Nhà biên kịch Phạm Sông Đông: “Đôi mắt trẻ thơ” của hoạt hình Nhà biên kịch Phạm Sông Đông: “Đôi mắt trẻ thơ” của hoạt hình , Người xứ Nghệ Kiev
18/04/2020
(HNMCT) - Nhân sự kiện phi hành gia Gagarin là người đầu tiên bay vào vũ trụ, nhà thơ Phạm Hổ quyết định gọi cô con gái út của mình là Sông Đông thay cho cái tên khai sinh Sông Thu.
Vậy là tên dòng sông ở nước Nga trong tác phẩm văn học nổi tiếng Sông Đông êm đềm đã gắn bó với Phạm Sông Đông cho đến tận bây giờ, ghi danh chị trên những giải thưởng dành cho biên kịch phim hoạt hình xuất sắc nhất tại các kỳ liên hoan phim quốc gia và Giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam.
1.Ai từng gặp đều công nhận Phạm Sông Đông có nụ cười hồn nhiên. Nụ cười ấy luôn hiện hữu trên môi, ngay cả khi bị trách: “Này, tai có vấn đề à, hôm trước nhìn thấy, gọi Thu ơi sao không trả lời, cứ thế đi thẳng?”. À, hóa ra lâu lắm mới có người gọi chị bằng tên thật - cái tên khai sinh mà chính chị cũng không còn thấy quen thuộc.
Mặc dù sinh ra trong một gia đình có ba là nhà văn chuyên sáng tác cho thiếu nhi nhưng không giống như đa số “con nhà nòi”, suốt thời niên thiếu Phạm Sông Đông không hề có một sáng tác nào, cho dù đó là một bài thơ, tản văn hay truyện ngắn. Sau 3 năm liên tục là học sinh giỏi văn nhất lớp tại trường cấp 3 (nay là THPT) Kim Liên, Sông Đông quyết định thi vào khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội khi trong lòng chưa xác định mình sẽ... trở thành gì trên bầu trời văn chương rộng lớn ấy.
Tốt nghiệp đại học, những tưởng sẽ đi làm ở Viện Văn học Việt Nam nhưng ngay hôm đến thi “đầu vào” chị đã cảm thấy mình không phù hợp với môi trường làm việc đó. Được sự ủng hộ của ba mẹ, chị quyết định không làm công việc mà ở thời đó được nhiều người coi là “ổn định”, để thi vào Khoa Lý luận phê bình điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Sông Đông tiếp tục cuộc đời sinh viên và vẫn chưa có sáng tác gì. Hỏi Sông Đông “có phải vì cái bóng của ba chị quá lớn”, chị chỉ cười: “Không biết nữa. Cũng có thể mình hơi khác với mọi người, nạp thật nhiều, thật đầy rồi đến lúc nào đó văn chương sẽ tự tuôn trào”.
2.Với 20 năm công tác tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, xuất phát điểm là một người làm công tác biên tập nhưng đã có 3 lần chị đoạt giải thưởng Bông sen Vàng - Biên kịch phim hoạt hình xuất sắc nhất. Tình yêu với hoạt hình luôn đong đầy trong trái tim Sông Đông. Câu chuyện chị bỗng dưng “bị” làm biên kịch và sau đó trở thành nhà biên kịch sáng tạo, tinh tế cho ra đời những kịch bản phim hoạt hình sâu sắc, giàu chất suy tưởng cũng là câu chuyện không giống ai. Ở cương vị một người biên tập, Sông Đông được xem là người nhiệt tình và lành nghề. Con mắt tinh tường giúp chị lựa chọn được rất nhiều kịch bản phim hấp dẫn, có chất lượng nghệ thuật cao. Vậy là chị “bị” mọi người trong Hãng phim thuyết phục viết kịch bản.
Cái ô đỏ là kịch bản thứ hai mà Sông Đông viết, được chuyển thể từ truyện cùng tên của ba chị. Bộ phim đã giành giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 12. Tuy vậy, Sông Đông vẫn chưa hài lòng. Vốn là người cầu toàn, lại sẵn tính ham học, Sông Đông dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu, xem phim hoạt hình nước ngoài và đọc sách để tự tìm hướng đi của mình trong khâu sáng tác. Kết quả là Xe đạp - được coi là điểm nhấn độc đáo của phim hoạt hình Việt Nam - ra đời.
