Nam Định: "Chỉ huy" 2 triệu con chạch đồng bằng tràng vỗ tay Nam Định: "Chỉ huy" 2 triệu con chạch đồng bằng tràng vỗ tay , Người xứ Nghệ Kiev
Khác với những tỷ phú chăn nuôi ở đất Nam Định, anh Tô Văn Mạnh (SN 1990) ở thôn Lữ Đô, xã Yên Phương (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) lại chọn cho mình hướng đi riêng là nuôi chạch đồng.
Suốt 3 năm qua, anh đã kỳ công tìm hiểu và nuôi thành công loài cá trơn nhớt, rúc bùn tài tình này.
Nắng Xuân ấm áp lan tỏa khắp miền đồng chiêm trũng. Sau những trận mưa rào, cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay của xã Yên Phương xanh mơn mởn, tỏa hương thơm ngào ngạt khiến chặng đường dài tìm về trang trại của anh Mạnh như ngắn lại.
Lọt giữa thảm xanh của lúa đương thì con gái, có một khu ao nuôi chạch nước nổi trắng mênh mông. Đó là trang trại nuôi chạch đồng rộng gần 3ha của anh Mạnh – chàng thanh niên đất thành Nam.
Năm nay anh Mạnh mới ngoài 30 tuổi, nhưng nom Mạnh giống thư sinh hơn là một nông dân thực thụ. Nói vậy, chứ chàng thanh niên này miệng nói tay làm. Ngày đêm anh miệt mài với đám chạch chẳng rời nửa bước.
"Chỉ huy" 2 triệu quân
Dẫn phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đi thăm trang trại nuôi cá chạch đồng của mình, anh Mạnh tỏ ra rất vui vì thành quả mình đã đạt được.
Từng ô ruộng được anh biến thành ao đầm. Phía dưới làn nước đục mờ, đám trạch đang vùng vẫy. Thi thoảng cả vạn cái miệng nhỏ xíu của đám chạch đồng cùng nhô lên mặt nước đợi gia chủ cho ăn. Anh Mạnh khum khum 2 bàn tay vỗ vài cái, mặt nước hồ bỗng dậy sóng. Cả vạn con chạch nối đuôi nhau lao về phía có tiếng động. Chúng nhao nhao như bầy ong vỡ tổ nom rất vui mắt.
Hóa ra, sau nhiều năm gắn bó với loài vật có thân hình dài thuồn thuỗn như cái đũa này, anh Mạnh cũng dần rút ra được kinh nghiệm chăm sóc chúng.
“Nuôi đám này khi đã biết rồi thì rất nhàn. Tôi đã sáng tạo ra chiếc máng ăn tự động, chúng đói lúc nào thì vào máng ăn. Thời gian còn lại là chúng ngủ vùi. Những ngày nắng ấm, chúng mới nhao lên khỏe”, anh Mạnh chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Khu nuôi chạch đồng của anh Mạnh rộng gần 3ha. So với các con vật khác, diện tích nuôi chạch không cần rộng lắm. Mỗi m2 mặt ao, anh nuôi được cả trăm con chạch đồng. Một năm anh nuôi được nhiều lứa cá chạch, cứ 5 tháng anh xuất bán 1 lứa.
"Chạch đạt trọng lượng 40 con/kg là xuất bán được. Hiện trong ao của tôi có 2 triệu con chạch. Suốt mấy năm tìm tòi, tôi đã sáng tạo ra chiếc máng ăn tự động. Ngày ngày, tôi đổ thức ăn vào đó. Từ máng có các đường ống dẫn xuống ao, đám cá chạch đồng đói lúc nào là mò vào thỏa thích đánh chén...", trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Mạnh dí dỏm.
Khu nuôi chạch đồng của anh Mạnh rộng gần 3ha, với 2 triệu con cá chạch đang được thả nuôi.
