Như đã thông tin, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ liên quan đến những vi phạm có dấu hiệu hình sự tại Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc đến Bộ Công an để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Những vi phạm có dấu hiệu hình sự gồm: Vi phạm trong tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án; Thiếu trách nhiệm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án.
Đáng chú ý, theo tìm hiểu của PV Dân trí, kết luận thanh tra Công ty cổ phần phân đạm và hoá chất Hà Bắc (gọi tắt là Công ty đạm Hà Bắc) của Thanh tra Chính phủ đã làm rõ “bóng dáng” của doanh nghiệp Trung Quốc tại dự án này.
Thiếu đủ thứ vẫn được nghiệm thu, thanh toán
Theo kết luận thanh tra, năm 2006 Công ty đạm Hà Bắc có tờ trình gửi Tổng công ty Hoá chất phê duyệt Báo cáo đầu tư Dự án mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 251 triệu USD.
Căn cứ kế hoạch đấu thầu giai đoạn chuẩn bị đầu tư được Tổng công ty Hoá chất phê duyệt, Công ty đạm Hà Bắc lựa chọn nhà thầu tư vấn lập dự án (gói thầu số 03). Đến thời điểm mở thầu chỉ có liên danh nhà thầu Công ty Hữu hạn cổ phần Khoa học kỹ thuật Ngũ Hoàn Trung Quốc và Công ty cổ phần thiết kế công nghiệp hoá chất Việt Nam (WEC-CECO) tham dự.
Hồ sơ dự thầu thể hiện, Chủ tịch Công ty WEC ký văn bản uỷ quyền tham dự thầu ngày 18/4/2007, nhưng trước đó tại đơn dự thầu người được uỷ quyền đã ký ngày 15/4/2007. Theo báo cáo của Công ty đạm Hà Bắc, nhà thầu lý giải có sự nhầm lẫn về ngày ký uỷ quyền, đề nghị xin được bổ sung và đã được tổ chấm thầu chấp thuận.
Hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu cung cấp giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập doanh nghiệp có công chứng. Tuy nhiên trong hồ sơ dự thầu thì giấy phép đăng ký kinh doanh là bản photo, không công chứng. Nhà thầu đề nghị được cung cấp lại, được tổ chấm thầu chấp thuận và đến ngày 14/5/2007 (sau mở thầu 30 ngày), Công ty WEC bổ sung giấy phép đăng ký kinh doanh có công chứng.
Ngày 11/6/2007, Tổng công ty Hoá chất ban hành quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu tư vấn lập dự án đối với nhà thầu WEC-CECO. Sau đó, Công ty đạm Hà Bắc và nhà thầu liên danh này ký hợp đồng trọn gói với giá gần 257.400 USD và trên 2,2 tỷ đồng, thời gian thực hiện 115 ngày. Tháng 12/2007, nhà thầu được Công ty đạm Hà Bắc nghiệm thu và thanh toán đủ số tiền này.
Cơ quan thanh tra khẳng định, Công ty đạm Hà Bắc chấp thuận cho liên danh bổ sung giấy uỷ quyền tham dự thầu và bổ sung giấy đăng ký kinh doanh (có công chứng) là vi phạm quy định.
Khi nghiệm thu đối với hồ sơ, tài liệu dự án do nhà thầu liên danh lập, mặc dù nhà thầu thiếu báo giá chi phí bản quyền công nghệ, thiếu văn bản xác nhận tính khả thi của công nghệ, thiếu thoả thuận với nhà chế tạo về giá thiết bị chính mà dự án sẽ sử dụng, thiếu tài liệu tính toán chi tiết vốn đầu tư cho từng hạng mục công trình, cho thiết bị chính... nhưng Công ty đạm Hà Bắc vẫn nghiệm thu và thanh toán cho nhà thầu đủ số tiền là không đúng quy định và thoả thuận trong hợp đồng đã ký.
Không đủ năng lực nhưng vẫn tự tổ chức điều chỉnh dự án
Ngày 19/3/2008, Tổng công ty Hoá chất ban hành quyết định phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo - mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc với tổng mức đầu tư trên 392 triệu USD.
