Hầu hết những nạn nhân “sập bẫy“ chiêu trò lừa đảo việc làm của các công ty môi giới ’đểu’ mà Báo phản ánh qua loạt bài Cảnh giác bẫy lừa việc làm đều là lao động nghèo, khó khăn...
L.T.K.H bị các công ty môi giới việc làm đẩy sang nhiều nơi nhưng không có việc làm ẢNH: PHẠM THU NGÂN
Trong quá trình điều tra những công ty môi giới lừa đảo người lao động, hầu hết những nạn nhân chúng tôi gặp được đều là những người lao động nghèo, bị chiêu trò lắc léo của các công ty môi giới “đểu” lừa gạt.
"Chỉ cần đủ tiền về trả ngoại”
P.T.T. (17 tuổi, quê ở Đồng Tháp) kể, gia đình không có điều kiện nên T. nghỉ học sớm, lên TP.HCM thuê nhà trọ để đi làm. Do ảnh hưởng của dịch Coѵīd-19, T. thất nghiệp nên lên mạng tìm thông tin và tìm đến Công ty TNHH phát triển Quốc Tế Sài Gòn Group (gọi tắt là Công ty Sài Gòn Group) để tìm việc.
Khi đến địa chỉ số 105 đường số 53 (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM), trụ sở Công ty Sài Gòn Group, T. được yêu cầu đóng 800.000 đồng gồm quỹ trách nhiệm và tiền làm thẻ. Còn 700.000 đồng trong túi, T. được nhân viên công ty này cho... "đóng tạm", hẹn ngày 5.5 đi làm. Sau đó T. về quê đợi ngày đi làm theo lịch hẹn.
Công ty Sài Gòn Group đóng cửa, chủ nhà dán giấy cho thuê
Đến ngày đi làm, T. bắt xe từ quê ở Sa Đéc (Đồng Tháp) lên TP.HCM nhưng gọi điện thoại cho quản lý mãi không được, T. gọi cho nhân viên Công ty Sài Gòn Group thì bị “đánh trống lảng” nên ngày 6.5, T. tìm đến trụ sở Công ty Sài Gòn Group.
Tại Công ty Sài Gòn Group, quản lý công ty lại viện cớ, đòi chuyển T. về làm bảo vệ ở Lotte Mart (ở Q.Gò Vấp). Lương khác xa với hứa hẹn ban đầu nên T. không đồng ý và muốn nhận lại số tiền đã đóng. Nhân viên lại viện cớ và hẹn sẽ chuyển khoản cho T.
Lúc ra về, T. được một nạn nhân mách: “Con phải làm căng thì nó mới trả tiền mặt, chứ chuyển khoản không biết khi nào” nên T. quay vào công ty để tiếp tục đòi tiền. Sau một hồi tranh cãi, nam nhân viên mới chịu trả trước 50% cho T., hẹn đến ngày 6.6 tiếp tục trả số tiền còn lại.
Cầm 350.000 đồng, T. vừa mừng vừa mệt, bảo số tiền này tuy ít ỏi với nhiều người nhưng đối với T. rất quan trọng.
Trong quá trình nhập vai tìm việc, chúng tôi tiếp xúc với nhiều người trẻ đi xin việc. Những công ty môi giới “đểu” thường lợi dụng việc các bạn chưa có kinh nghiệm để thu tiền. Khi phát hiện mình bị lừa và tìm đếm công ty môi giới, các nạn nhân thường bị hẹn kéo dài hoặc chỉ được trả một ít tiền để người xin việc nản mà bỏ phần tiền còn lại.
nghỉ học từ năm 12 tuổi, H.P.L. (19 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM) làm nhiều nghề như phụ hồ, bốc vác, bán vé số, làm bảo vệ để kiếm kế sinh nhai… Cha mẹ ly thân, L. sống với bà ngoại từ nhỏ. Ngày 1.5, khi đi xin việc ở Công ty TNHH dịch vụ đầu tư Thống Nhất (gọi tắt Công ty Thống Nhất, trụ sở số 22 đường số 13, xã Phong Phú, H.Bình Chánh), L. có mượn của bà ngoại 500.000 đồng. Khi nhân viên công ty môi giới yêu cầu đóng 800.000 đồng mới có việc làm ngay thì L. liền đóng. “Ban đầu cũng nghi ngờ nhưng người phỏng vấn đông, ai cũng đóng nên em đóng theo”, L. kể lại.
L. bị bà ngoại nghi dùng 500.000 đồng đã mượn để ăn chơi. “Làm gì làm, em chỉ cần đủ tiền về trả ngoại”, L. tâm tình.
Đến chiều 13.5, L. cùng nhiều nạn nhân khác đòi Công ty Thống Nhất trả tiền và mãi đến khi Công an xã Phong Phú đến làm việc thì công ty này mới mở cửa, trả lại tiền cho những người bị hại. Thế nhưng, nhân viên Công ty Thống Nhất viện nhiều lý do, chỉ trả lại 500.000 đồng tiền cho những người đã đóng, số tiền còn lại Công ty Thống Nhất hẹn sẽ chuyển khoản sau.
Cầm 500.000 đồng, L. cho biết: “Với em vậy là đủ rồi. Em về nhà với ngoại em được rồi”. Theo L., 300.000 đồng còn lại công ty có trả hay không thì không còn quan trọng vì số tiền có lấy được cũng không đủ bù vào công sức đã bỏ ra để đi lại đòi tiền.
Mượn tiền cho con đi làm
Trong thời gian ghi nhận ở Công ty Sài Gòn Group; Công ty TNHH DV phát triển quốc tế Hưng Thịnh (số 250, đường Tạ Quang Bửu, P.4, Q.8) và Công ty Thống Nhất, chúng tôi thấy có rất đông người lao động đến đây đòi nợ.
