Hơn 10 năm quay quắt trong trong giấc mộng vàng, nhưng những gì “cơn bão vàng” để lại cho mảnh đất nghèo khó Minh Lương (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) chỉ có thể gói gọn trong mấy lời cay nhức của ông chủ tịch xã: Không đóng góp gì cho địa phương.
Những phụ nữ ở Minh Lương mót vàng kiếm sống qua ngày. Ảnh: LN.
Toàn xã có 250 người nghiện trên tổng 1.039 hộ dân. Nhưng đó mới chỉ là con số ghi vào sổ chính thức…
Suối Chăn chưa bình yên
Suối Chăn (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) so với gần bảy năm về trước - thời điểm tác giả bài viết này có mặt để tìm sự thật về bản báo cáo “2 người chết, 7 người bị thương” được đưa ra trong vụ sạt lở kinh hoàng đêm 4.9.2013 tại khu vực khai thác thuộc xã Minh Lương, đã phần nào bớt hung dữ.
Nhưng trên dãy núi xa xa phía đầu nguồn, xen giữa những trảng cây xanh rì, còn đó từng dải đất trơ lốc vàng ệch, nham nhở như mái đầu cắt hỏng.
Cho đến tận thời điểm hiện tại, hàng vạn khối đất đá lở xuống hôm ấy đã cuốn đi tất thảy bao nhiêu mạng phu vàng, vẫn còn là một ẩn số chưa có lời giải chính xác. Chỉ biết rằng, sau khi có sự vào cuộc gắt gao của báo chí, chính quyền địa phương đã phải thừa nhận có 12 người tử vong.
Tìm kiếm thi thể các phu vàng tại suối Chăn sau vụ sạt lở tháng 8.2016. Ảnh: LN.
Còn con số thực tế có thể lớn hơn, bởi ngay trong đêm và cả nhiều ngày sau nữa, người dân địa phương đã tận mắt chứng kiến những cảnh bới móc, khóc than, những quả đồi nghi ngút khói hương và từng tốp người lầm lũi vẹt rừng, mở lối để cáng những xác người đã được bọc kín ra ngoài.
Gần 3 năm sau, dòng suối Chăn đỏ quạch bùn đất một lần nữa là nơi vớt được thi thể 2 phu vàng trong vụ sạt lở thảm khốc đêm 19.8.2016. Lần này, theo báo cáo ban đầu “2 người chết, 4 người bị thương”, cả 2 nạn nhân đều là người của công ty CP vàng Nhẫn, đang khai thác tại mỏ Sa Phìn, xã Nậm Xây.
Sau đó, trước quyết tâm kiếm tìm sự thật của nhiều cơ quan báo chí trong đó có Báo Lao Động, con số công bố cũng phải điều chỉnh lại, lên 9 người chết, 2 người mất tích.
Đường lên mỏ vàng Minh Lương (xã Minh Lương). Ảnh: LN.
Nay, thời hoàng kim đào đãi qua đi, dòng suối Chăn chưa hẳn bình yên nhưng đã vơi dần những cuộc thanh trừng và giành giật. Mười mấy năm trời quanh co kể từ khi phong trào đào vàng xuất hiện, suối Chăn đã chứng kiến ở Minh Lương nhiều sự đổi khác. Trong đó có cả cuộc đời của chàng thanh niên 30 tuổi lục Văn Phiên.
“Người dân chẳng được lợi lộc gì”
Vào thời kỳ hưng thịnh nhất của hoạt động khai thác vàng những năm đầu thập niên 2010, lục Văn Phiên vẫn chỉ là chàng trai mới lớn. Phiên lúc đó chưa lập gia đình và cũng chưa phải là một con nghiện thâm niên như hiện tại.
Tuy vậy, Phiên vẫn nhận mình là người may mắn vì “cho đến giờ vẫn sống” trong khi đám bạn làm cùng cứ chết dần vì sập hầm, mưa bão hoặc mα tύy.
Gặp chúng tôi trên con đường lổn nhổn sỏi đá dẫn vào mỏ vàng Minh Lương, Phiên giọng lè nhè như say, kể: “Trước em với 6-7 đứa bạn đào chung một đường lò. Sau thiếu người nên em bỏ đấy. Giờ em có chế độ cấp phát Methadone để cai nghiện. Sáng cứ tầm 7 giờ đi uống, thời gian còn lại vào bãi mót vàng”.
