Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn: Giá trị của khoảnh khắc Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn: Giá trị của khoảnh khắc , Người xứ Nghệ Kiev
(HNMCT) - Đến với nghề báo từ những tiểu phẩm nhỏ trong vai trò cộng tác viên, từng đi chụp ảnh với cái bụng đói, từng bán đi nhiều món đồ để phục vụ thú chơi ảnh tốn kém..., nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn từng bước một đến với nhiếp ảnh bằng niềm đam mê.
Giờ đây, anh đã là tay máy có tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc (E.VAPA/G), sở hữu những bộ ảnh tiêu biểu như Cảm xúc Trường Sa, Giếng làng, 12 giờ...
- Thưa nhà báo Vũ Anh Tuấn, có phải anh đến với nhiếp ảnh nhờ hoạt động báo chí?
- Trước khi làm nghề báo thì tôi đã làm nghề ảnh khá lâu rồi. Khi còn công tác ở cơ quan cũ - Công ty Khảo sát thiết kế điện I, tôi đã đi chụp các công trình. Liên quan đến báo thì ngay từ năm 1986 tôi đã có bài viết trên chuyên mục “Mỗi ngày một chuyện” và có bức ảnh được đăng - cùng trên Báo Hànộimới.
- Anh từng chia sẻ, mỗi bức ảnh là một câu chuyện. Vậy anh có thể chia sẻ với độc giả một vài câu chuyện đáng nhớ trên hành trình nhiếp ảnh của mình?
- Câu chuyện đằng sau mỗi bức ảnh thì nhiều lắm, nhưng với tôi, đến được và gắn bó với nhiếp ảnh đến nay là nhờ sự ủng hộ, động viên của gia đình, nhất là bố mẹ tôi. Ngày xưa chơi ảnh tốn kém và công phu. Có thời kỳ tôi phải bán đồ đạc của mình để mua máy ảnh, vật tư làm ảnh. Có những lúc khó khăn phải nhịn đói đi chụp ảnh, nhưng lúc đó lại chụp được những bức ảnh rất tốt. Chẳng hạn như bức ảnh hồ Hoàn Kiếm chụp năm 1991. Tôi chụp thấp xuống để Tháp Rùa in bóng vào cầu Thê Húc trông như một con mắt. Bức ảnh được trưng bày tại triển lãm ảnh nghệ thuật thành phố Hà Nội tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10. Cố nghệ sĩ Mai Nam đặt lại tên cho bức ảnh đó là Mắt Hồ Gươm.
- Nhiều đồng nghiệp dành cho anh lời khen, rằng anh là một người rất kiên trì, chịu khó, có những dự án được anh theo đuổi trong nhiều năm?
- Người làm nhiếp ảnh nên xây dựng cho riêng mình một dự án. Dự án càng chi tiết bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Theo nhiếp ảnh thì không nên hời hợt bên ngoài. Tôi muốn ghi lại nhịp sống sôi động hằng ngày ở Hà Nội thông qua những con người đi qua cây cầu Long Biên, cũng như dòng chảy cuộc sống trôi đi rồi không trở lại. Tôi chọn thời điểm chụp là đúng 12h ngày đầu tiên của từng tháng. Tôi chụp trong vòng 2 năm, từ năm 1997 đến năm 1998. Dự án đem lại cho tôi nhiều khoảnh khắc bất ngờ.
Với bộ ảnh Giếng làng, tôi theo đuổi khá lâu, chụp ở nhiều nơi. Phần lớn là chụp ở khu vực Hà Tây (cũ), ngoài ra còn có những bức ảnh chụp ở Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hội An (Quảng Nam)... Thường thì người ta nghĩ giếng có hình tròn, nhưng tôi chụp được những chiếc giếng vuông, hình bán nguyệt và nhiều hình kỳ lạ khác... Vị trí giếng cũng rất khác nhau, có những cái giếng nằm ở giữa đường. Khi chụp, tôi hỏi người dân ở đó và ghi lại những câu chuyện, sự tích liên quan. Đó là bộ ảnh mà tôi đã gửi Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam để đăng ký làm tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc.
- Triển lãm cá nhân Cảm xúc Trường Sa của anh cũng được công chúng yêu thích. Chắc hẳn anh có nhiều kỷ niệm với Trường Sa?
- Khi biết mình sắp được đi Trường Sa, tôi háo hức lắm. Trong chuyến đi, tôi buộc chân máy ở trên nóc tàu, thế là chạy lên chạy xuống như tập thể dục, suốt từ sáng đến chiều muộn... Chuyến đi ấy thực sự vắt kiệt sức của mình nhưng thú vị, bởi tôi chụp được nhiều bức ảnh đẹp mà chính bản thân mình cũng thấy ngỡ ngàng, tin chắc là không bao giờ chụp lại được như thế. Trở về trong chuyến đi đầu tiên ấy, tôi đăng 8 phóng sự ảnh trên ấn phẩm Thời Nay, làm triển lãm ảnh Cảm xúc Trường Sa với 68 bức ảnh và vẫn còn nhiều tư liệu chưa công bố. Đến giờ, tôi đã ra Trường Sa 3 lần.
Chụp ở đất liền đã khó, chụp ở trên biển lại càng khó hơn bởi không gian trên tàu chật hẹp. Cả một hải trình ngoài biển, đã đi là không bao giờ quay lại, kể cả lần sau đi lại cũng sẽ không vào vị trí đó nữa. Cho nên khoảnh khắc diễn ra là duy nhất.
- Là nghệ sĩ có rất nhiều tác phẩm ảnh được giải thưởng trong nước và quốc tế, tiêu chí của anh về cái đẹp như thế nào?
- Tôi đã đúc kết lại là ảnh phải đạt “3Đ”: Đẹp - Đúng - Độc. Đẹp theo kiểu thật, đúng chứ không giả tạo và độc đáo, như hội họa có thể nói là duy nhất, không thể làm lại được.