Nhìn anh Mạnh chăm sóc cả triệu con chạch đồng mà nhàn nhã tựa một ông giáo làng về hưu. Ngày ngày anh đi kiểm tra một lượt, chỉ cần nhìn cách chúng bơi đùa trong nước là anh nắm được sức khỏe của đám chạch ra sao.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Mạnh cho hay, nếu như nước ao mà trong quá, chứng tỏ đám chạch hoạt động kém. Nước trong ao nuôi chạch luôn có màu đục lờ lờ nước hến thì đám chạch hoạt động mới khỏe. “Tôi nuôi chúng từ phôi, trứng rồi chăm bẵm chúng nhỏ bằng cái tóc cho đến lúc to bằng ngón tay là bán được. Do vậy, mọi hoạt động của chúng, mình phải nắm rõ như lòng bàn tay mới hy vọng có lãi”, anh Mạnh cho biết.
Thua không nản
Trang trại nuôi chạch đồng của anh Mạnh giờ trở thành cơ sở để các lái buôn ở miền Bắc đến nhập hàng. Để có đủ nguồn hàng cho khách, anh chia ao thành nhiều ô. Mỗi ô thả một lứa.
Làm sao để tuần nào anh cũng có chạch xuất ra thị trường bán cho khách. Giá bán chạch đồng hiện tại là 60.000 đồng/kg. Trừ chi phí đi, mỗi kg chạch mang lại cho người nuôi một nửa lợi nhuận, tức là bằng 30.000 đồng. Cứ theo cách tính của Mạnh, tôi nhẩm tính, mỗi năm trang trại này cho thu tiền tỷ chứ không ít. Nghe tôi tính vậy, anh Mạnh nở nụ cười đầy mãn nguyện.
Đưa đôi mắt tinh nhanh nhìn về phía đầm phá mênh mông, giọng anh Mạnh như trầm xuống: “Nghe thu tiền tỷ ai cũng thích, nhưng để có được ngày gặt hái thành quả, không phải ai cũng dám trải qua. Tôi khởi nghiệp suốt 3 năm qua, giờ vẫn thu về "đống nợ". Và tất nhiên, từ nay, việc thu hồi vốn sẽ nhanh hơn khi tôi nắm được kỹ thuật nuôi chạch”.
Sau 3 năm nuôi chạch, anh Mạnh đã nắm rất rõ về đặc tính của loài này. Hiện mỗi năm, trang trại xuất bán được khoảng 70 tấn chạch đồng.
Câu chuyện với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN đang rôm rả, anh Mạnh lại kể về chuỗi ngày "ngậm đắng nuốt cay" khi nuôi đám cá trơn nhớt, rúc bùn tài tình này. Sinh ra và lớn lên tại vùng chiêm trũng, đời anh cũng trải qua nhiều nghề. Cấy lúa, chăn nuôi, kinh doanh, buôn bán, anh đều đã từng trải qua. Việc làm làng nhàng kiếm cơm đó không khiến anh hài lòng. Trong thâm tâm, anh mong muốn phải làm một việc gì đó để đánh thức đồng đất quê mình.
Ngày ngày đọc báo trên mạng, thấy người ta nói về cách nuôi chạch mang lại lợi nhuận lớn. Đêm đêm anh nằm nghĩ, quê mình đồng đất mênh mông. Thùng đào, ao rãnh, bà con để hoang nhiều quá. Vậy tại sao mình không thử nuôi chạch xem sao.
Sau nhiều lần thất bại bởi các kế hoạch kinh doanh, giờ anh “vẽ” ra dự án nuôi chạch, ai cũng phản đối. Phần vì mọi người không hiểu và các thành viên trong gia đình cũng thương anh. Họ cho rằng, người ta muốn thoát khỏi đồng ruộng không được, nay anh lại định đổ tiền tỷ vào “đánh bạc” với đám chạch.
Anh Tô Văn Mạnh, chủ của trang trại nuôi chạch rộng 3ha. Nom anh giống một thư sinh hơn là một nông dân đã gắn bó suốt 3 năm với nghề nuôi chạch.
Trải qua nhiều lần thất bại trong kinh doanh, anh Mạnh biết rằng, vì mình chưa tìm ra con đường đi cho phù hợp với điều kiện nơi thôn dã. Nghĩ là anh bắt tay vào làm, anh vay mượn tiền mua chạch giống về nuôi. Mỗi chén chạch (khi chạch còn nhỏ, người bán giống hay bán giống đong bằng chén) có giá cả chục triệu đồng.
