Hồ Kênh Lấp (xã Tân Xuân) dài gần 5 km, rộng 40-100 m, vốn là con kênh đào từ thời Pháp được lấp hai đầu. Sau đợt nắng hạn kéo dài, giữa trưa cuối tháng 4, phần lớn lòng hồ đã cạn khô, vài đám sen chết khô. Những chiếc xuồng người dân dùng để giăng câu, lưới quanh hồ cũng nằm chơ vơ. Hồ chứa một triệu mét khối nước, giờ chỉ còn lại những vũng nước nhỏ, chỗ sâu nhất hơn một mét. Do hồ cạn, bầy chim, cò hàng nghìn con mấy ngày nay đến đậu kín, kiếm thức ănHồ trữ ngọt Kênh Lấp trữ lượng một triệu m3 nước cạn trơ đáy, người dân phải mang can đi xin nước tại các điểm cấp công cộng. Video: Hoàng Nam.
Ven hồ, các máy bơm nước nằm chỏng chơ, bởi phía dưới hệ thống ống là mặt đất khô nứt nẻ. Những thửa ruộng thu hoạch xong còn trơ gốc rạ, mặt đất nứt toác, các rẫy trồng rau bỏ hoang, cây xanh lẫn cỏ dại khô cằn, chết héo vì nắng nóng.
Ông Trương Văn Chơn (53 tuổi) chạy xe kéo tự chế đến thăm trại nuôi vịt đẻ cách nhà gần một km, nằm sát bờ hồ. Đang cao điểm mùa hạn, nước sông nhiễm mặn gần 10 phần nghìn, đàn vịt 1.000 con gầy rộp, khát khô vây quanh mấy cái thau nhôm dính đầy bùn.
Ông Chơn ra bên hông chòi vịt xách ba can nhựa loại 30 lít, nhưng thay vì ra mé bờ hồ múc nước như mọi khi, ông bỏ lên xe kéo, sau đó chạy hơn 2 km, đến giếng nước ngọt công cộng do các mạnh thường quân tài trợ, vừa hoạt động khoảng nửa tháng nay. "Trước đây hồ tuy bị nhiễm mặn nhưng vịt còn uống được, mấy ngày nay, hồ cạn khô, còn nước đâu nữa mà lấy", ông Chơn nói.
Hứng đầy ba can nước, ông Chơn chở về trại vịt, đổ vào thau. Ngoài bầy vịt, ông còn nuôi 9 con bò. Để có nước cho chúng uống, ông phải mua từ các sà lan với giá 70.000 đồng mỗi khối. Chi phí đắt đỏ, mấy hôm trước, ông bỏ ra 5 triệu đồng nhờ người khoan giếng. Tuy nhiên, giếng khoan xong phải bỏ không, do bị nhiễm phèn. Bốn người trong gia đình ông mấy tháng nay may mắn vẫn còn nước mưa dự trữ trong các bể xi măng, nhưng vẫn phải xài tiết kiệm đợi mùa mưa đến.
"Mỗi lần chở ba can, một ngày tui chở cỡ 6 chuyến mới đủ nước cho bò, vịt uống", ông Chơn nói. Do thiếu nước, đàn vịt đẻ giảm năng suất hẳn so với trước. Ngoài ra, 2.000 m2 lúa của gia đình ông phải lùi lại lịch gieo sạ vụ tới khoảng một tháng, chờ mưa rửa trôi bớt độ mặn trên đồng.
Ông Chơn chỉ là một trong hơn 11.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt tại Ba Tri mùa này, khi 12 nhà máy, trạm cấp nước trên địa bàn nước đều đã bị nhiễm mặn, người dân phải mua nước ngọt giá có khi lên đến 150.000 đồng mỗi khối. Hơn 4.300 ha lúa gieo sạ chết khô, nông dân phải cắt cho bò ăn. Đàn bò, dê, heo hơn 100.000 con cũng đang trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Ước tính tổng thiệt hại do hạn mặn tại huyện này khoảng 150 tỷ đồng.
Ông Hồ Văn Thương, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ba Tri cho biết, đơn vị quản lý hồ đã đề xuất phương án nạo vét để gia tăng lượng nước trữ. Tuy nhiên, ngành chức năng vẫn đang cân nhắc, vì đất lòng hồ bị nhiễm mặn từ nhiều năm trước, nạo vét có thể tăng độ mặn, lẫn nguy cơ sạt lở.
Những ngày qua, địa phương đã vận động các mạnh thường quân hỗ trợ người dân hơn 5.000 can nhựa cùng bồn chứa, khoan trên 100 giếng cùng 66 máy lọc nước mặn công cộng. "Về lâu dài, chúng tôi đang yêu cầu đơn vị quản lý tiếp tục rửa mặn cho hồ để phục vụ tốt hơn cho người dân vào mùa khô năm sau", ông Thương nói.
Hồ Kênh Lấp có sức chứa gần một triệu m3 nước, đủ sức phục vụ cho khoảng 200.000 người tại 24 xã, thị trấn trên địa bàn, là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất miền Tây. Dự án khởi công năm 2017, đi qua ba xã Tân Xuân, Phước Tuy và Phú Ngãi, với tổng kinh phí khoảng 85 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương và địa phương. Sau khi đưa vào sử dụng được ba tháng, hồ bị nhiễm mặn.
Mùa hạn mặn năm nay đến sớm, sâu bất thường và kéo dài khiến 6 tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh chống hạn mặn.
Hoàng Nam
https://vnexpress.net/ho-tru-nuoc-ngot-lon-nhat-mien-tay-can-kho-4091186.html