Quảng Nam: Giám đốc Sở Y tế bật khóc, giải trình giá mua máy xét nghiệm Covid-19 Quảng Nam: Giám đốc Sở Y tế bật khóc, giải trình giá mua máy xét nghiệm Covid-19 , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Hai đã bật khóc khi trình bày với lãnh đạo tỉnh chiều ngày 29/4 về việc máy xét nghiệm Realtime PCR được mua với mức giá "trên trời" - hơn 7 tỷ đồng.
Theo trình bày của ông Nguyễn Văn Hai, việc mua máy là nhu cầu và cấp thiết kể từ thời điểm phát hiện ca bệnh thứ 17 (tại Hà Nội). Lúc đó Quảng Nam chưa có máy xét nghiệm này nên luôn phải gửi mẫu đi Hà Nội, Nha Trang làm xét nghiệm, 2,5 – 3 ngày mới có kết quả.
Trong khi đó, từ ngày 16/3, Quảng Nam được xác định ở trong tình huống nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 rất cao, khi liên tiếp có các ca bệnh thứ 31, 33, 57 trên địa bàn. Từ ngày 3-15/3, ngành y tế tỉnh liên tục lấy mẫu các trường hợp để xét nghiệm vì tình trạng quá tải ở Viện Pasteur Nha Trang.
Ngày 13/3, Sở Y tế có tờ trình gửi UBND tỉnh đề xuất mua máy xét nghiệm Realtime PCR tự động. Ngày 6/3, thường trực UBND và Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc họp, thống nhất mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động từ nguồn ngân sách địa phương để phục vụ công tác chống dịch.
“Chủ trương mua sắm được quyết định kịp thời vì yêu cầu của công tác chống dịch, việc xét nghiệm tại chỗ trở nên bức thiết. Diễn biến dịch cũng cho thấy phải tăng cường lấy mẫu xét nghiệm”, ông Hai phát biểu.
Lãnh đạo Quảng Nam thống nhất, trong vòng chưa tới 20 ngày phải cải tạo cơ sở hạ tầng phòng xét nghiệm đủ chuẩn, đào tạo nguồn nhân lực… để có thể xét nghiệm tại địa phương. Từ ngày 1/4, Quảng Nam đã tiến hành trên 3.800 lượt xét nghiệm.
Cũng theo ông Hai, hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động cũng được sử dụng để xét nghiệm một số bệnh truyền nhiễm khác như HIV, HCV, HBV, MTB, lậu, giang mai…
Giám đốc Sở Y tế cũng nêu các căn cứ, trình tự thủ tục để trang bị máy đúng các quy định của pháp luật. Sở Y tế đề xuất áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn vì nếu đấu thầu rộng rãi sẽ tốn rất nhiều thời gian, không đảm bảo cho việc xét nghiệm phục vụ công tác chống dịch…
"Nếu có lỗi trong việc mua máy, tôi không đổ cho ai"
Về vấn đề giá máy, Sở Y tế Quảng Nam đã xem xét 3 báo giá của 3 đơn vị, trong đó, đơn giá 7,56 tỉ/máy là thấp nhất, do Công ty CP thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt báo giá. Các cơ quan cũng đối chiếu mức giá này với giá trúng thầu của các địa phương đã mua sắm hệ thống thiết bị tương tự trước đó là Sở Y tế Quảng Ninh (8,4 tỉ đồng, kí hợp đồng ngày 1/3), CDC Hà Nội (7 tỉ đồng, kí hợp đồng ngày 3/3).
Từ những căn cứ đó, Sở Y tế trình Sở Tài chính tỉnh thẩm định dự toán. Cuối cùng, Sở Y tế đàm phán lại, "chốt" được mức giá máy còn 7,23 tỉ đồng.
Trong quá trình chạy thử máy xét nghiệm Realtime PCR tự động, Sở Y tế chưa nghiệm thu, chưa tạm ứng cho đơn vị cung cấp máy.
“Nếu có lỗi gì trong chuyện này là do tôi, tôi không đổ lỗi cho ai, không nói ai được”, ông Hai nói và bậc khóc ngay tại cuộc họp.
Doanh nghiệp tự nguyện giảm giá máy từ 7,2 xuống mức 4,8 tỉ
Về việc thẩm định giá, ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính cho biết, sau khi nghiên cứu tờ trình của Sở Y tế, Sở có tham khảo các báo giá của các công ty. Giá 7,5 tỉ đồng là giá dự toán, còn chủ đầu tư phải thương thuyết với nhà thầu.
“Giá này đắt hay rẻ? Theo tôi, giá máy cũng thể hiện quan hệ cung cầu. Tôi không thể nói giá như vậy là đắt hay rẻ”, ông Phan Văn Chín nói.
Giám đốc Sở Tài chính cũng cho hay, khi kiểm tra trên hệ thống thì Sở Y tế chưa rút tiền để chuyển cho đơn vị bán máy.
Tại cuộc họp, đại diện Công ty CP thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt - bà Lê Thị Tuyến, Giám đốc Công ty trần tình, doanh nghiệp không biết được giá nhập khẩu, công ty nhập khẩu không cung cấp cho công ty giá đầu vào nên không tham khảo được.
Tại thời điểm Giải pháp Việt cung cấp máy cho tỉnh Quảng Nam thì không ai biết được giá nhập khẩu máy này là bao nhiêu. Máy được nhập khẩu từ Đức và công ty của bà Tuyến là đơn vị cung cấp vật tư, hóa chất cho việc xét nghiệm.
Riêng hệ thống máy chính là 5,2 tỉ đồng, còn các loại chi phi chí khác như thuế, hóa chất, vận chuyển, lắp đặt… 600 triệu đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty là hơn 1 tỉ đồng.
Tại cuộc họp, bà Lê Thị Tuyến cũng đề xuất giảm giá máy xuống còn 4,853 tỉ đồng, giảm tỉ suất lợi nhuận xuống còn 0% để ủng hộ hoạt động chống dịch.
Phủ nhận thông tin doanh nghiệp đã "nâng khống" giá máy, bà Tuyến cũng khẳng định, đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp chưa nhận được đồng thanh toán nào từ Sở Y tế Quảng Nam.
Kết luận cuộc họp, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, ông đã kí công văn giao thanh tra việc mua sắm máy xét nghiệm và sau đó là thanh tra các việc còn lại, thời hạn đến ngày 20/5 phải báo cáo kết quả thanh tra.
Ông Lê Trí Thanh cũng lưu ý, trong quá trình thanh tra, chưa thực hiện việc chuyển tiền cho công ty bán máy; nếu thanh tra có thấy vấn đề thì chuyển cơ quan điều tra.
“Nếu có công thì phải được tuyên dương, khen thưởng. Nếu vi phạm thì phải xử phạt nghiêm minh. Tất cả chúng ta ở đây chưa kết luận việc mua máy là đúng hay sai, kết quả còn chờ Thanh tra tỉnh”, ông Lê Trí Thanh nói.