con nên chia sẻ cho nhiều người biết.
Có thể cách thức con diễn giải sự việc đó không đúng bản chất của vấn đề và gia đình cần giúp con hiểu đúng nhưng chia sẻ có thể giúp các em tránh suy nghĩ và hành động tiêu cực.
Sáng 30/11, nữ sinh Y. (Trường THPT Vĩnh Xương, An Giang) được phát hiện ngất xỉu tại nhà vệ sinh. Mọi người phát hiện em Y. để lại thư tuyệt mệnh với nội dung dùng cái chết để phản ứng việc kỷ luật của trường.
Sau đó, em Y. được đưa đến Bệnh viện Nhật Tân (TP. Châu Đốc) cấp cứu rồi chuyển lên một bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của ngành Giáo dục An Giang, trước đó, ngày 16/11, nhà trường có mời cha, mẹ em Y. đến trường để trao đổi về việc vi phạm của em trong lớp học.
Gia đình cho biết, trong buổi chào cờ ngày 23/11, trường đã thông báo trên loa về vi phạm của Y. trước toàn trường gây tâm lý không tốt cho nữ sinh.
Sau đó, cô giáo chủ nhiệm còn đưa quyết định xử lí và yêu cầu Y. viết bản tự kiểm để đọc trước toàn trường. Việc đó tạo tâm lý lo sợ nên nữ sinh này đã uống thuốc tự tử.