Rồi đến đoạn đường khó, Phiên dựa chiếc xe máy tàn tạ vào một bụi cây, khoác đồ nghề lên vai rồi phăm phăm tiến sâu vào bãi. Tất cả dụng cụ này cùng sức khỏe của một chàng trai 30 tuổi, Phiên có thể kiếm được từ 200.000 đồng/ngày để nuôi gia đình, nếu may mắn.
lục Văn Phiên và đồ nghề cho một ngày đi đào vàng. Ảnh: LN.
Không chỉ Phiên, dù mọi hoạt động khai thác chính thức tại mỏ vàng Minh Lương về cơ bản đã dừng lại từ hơn một năm qua thì mỗi ngày vẫn có hàng trăm người dân vẫn ngày hành quân vào bãi để đầu quân cho những mỏ tự phát.
Phiên kể, vàng ở mỏ Minh Lương và Sa Phìn là vàng gốc, các thân quặng vàng nằm sâu trong lòng núi nên phải khai thác theo phương pháp hầm lò kiểu “chạy địa đạo” hoặc hầm “xương cá”, sau đó tuyển nổi và luyện ngay tại chỗ.
Nếu không có sự đầu tư từ những ông chủ lớn cùng máy móc hiện đại, thì khó có thể làm được. Chính vì thế, người dân bản địa không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi làm thuê hoặc đi mót vàng.
Phiên cũng từng tách ra làm lò riêng, nhưng rồi chẳng trụ được lâu chưa kể tiền kiếm được chẳng đủ để phục vụ việc hút chích. Rồi Phiên lại quay lại đào thuê, sau đó trở thành “lọ mọ” như hiện tại.
Nhiều người dân bản địa hiện vẫn sống bám một số mỏ vàng trái phép. Ảnh: LN.
Trong ký ức của mình, Phiên không sao quên được hình ảnh những tốp người rồng rắn kéo nhau từ dưới xuôi lên, lân la đến từng nhà để thuyết phục dân đi đào vàng. Họ vẽ lên những viễn cảnh giàu có đầy mộng mị. Thế nhưng trên thực tế, chính những người dân bản lại hưởng lợi ít nhất.
Không ít người đem theo cả gia đình, con cái ẩn giật tận sâu trong bãi vàng, với mong muốn đổi đời nhờ vàng nhưng kết quả là cuộc sống của họ vẫn vất vả hơn cả khi cuốc đất làm ruộng…
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hứa Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Minh Lương cho biết, toàn xã có 1.039 hộ dân thì có 250 người nghiện. Tuy nhiên đó chỉ là con số được thống kê chính thức để cấp phát Methadone điều trị cai nghiện. Còn con số thực tế, có thể cao hơn. Vấn đề ở chỗ, người nghiện chủ yếu là nam giới, là trụ cột gia đình.
Chủ tịch UBND xã Minh Lương Hứa Văn Minh buồn bã nói về hệ quả của việc khai thác vàng. Ảnh: LN.
“Thời điểm cao nhất toàn xã có hơn 400 người nghiện nhưng giờ cũng đã giảm theo đà giảm của hoạt động khai thác. Người từ tứ xứ kéo đến, kiếm tiền dễ nên cứ rủ rê nhau rồi nghiện cả. Cuối cùng chẳng giúp được gì cho gia đình, cho cộng đồng, mà chỉ gây hại” - ông Minh ngao ngán.
Cũng theo ông Hứa Văn Minh, xã Minh Lương hiện có tới 326 hộ nghèo, kinh tế nhìn chung khó khăn dù được tiếng là “ngồi trên đống vàng”.
Vị chủ tịch xã cho biết thêm: “Nói thẳng là mấy hoạt động khai thác đó chẳng mang lại lợi ích gì cho địa phương cả. Ai giàu ở đâu không biết nhưng người dân ở đây chẳng được lợi lộc gì.
Đã thế trên địa bàn còn ghi nhận khoảng 10 hộ từ nơi khác đến nhưng kẹt luôn trong bãi không có tiền về. Họ cứ sống ẩn dật thế, nợ tiền gạo, tiền mắm muối, con cái không được học hành...”.
Mỏ vàng gốc Minh Lương ban đầu do Công ty CP Khoáng sản 3 (Vinacomin) khai thác, sau đó được chuyển giao cho Công ty CP Vàng Lào Cai. Đến thời điểm tháng 3.2019, việc khai thác hết hạn, các hoạt động chính tại mỏ dừng lại.
Hiện, trong khi Công ty CP Vàng Lào Cai đang chờ cấp mới giấy phép để hoạt động thì hiện tượng “vàng tặc” bắt đầu tái diễn rầm rộ. Còn một bộ phận người dân địa phương đang bám vào hoạt động trái phép này để sinh sống...