Ngày 10/4, Thủ tướng đã đồng ý cho phép hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo có hiệu lực từ 0h ngày 11/4. Ngay sau khi có quyết định này, hệ thống hải quan mở tờ khai cho doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu gạo vào lúc 0h ngày 12/4, trong khi đây là ngày Chủ nhật, không phải là ngày làm việc bình thường nên rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã không kịp đăng ký.
Chỉ sau hơn 2 giờ đồng hồ, việc đăng ký đã kết thúc vì đủ lượng xuất khẩu 400.000 tấn gạo. Nhiều tờ báo sau đó đã đồng loạt phản ánh sự việc này, tờ Người lao động đặt nghi vấn liệu có khuất tất trong xuất khẩu gạo hay không? Trong khi tờ Giáo dục và Thời đại cho rằng việc cho mở tờ khai lúc nửa đêm đã làm khó doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Tờ Nông thôn ngày nay cho biết, sau khi thông quan 400.000 tấn gạo trong gần 3 giờ, 41 thương nhân đã đồng loạt kêu cứu. Họ là chủ của hàng trăm ngàn tấn gạo đang nằm tại cảng chờ thông quan, mỗi ngày trôi qua, chi phí phát sinh để giữ hàng, bồi thường hợp đồng cho khách hàng lên đến hàng trăm triệu đồng, nhiều doanh nghiệp nếu không thông quan được trong tháng 4 thì sẽ không có nguồn thu trả nợ ngân hàng đúng hạn.
Việc tiếp tục cho xuất khẩu gạo được các chuyên gia đánh giá là chủ trương đúng đắn, nhanh chóng gỡ khó cho xuất khẩu gạo vốn đang là điểm sáng hiếm hoi của cả nền kinh tế, tuy nhiên cách thức triển khai của việc này khiến báo chí không thể không đặt dấu hỏi.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã khẳng định không có dấu hiệu hay tác động tiêu cực của công chức hải quan hay cơ quan hải quan trong chuyện này, hệ thống này hoạt động theo nguyên tắc xử lý tự động nhiều năm nay, 24/7, mọi lúc mọi nơi và không có ngày nghỉ. Thực hiện quyết định của Bộ Công Thương về cho xuất khẩu lại gạo, Tổng cục Hải quan đã thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên hệ thống xử lý dữ liệu điện từ. Và kể từ 0h, hệ thống được thiết lập để tự động tiếp nhận, tự động trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch.
Ngoài ra, việc 39 doanh nghiệp vẫn có thể đăng ký xuất khẩu vào nửa đêm cũng là điều đáng chú ý. Đáng nói hơn trong danh sách này có cả những doanh nghiệp đã trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo theo đấu thầu của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, nhưng họ không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Hiện tượng này làm phát sinh nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Trước tình trạng lùng nhùng của xuất khẩu gạo như những ngày vừa qua, tờ Tiền Phong đã chỉ ra một số dấu hiệu khác thường và cho biết Hải quan đang báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng cho điều tra, làm rõ có hay không việc trục lợi chính sách, làm trái quy định của Thủ tướng, kể cả điều tra với công chức hải quan và những đối tượng liên quan.
Còn nhiều điều cần phải làm rõ sau sự việc này, nhưng có thể thấy được bài học từ đây, đó là việc điều hành xuất khẩu gạo sau nhiều năm bỏ cơ chế hạn ngạch cần hết sức lưu tâm.
https://vtv.vn/trong-nuoc/xuat-khau-400000-tan-gao-chu-de-nong-tuan-qua-tren-bao-chi-khong-kem-dich-covid-19-20200419091805375.htm