Bà L.T.N (60 tuổi) từ Vĩnh Long lên TP.HCM cùng con gái mướn một phòng trọ ở Q.12. Ngày 13.2, con gái và cháu trai của bà đến Công ty Thống Nhất đóng tổng cộng 1,6 triệu đồng nhưng sau đó không có việc làm. Từ sáng sớm 13.5, bà N. cùng cháu mình chạy xe hơn một tiếng đồng hồ từ Q.12 lên Công ty Thống Nhất ở H.Bình Chánh để đòi tiền.
Bà N. đứng trước công ty giữa trưa nắng, ăn vội ổ bánh mì, bức xúc: “Bấm chuông, điện thoại không được, chúng tôi tới kêu cửa. Cuối cùng có một người đàn ông ra, chẳng những không giải quyết mà còn chửi tôi làm phiền giấc ngủ. Sau đó, người này còn cầm cây ra dọa đánh tôi nữa”.
Bà L.T.N rất mừng khi đòi lại được số tiền mà bà đã bị Công ty Thống Nhất lừa
Tìm đến Công an xã Phong Phú trình báo, bà N. được thông báo chờ đến đầu giờ chiều Công ty Thống Nhất sẽ mở cửa để trả lại tiền. Xòe những tờ tiền vừa được trả lại, bà N. cho biết trước đó, để gom đủ 1,6 triệu đồng đóng cho công ty môi giới, bà phải đi mượn người quen 600.000 đồng. “3 tháng nay mới chỉ trả được 500.000 đồng, người ta vẫn còn đòi miết. Sao đã khổ rồi mà còn gặp lừa đảo!”, bà N. nói.
Không chỉ riêng bà N., giữa trưa 13.5, có hơn 20 người từ H.Hóc Môn, H.Củ Chi hay thậm chí như trường hợp của anh V.T phải chạy từ TP.Dĩ An (Bình Dương) xuống trụ sở của Công ty Thống Nhất, chờ mòn mỏi để đòi lại 800.000 đồng mà anh đã đóng.
Rất đông người lao động đến trụ sở Công ty Thống Nhất đòi lại tiền
L.T.K.H bị Công ty Hưng Thịnh lừa tiền, hẹn qua Công ty Thống Nhất nhận việc nhưng không được giải quyết
L.T.K.H (19 tuổi, quê Bến Tre) có hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ H. ly thân nên H. cùng mẹ lên H.Bình Chánh thuê nhà trọ ở. Mẹ H. đi làm công nhân, còn H. vừa vào năm nhất của một trường cao đẳng và muốn tìm việc làm thêm để đỡ đần gánh nặng cho mẹ.
Ngày 11.5, H. đến Công ty TNHH DV phát triển quốc tế Hưng Thịnh (gọi tắt Công ty Hưng Thịnh, số 250 Tạ Quang Bửu, P.4, Q.8) để xin việc và được hẹn đến ngày 12.5 đến Công ty Thống Nhất nhận việc. Đến ngày hẹn nhưng không nhận được việc làm, liên lạc với nhân viên Công ty Hưng Thịnh thì không được giải quyết, trụ sở công ty này thì đóng cửa nên H. trình báo với UBND P.4 (Q.8) để được giải quyết.
Đến nay, đã hơn một tuần lễ nhưng việc vẫn chưa có, tiền vẫn mất. “Em phải bắt xe buýt 2 chuyến, đi hơn một tiếng mới xuống Công ty Hưng Thịnh, bây giờ lịch học của em đã bắt đầu dày lại, em không biết làm thế nào mới đòi lại số tiền, nó thật sự không nhỏ với em”, H. chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên TP.HCM (Thành đoàn TP.HCM), cho biết người lao động, nhất là sinh viên và người thất nghiệp cần hết sức cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin vì hiện nay “cò” lao động lợi dụng tâm lý người lao động đang rất cần việc làm để giăng bẫy, lừa tiền.
Theo ông Sang, người lao động cần chuẩn bị trước 1 hoặc 2 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ tùy thân... để xin việc như đơn xin việc, sơ yếu lý lịch, các văn bằng, bản sao hộ khẩu, chứng minh thư...
Ông Sang ví dụ, khi đến trung tâm dịch vụ việc làm Báo , người lao động sẽ được tư vấn viên tư vấn kỹ về vị trí công việc cụ thể mà doanh nghiệp đang tuyển dụng kèm theo điều kiện tuyển dụng như độ tuổi, giới tính, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết. Người lao động cũng được tư vấn về địa điểm làm việc, lương và các chính sách mà doanh nghiệp hỗ trợ...
“Đó là một quy trình tư vấn tương đối đầy đủ để cung cấp cho người lao động đầy đủ các thông tin. Sau đó, phía trung tâm sẽ có trách nhiệm liên lạc với lại doanh nghiệp để xác nhận rằng công ty vẫn đang tuyển dụng vị trí công việc đó rồi mới cấp giấy giới thiệu cho người lao động đến doanh nghiệp tuyển dụng”, ông Sang cho biết.
Ông cũng cho biết người lao động hiện nay có thể tìm đến nhiều trung tâm uy tín của thành phố, như Trung tâm dịch vụ việc làm của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên TP.HCM (Thành đoàn TP.HCM) để được tư vấn hoàn toàn miễn phí. “Theo thông thường, doanh nghiệp tuyển dụng không thu gì của người lao động. Trường hợp có thu phí thì phải có cam kết chặt chẽ, rõ ràng. Cam kết này người lao động sẽ được ký kết với công ty tuyển dụng chứ không phải là bên môi giới", ông Sang cho hay.