Thời gian qua, người dân trú tại xóm 11,12,13 thuộc thôn Phú Quý, xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương và báo Nhà báo và Công luận về tình trạng trang trại lợn nằm trên địa bàn xã, mới bắt đầu đi vào hoạt động đầu năm 2020 đến nay đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo như phản ánh của người dân từ đầu tháng 4/2020 trang trại lợn này bắt đầu đi vào hoạt động, chăn nuôi với số lượng lớn: Cụ thể 1.500 con lợn hàng ngày lượng phân thải ra xuống bể chứa chảy ra sông, không được xử lý làm ô nhiễm một đoạn sông chắn mặn, bốc mùi hôi thối cả ngày lẫn đêm. Bắt hàng ngàn người dân trong thôn từ già đến trẻ hít thở trong bầu không khí nồng nặc mùi phân gây ngạt thở, váng đầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe của người dân. Làm đảo lộn cuộc sống bình yên của một làng quê. Con em đi xa không dám về thăm quê, thậm chí đến bữa ăn còn đóng cửa nuốt miếng cơm còn thoang thoảng mùi phân.
Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị, làm đơn kêu cứu tới HĐND- UBND xã Hải Ninh và gặp trực tiếp chủ trang trại để có ý kiến, nhưng chính quyền UBND xã vẫn khất lần, sự việc vẫn chưa được giải quyết.
Theo đơn của người dân, trước đó vào ngày 28/8/2020 người dân đã cũng đã tiếp tục có gửi lên UBND huyện Hải Hậu và sau đó phòng Tài nguyên Môi trường(TNMT) huyện Hải Hậu đã cho người xuống làm việc, cứ nghĩ sự việc sẽ tạm dừng ở đây, nguồn không khí sẽ trong lành trở lại. Nhưng phía phòng TNMT huyện chỉ yêu cầu xóm trưởng của xóm 12, 13 giải thích với người dân trong xóm thông cảm, chờ khi trang trại bán xong lứa lợn sẽ sửa lại trang trại mới tiếp tục nuôi.
Bức xúc với việc ô nhiễm không khí nghiêm trọng do trại lợn gây ra vào sáng ngày 11/9/2020 rất nhiều người dân của xóm 12, 13 đã tập trung đến trang trại lợn, ý kiến với chủ trang trại về việc đảm bảo vệ sinh nơi này.
Bà Tạ Thị Lụa (62 tuổi, xóm 12, xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu, Nam Định).
Bà Tạ Thị Lụa (62 tuổi, xóm 12, xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu, Nam Định) bức xúc trước cảnh ô nhiễm không khí vì mùi phân lợn cho biết: “Trước đây cuộc sống của chúng tôi ở 3 xóm này rất yên bình, không khí trong lành. Nhưng đến nay, từ khi UBND xã cho trang trại lợn đi vào hoạt động thì cuộc sống của người dân chúng tôi bị đảo lộn, rất là khổ với mùi ô nhiễm phân lợn bốc lên ở trang trại này. Mùi phân lợn bốc lên từ trang trại theo hướng gió bay khắp làng, xóm. Khổ nhất là lúc ăn cơm và tối đi ngủ, chỉ cần gió thổi sang hướng nhà chúng tôi thì cơm ăn vào chỉ buồn nôn ra, tối đi ngủ đeo khẩu trang cũng không thể bớt hết mùi được”.
Được biết, trang trại chăn nuôi lợn này là của ông Bùi Văn Diệu được xây dựng có vị trí tại xóm 13, thôn Phú Quý, xã Hải Ninh, phía đông giáp nghĩa trang nhân dân thôn Phú Quý, phía tây giáp sông chắn mặn đê Ninh Cơ, phía nam cách khu dân cư hơn 200m và nằm trong quy hoạch thuộc diện tích đất công của xã. Trang trại được xây dựng cách hộ dân gần nhất khoảng 250m. Tổng diện tích trang trại đang thuê của xã là 7.200m2 trong đó, diện tích xây trang trại là 2.000m2 và diện tích đào ao nuôi trồng thủy sản là 3.500m2. Trang trại này được xây dựng kiên cố có 2 dãy chuồng hiện có 1.500 con lợn đang được nuôi.
