Ngày 5/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức lễ công bố trực tuyến báo cáo thường niên Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng năm thứ 3 liên tiếp. TP Hà Nội xếp thứ 9, TP.HCM xếp thứ 14. Đáng chú ý, điểm số trung bình PCI là cao nhất từ trước tới nay, cho thấy môi trường kinh doanh có xu hướng cải thiện rõ nét.
Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng các doanh nghiệp có quan hệ với tỉnh dễ nhận được nguồn lực kinh tế hơn đã giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng doanh nghiệp cần có mối quan hệ để có được tài liệu của tỉnh cũng giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng toà án để giải quyết tranh chấp tăng. Các chỉ số về cải cách hành chính, chi phí không chính thức đều cải thiện.
Dù trên đà cải thiện nhưng để đạt được những mục tiêu đặt ra là vô cùng thách thức như tỷ lệ doanh nghiệp dân doanh phải trả chi phí không chính thức là 53%, thấp nhất trong 6 năm qua. Nhưng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết của Chính phủ là trong báo cáo năm tới phải giảm xuống còn khoảng 30%. Đáng chú ý, có tới 56% doanh nghiệp FDI cho rằng, ngay cả khi đã nộp chi phí không chính thức, nhưng doanh nghiệp vẫn không giải quyết được việc. Trung bình mỗi giấy phép xây dựng, doanh nghiệp FDI phải trả 24 triệu đồng.
Trước mắt, trong bối cảnh COVID-19, báo cáo PCI cho thấy, sự tín nhiệm của người dân và doanh nghiệp hiện đang ở mức cao nhất trong những năm qua và còn tiếp tục cải thiện. Đây sẽ là gia tốc mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế tái khởi động hậu đại dịch.
Khôi phục kinh tế cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Để thúc đẩy nền kinh tế tái khởi động hậu COVID-19, một thành phần kinh tế không thể không quan tâm đó là các DN vừa và nhỏ, khi chiếm tới hơn 98% tổng số doanh nghiệp và cũng là một trong những đối tượng chịu tổn thương nặng nề nhất vì dịch bệnh. Cần tập trung hỗ trợ kịp thời cho đối tượng này là nhận định của hầu hết các chuyên gia trong buổi tọa đàm "Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM năm 2020" do UBND TP.HCM tổ chức.
Tính đến tháng 3 năm nay, tổng số lượng doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của TP.HCM chiếm hơn 97%. Trong đó, khó khăn lớn nhất của khối doanh nghiệp này là việc tiếp cận nguồn vay ưu đãi.
Ngoài khó khăn về vốn, doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng có mức độ tổn thương nặng nhất và dễ phá sản như doanh nghiệp du lịch có quy mô nhỏ, các dịch vụ lưu trú ngắn ngày… Nhưng đối tượng này lại có khả năng phục hồi nhanh do vốn đầu tư thấp, dễ chuyển hướng kinh doanh vì vậy, ngoài việc hỗ trợ vốn thì cần đẩy nhanh tái cấu trúc chuỗi giá trị để doanh nghiệp tham gia được ngay.
https://vtv.vn/kinh-te/phuc-hoi-kinh-te-sau-dai-dich-covid-19-20200505230729265.htm