Thời gian đầu anh quyết tâm bao nhiêu, sau khi thả chạch xuống ao anh lo bấy nhiêu. Do chưa hiểu rõ về đặc tính của loài da trơn này, anh cứ thả xuống rồi “nã” thức ăn xuống ao. Đám chạch được ăn no nê. Suốt thời gian dài, anh cứ thấy chúng ăn được là tống thức ăn xuống ao.
Không ngờ, sau vài tháng số lượng chạch trong ao cứ hao hụt dần. Đến khi thu hoạch, chỉ thu được vài con. Bao vốn liếng và công sức anh đã đổ xuống ao mà chẳng thu nổi vài đồng lẻ. Kế hoạch nuôi chạch lần đầu của anh thất bại thảm hại.
Thất bại cay đắng, cộng với sức ép từ việc trả nợ khiến anh Mạnh thêm phần buồn phiền. Không cam chịu bỏ cuộc, một mặt anh khất nợ, mặt khác anh tiếp tục gom vốn mua giống thả xuống ao.
Trước khi tái sản xuất, anh vác ba lô đến các hộ nuôi chạch khác để tìm hiểu nguyên nhân vì sao chạch lại chết. Suốt cả quãng thời gian dài, anh đã “tầm sư học đạo” ở khắp nơi. Ngoài ra, anh còn lên Viện thủy sản Trung ương, thỉnh các giáo sư có chuyên môn về thủy sản về tận cơ sở của anh để hướng dẫn anh cách nuôi chạch.
Trong ao nuôi chạch, anh Mạnh lắp hệ thống bơm sục khí.
Cái khó nhất trong nuôi chạch là người nuôi phải chủ động được nguồn giống, bởi lẽ, mua giống chạch rất đắt. Đặc biệt là với những người mới khởi nghiệp như Mạnh, việc này càng khó hơn. 2 năm đầu, do không chủ động được nguồn giống, anh Mạnh đã mất cả tỷ đồng cho việc đầu tư giống.
Giống mua về không đảm bảo, anh Mạnh lại chưa biết cách chăm sóc, nên chạch cứ chết hàng loạt. Thất bại nối tiếp nhau khiến giấc mơ đổi đời từ đồng đất quê mình của Mạnh ngày càng xa vời.
Suốt 2 năm ròng, anh Mạnh cứ đổ tiền xuống ao là tiền lặn mất hút. Bao công sức của Mạnh cũng chưa mang lại những dấu hiệu tích cực nào. Nỗi ám ảnh của những thất bại càng khiến Mạnh thêm phần hoang mang. Khi mời được chuyên gia thủy sản về tận cơ sở chỉ bảo và hướng dẫn cách lấy trứng, thụ tinh nhân tạo cho chạch, anh Mạnh mới dần lấy lại được tự tin.
Anh chủ động được việc sản xuất nguồn giống cho ao nuôi của mình. Riêng khoản này, anh Mạnh đã tiết kiệm được cả tỷ tiền giống mỗi năm. Từ những phôi giống chạch ban đầu bé bằng sợi tóc, anh đã nắm được đặc điểm, sinh trưởng của chúng.
Khi có lưng vốn kiến thức, anh mới mạnh dạn mở ao, nuôi chạch trở lại. Mỗi ngày anh học một ít, anh dành thời gian ở lì ngoài ao, tìm hiểu đặc tính của loài chạch. Từ đó anh đưa ra phương pháp chăn nuôi cho phù hợp.
Mùa nối mùa qua đi, những nỗ lực không biết mệt mỏi của anh đã dần được đền đáp. Ao chạch phát triển tốt và cho thu đều đều. Hiện anh Mạnh đang ấp ủ, tiếp tục mở rộng sản xuất, vì nhu cầu tiêu thụ chạch vẫn đang tăng rất cao. Mỗi năm trang trại xuất bán 70 tấn mà vẫn không đủ. Anh Mạnh cho rằng: “Diện tích nuôi chạch ở quê còn rất nhiều. Nếu mình tận dụng tốt đồng bãi, vẫn có thể làm giàu được, miễn là đam mê của mình đủ lớn để thành công”