Vào ngày 4/9/2020 vừa qua, UBND xã cũng đã có buổi tiếp xúc người dân về việc “giải quyết kiến nghị của các hộ dân về trang trại chăn nuôi lợn của ông Bùi Văn Diệu tại xóm 13 – xã Hải Ninh gây ô nhiễm môi trường” tại văn phòng UBND xã Hải Ninh. Tại buổi làm việc, đoàn UBND xã đã có nhận xét cụ thể sau khi đã trực tiếp kiểm tra trang trại như sau: “Trang trại chưa có giấy đăng ký sản xuất kinh doanh, chưa có Đề án bảo vệ môi trường, chưa có số liệu quan trắc môi trường…”
Sau khi đi vào hoạt động đã gây ảnh hưởng đến môi trường, mặc dù đã có hệ thống xử lý chất thải nhưng chưa hoàn chỉnh (bể chứa 40m3, ao nắng 100m3…), nước xả thải ra môi trường chưa được xử lý triệt để trước khi thải ra kênh mương dẫn đến nước sông nhiều lúc chuyển màu, nước có mùi hôi. Hàng ngày mới cho một lượng nhỏ chế phẩm vào trong cám, nhưng chưa đủ lượng; hàng ngày chưa phun chế phẩm xử lý mùi, tăng khả năng phân giải của nước phân và phân do lợn thải ra; dẫn đến mủi hôi của lợn, mùi thối của phân phát tán rộng.
Hướng xử lý của UBND xã cũng đã nêu yêu cầu người dân giám sát hoạt động của trại lợn này, xã sẽ lập đề án chuyển đổi sản xuất theo quy định. Chủ trang trại cũng đã cam kết sẽ cho xuất bán hết lợn trước ngày 20/9/2020.
Ghi nhận của PV vào ngày 11/9/2020, tại trang trại này dòng nước ở hố chứa nước phía ngoài có 1 màu đen đặc, váng nổi khắp nơi và mùi thối nặng nề.
Các quạt hơi từ trong chuồng lợn ra thẳng bên ngoài, được bao phủ bởi lớp lưới đen xung quanh.
Không ai đảm bảo rằng sau 1 thời gian dài, số phân lợn được ngấm xuống đất có gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm hay không.
Là hộ dân nhà ở cách trại lợn khoảng 200m, ông Vũ Đình Dần, xã Hải Ninh (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) cho biết: “Nhà tôi cách trại lợn hơn 150m, từ khi trang trại này bắt đầu nuôi lợn đã ảnh hưởng rất lớn tới người dân ở đây nhất là ô nhiễm không khí, còn nguồn nước thải thì bên trang trại kia cho ra thẳng sông luôn. Có những nhiều lúc nhìn nước sông chỉ có nước thải của lợn, nhìn thấy rõ phân tươi nổi trên mặt nước.”
“Cách đây vào khoảng 15 ngày, tôi có tổ chức 5 mâm cơm. Anh, em, bạn bè đang ngồi ăn cơm, bỗng dưng gió từ hướng trại lợn ngược đến nhà tôi, mùi ô nhiễm từ phân lợn sộc vào cả 5 mâm cơm khách đang ăn đã đứng dậy bỏ ra về hết. Tôi rất uất ức, bức xúc về trại lợn gây ô nhiễm này lắm” – ông Dần nghĩ lại mà bức xúc.
Là chủ trang trại lợn gây ô nhiễm đang bị người dân phản ánh nhiều tháng quá, ông Bùi Văn Diệu cho hay: “Trại tôi đã hoạt động được 4 tháng, cũng đã nhận được phản ánh của người dân về mùi ô nhiễm, giai đoạn đầu tiên bị vỡ đường ống nên đã gây mùi, nhưng sau đó đã khắc phục sự cố. Đây cũng là lứa đầu tiên tôi bắt đầu mô hình chăn nuôi lợn nên ít kinh nghiệm, mặc dù đã dùng rất nhiều biện pháp do xã, huyện hướng dẫn nhưng vẫn chưa triệt để được mùi ô nhiễm từ phân lợn gây ra. Theo đúng quy trình thì khoảng 1 tháng nữa mới xuất được lứa lợn này, nhưng khi xảy ra sự việc ô nhiễm chúng tôi đã quyết định đã phải xuất sớm, vào sáng ngày 13/9/2020 này chúng tôi sẽ xuất lợn. Sau khi xuất lợn sẽ xử lý lại phần chuồng, nhờ các cấp chính quyền tư vấn về việc xử lý mùi ô nhiễm và xin giấy phép”.
