Thử vận hành một cấp chính quyền duy nhất cho Đà Nẵng? Thử vận hành một cấp chính quyền duy nhất cho Đà Nẵng? , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí Theo mô hình này, tại Đà Nẵng chỉ có một cấp chính quyền gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố. Cấp quận, phường không có Hội đồng nhân dân mà chỉ có Ủy ban nhân dân.
Đây là nội dung được UB Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp sáng 24/4 khi cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Tối giản cơ cấu UBND quận, phường
Một trong những nội dung được Chính phủ đề xuất tại dự thảo nghị quyết này là cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (ở cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (ở quận, phường).
Theo mô hình này thì chính quyền thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Cấp quận và phường không tổ chức hội đồng nhân dân mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là uỷ ban nhân dân quận và uỷ ban nhân dân phường.
Do không tổ chức hội đồng nhân dân ở quận, phường nên một số nhiệm vụ của hội đồng nhân dân quận và phường được chuyển lên cho hội đồng nhân dân thành phố; một số nhiệm của hội đồng nhân dân phường được chuyển lên cho uỷ ban nhân dân quận cho phù hợp.
Cơ cấu tổ chức cũng được thí điểm đổi mới như: quy định thành lập các tổ đại biểu hội đồng nhân dân thành phố tại quận, phường để giám sát các hoạt động của quận, phường khi không tổ chức hội đồng nhân dân. Quy định Uỷ ban nhân dân quận, phường chỉ gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quận sự, Trưởng công an quận, phường. Quy định uỷ ban nhân dân cấp trên bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, cách chức Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND cấp dưới.
Chính phủ khẳng định mô hình trên phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với đặc điểm, tính chất của quản lý đô thị trên địa bàn quản lý nhỏ gọn, số lượng đơn vị hành chính cấp quận ít (Đà Nẵng chỉ có 6 quận) nếu so sánh với Hà Nội và TPHCM.
Giảm thuế thu nhập để thu hút nhân tài?
Cũng trong dự thảo nghị quyết này, Chính phủ đề xuất dành cho Đà Nẵng 4 nhóm chính sách đặc thù.
Cụ thể, về điều chỉnh quy hoạch Đà Nẵng, Chính phủ đề xuất “phân quyền thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch thành phố và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị từ Thủ tướng Chính phủ cho HĐND và UBND Thành phố”.
Ở nhóm chính sách huy động vốn đầu tư phát triển, dự thảo Nghị quyết quy định: “Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp”.
Quy định này, theo Chính phủ là để thành phố có thêm dư địa được vay để đáp ứng nhu cầu vay đầu tư phát triển hơn 6,3 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025. Việc tăng mức dư nợ vay này được kiểm soát trong giới hạn nợ công cho phép do Quốc hội hàng năm quyết định tổng mức vay và bội chi ngân sách địa phương. Đồng thời, tỷ lệ này vẫn thấp hơn tỷ lệ áp dụng cho thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 54 năm 2017 của Quốc hội (90%).
Chính phủ cũng muốn có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khởi nghiệp sáng tạo của thành phố. Các dự án đầu tư tại thành phố được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
Về việc tăng quyền quyết định ngân sách, Chính phủ đề xuất Đà Nẵng được giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phát sinh tại Khu công nghệ thông tin tập trung Khu công nghệ cao Đà Nẵng trong 5 năm kể từ khi bắt đầu làm việc nhưng không quá năm 2025.
Riêng về vấn đề thuế thu nhập cá nhân, cơ quan thẩm tra dự thảo nghị quyết – UB Tài chính – Ngân sách cho rằng, chính sách thuế cần thực hiện thống nhất theo quy định của luật về thuế. Việc quy định riêng cho thành phố chưa đảm bảo công bằng với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là đối với các địa phương lớn như TPHCM, Hà Nội.
Ngoài ra, còn tác động đến mặt bằng chung giữa các đối tượng nộp thuế trong cả nước, tạo ra một tiền lệ tác động đến cân đối ngân sách giữa các địa phương và ngân sách Trung ương. Do đó, đề nghị bỏ quy định này trong dự thảo Nghị quyết.