Thanh tra Chính phủ phát hiện, hồ sơ dự án do Nhà thầu WEC-CECO lập thiếu những hồ sơ, tài liệu quan trọng để xác định tổng mức đầu tư dự án. Mặt khác, năm 2007 giá cả vật liệu liên tục tăng, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn điều chỉnh giá nhưng Công ty đạm Hà Bắc không rà soát, bổ sung, vẫn trình Tổng công ty Hoá chất hồ sơ dự án do nhà thầu WEC-CECO lập với tổng mức đầu tư trên 392 triệu USD để thẩm định phê duyệt.
Khi thẩm định phê duyệt, Tổng công ty Hoá chất không thẩm định dự án, chỉ thẩm định tổng mức đầu tư dự án. Tổng mức đầu tư dự án do nhà thầu WEC-CECO lập là trên 392 triệu USD nhưng thiếu các hồ sơ, tài liệu quan trọng làm căn cứ, cơ sở xác định nhưng vẫn được Tổng công ty Hoá chất thẩm định, phê duyệt là thiếu căn cứ, thiếu cơ sở.
“Đây là một nguyên nhân chính dẫn đến sau này Công ty đạm Hà Bắc không lựa chọn được nhà thầu EPC dự án, phải lập, phê duyệt điều chỉnh dự án, đấu thầu lại gói thầu EPC”- Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Ngoài ra, dự án đầu tư nêu “đồng tiền USD sẽ được sử dụng để tính toán dự toán các chi phí” nhưng dự án không đánh giá ảnh hưởng của yếu tố tỷ giá. Mặt khác, Tổng công ty Hoá chất phê duyệt dự án khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường là không đúng quy định.
Ngày 19/10/2009, HĐQT Tổng công ty Hoá chất có nghị quyết phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư trên 568 triệu USD - tăng trên 176 triệu USD (44,9%) so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt năm 2008.
Cơ quan thanh tra khẳng định, Công ty đạm Hà Bắc không đủ điều kiện, không đủ năng lực nhưng vẫn tự tổ chức điều chỉnh dự án, trong đó lập mới tổng mức đầu tư dự án và tính toán hiệu quả dự án trình Tổng công ty Hoá chất thẩm định, phê duyệt là không đúng quy định về quản lý xây dựng.
Tổng mức đầu tư do Công ty đạm Hà Bắc lập đã tính thừa chi phí về thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thẩm tra dự toán công trình, giám sát thi công trên 1,4 triệu USD; tính thừa chi phí các hạng mục tạm trên 2 triệu USD...
Báo cáo kết quả thẩm định của Ban Đầu tư xây dựng Tổng công ty Hoá chất nêu: Khi lập dự án vào thời điểm cuối năm 2007, liên danh nhà thầu WEC-CECO với kinh nghiệm của nhà thầu WEC và tham khảo giá thiết bị của một số nhà máy đạm thực hiện tại Trung Quốc đã lập chi phí thiết bị là 190 triệu USD (không có thuế VAT). Nhưng sau hơn 1 năm, liên danh nhà thầu WEC-CMC (Tổng công ty Xuất nhập khẩu máy Trung Quốc)-CECO lại đề xuất giá thiết bị trước thuế trong hồ sơ dự thầu là trên 305 triệu USD. Việc chi phí thiết bị tăng trên 115 triệu USD (60,4%) so với phê duyệt năm 2008 nhưng đã không được làm rõ.
Về việc lựa chọn nhà thầu EPC (lần 2), kết luận thanh tra cho biết, Công ty đạm Hà Bắc ban hành quyết định liên danh nhà thầu WEC-CMC-CECO trúng thầu với giá trên 373 triệu USD và 408 tỷ đồng. Ngày 2/8/2010 Tổng công ty Hoá chất có quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu.
Trong quá trình thi công có một số thay đổi giữa thiết kế cơ sở và thiết kế thi công, một số thiết bị, vật liệu sai khác so với hợp đồng về số lượng, chủng loại, xuất xứ, thông số kỹ thuật. Tổng hợp chung giá trị chênh lệch tăng trên 2 triệu USD nhưng đến thời điểm thanh tra các bên vẫn chưa xử lý dứt điểm vấn đề này.