Ông Bùi Văn Diệu, xóm 13, thôn Phú Quý, xã Hải Ninh (huyện Hải Hậu, Nam Định) cho biết quy trình xử lý chất thải sẽ bắt đầu từ chuồng, phân từ chuồng sẽ chảy xuống 1 bể xử lý ở đó sẽ có hệ thống hút phân, ép về phần thô. Nước sẽ chảy tuần hoàn sang bể bạt và lên ga sẽ đốt. Sau đấy ra hệ thống ao lắng.
Lý giải về hình ảnh mà PV được người dân cung cấp về việc trại lợn bơm trực tiếp nước thải ra sông, ông Diệu trình bày: “Thời gian đó chúng tôi đã xin phép người dân quanh đây, vì ao bị vỡ đường ống nên chúng tôi phải hút sạch chỗ đấy ra ngoài”.
Ông Nguyễn Văn Quản - Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu, Nam Định cho biết: “Bắt đầu từ năm 2018 địa phương cũng đã xây dựng được vị trí chăn nuôi ở địa điểm trên, từ đầu năm 2019 có 5 hộ đăng ký ra khu chăn nuôi tập trung. Từ khi bắt đầu xây dựng thì có hộ anh Bùi Văn Diệu đăng ký chăn nuôi lợn từ đầu năm 2020, đối với xã thì đây là trang trại đầu tiên của xã, chủ trại cũng mới bắt đầu lứa lợn đầu tiên nên trong quá trình chăn nuôi đã gây ảnh hưởng đến môi trường. Người dân cũng đã phản ánh đến chính quyền địa phương và chúng tôi cũng đã làm việc với chủ trang trại, yêu cầu đến khi xuất lợn phải làm mọi biện pháp giảm tối thiểu ảnh hưởng ô nhiễm môi trường do việc chăn nuôi gây ra. Yêu cầu chủ trang trại cũng cam kết đến ngày 20/9/2020 sẽ phải xuất bán hết toàn bộ số lợn đang chăn nuôi, sau khi xuất lợn xong sẽ phải hoàn thành đảm bảo tất cả các thủ tục về môi trường thì mới được phép hoạt động tiếp”.
Ông Nguyễn Văn Quản – Chủ tịch UBND xã Hải Ninh (huyện Hải Hậu, Nam Định) tiếp xúc PV ngày 11/9/2020.
“Trang trại này là trang trại đầu tiên nên chính quyền cũng chưa chặt chẽ, về công tác thủ tục thì việc cấp phép trang trại chăn nuôi này chưa được cấp phép” - ông Quản nói thêm.
Toàn cảnh khu đất đang được sử dụng chăn nuôi trái phép, nhiều người dân bức xúc với nhiều ý kiếnchỉ mong " không thể để người chết nằm nghỉ cạnh nơi chuồng lợn, người sống thì ngày đêm ngửi mùi phân tiếp như bây giờ được".
Toàn bộ 3 xóm bị ảnh hưởng có khoảng 300 hộ dân sinh sống, ảnh hưởng của trại lợn không phép kéo dài 1 thời gian dài khiến cho cuộc sống cũng như sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Thiết nghĩ chính quyền địa phương, UBND xã Hải Ninh, UBND huyện Hải Hậu nên có biện pháp cứng rắn với trang trại đang gây ô nhiễm này, đồng thời để xảy ra sự việc trên không thể không nhắc đến trách nhiệm, sự buông lỏng quản lý của chính quyền cấp cơ sở, ở đây là UBND xã Hải Ninh để cho 1 trang trại không phép xây dựng 1 khu chăn nuôi rộng lớn gây ô nhiễm môi trường suốt 1 thời gian dài như thế này.