Từ kịch bản dài hơn 1 trang, viết không lời thoại nhằm phát huy tối đa sức mạnh của hình ảnh, đã ra đời bộ phim dài 6 phút kể về một chiếc xe đạp đi bằng ba bánh từ lúc còn nhỏ tới khi trưởng thành. Trên các con đường khác nhau: Bấp bênh, bằng phẳng, gặp chướng ngại vật, thành công, thách thức..., hành trình của chiếc xe đạp miêu tả hành trình của mỗi con người. Bộ phim mang tính triết lý cao ấy được đạo diễn Phương Hoa thực hiện, giành giải thưởng Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 và giải A - giải thưởng cao nhất của Hội Điện ảnh Việt Nam. Sông Đông cũng nhận được phần thưởng xứng đáng cho kịch bản Xe đạp. Chị bảo rằng: “Viết kịch bản phim về chiếc xe đạp, ngoài việc chọn nhân vật chính vốn là vật dụng quen thuộc với người Việt Nam, tôi còn muốn lưu lại những kỷ niệm của ngày đi sơ tán. Ngày đó, ba tôi chở hai chị em ra khỏi Hà Nội. Tôi không bao giờ quên cảm giác ngồi sau ba lúc đó, đi trên cầu, rồi xuống dốc bon bon ra ngoại thành, trên con đường đê lộng gió...”. Bằng cảm xúc và cảm giác về ngày thơ ấu, Phạm Sông Đông khiến Xe đạp trở nên sống động, truyền cảm, mang tính triết lý sâu sắc.
Năm 2017, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20, Phạm Sông Đông giành giải thưởng Biên kịch phim Hoạt hình xuất sắc nhất với phim Cậu bé Ma-nơ-canh, cũng là một kịch bản không thoại, chỉ có hình ảnh, âm thanh. Một lần nữa, sức mạnh hình ảnh được phát huy tối đa nhằm gợi mở tư duy của người sáng tác và người xem, đồng thời khai thác triệt để các chi tiết, tính khái quát, tượng trưng của ngôn ngữ hoạt hình.
3.Con gái giống cha giàu tình cảm. Phạm Sông Đông giống ba chị ở tính cách trong trẻo, lương thiện và đặc biệt yêu trẻ thơ. Khi lấy cảm hứng hoặc chuyển thể một số truyện của ba mình như Cái ô đỏ, Sự tích hoa phượng..., Phạm Sông Đông, với “con mắt trẻ thơ” của riêng mình, đã thêm nhiều chi tiết, “bổ sung tính cách, số phận” để cỏ cây, hoa lá lên phim có đời sống riêng với đường nét, sự chuyển động... theo đúng đặc trưng của ngôn ngữ hoạt hình. Sự tích hoa phượng có độ dài 30 phút, nói về nguồn gốc của loài hoa gắn liền với tuổi học trò, đã gây ấn tượng bởi hình ảnh cây phượng khi nở hoa giống một mâm xôi gấc khổng lồ và tình cảm thầy trò thân thương ẩn dụ trong bông hoa màu đỏ được lưu giữ trong ký ức.
Luôn mong muốn đứa con tinh thần được chỉn chu nhất, Sông Đông sẵn sàng dành thời gian đồng hành ghé vai chung sức cùng đạo diễn, họa sĩ trong suốt hành trình làm phim. Thích cái mới và muốn làm những điều không giống ai, Sông Đông liên tục thay đổi thể loại, lúc là truyện cổ tích, thần thoại, lúc là phim ngắn có tính triết lý, ẩn dụ cao rồi lại quay về thần thoại, cổ tích. Ở bất cứ giai đoạn sáng tác nào, chị cũng đều chú trọng làm mới cách viết của mình. Chính vì thế, sau nhiều năm gắn bó với hoạt hình, Sông Đông đã có một phong cách riêng. Các kịch bản chị viết đều mang tính triết lý cao cùng chất trữ tình bay bổng được chuyển tải khéo léo qua ngôn ngữ giàu tính ước lệ của hoạt hình.
Gần đây, các kịch bản của Phạm Sông Đông đã được in thành sách. Năm 2014, cuốn Xe đạp và những kịch bản hoạt hình đặc sắc của chị đã được Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt bạn đọc. Tiếp đó, năm 2017 là cuốn Sự tích hoa Phượng. Đọc các cuốn sách của Phạm Sông Đông, độc giả dù đã xem hoặc chưa xem phim đều có cơ hội tiếp xúc với những nhân vật sống động qua trang sách với ngôn ngữ giàu biểu cảm. Ý nghĩa hơn và cũng là điều làm cho chị vui nhất, đó là bằng cách này chị đã theo nghiệp cha - sáng tác cho thiếu nhi, viết về thế giới cỏ cây, hoa lá, những món đồ vô tri, và giữ trọn niềm tin về cái đẹp, sự thiện lương và lòng nhân ái.
Nhà biên kịch Phạm Sông Đông tên khai sinh là Phạm Thị Sông Thu, sinh năm 1961 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội và Khoa Lý luận phê bình điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, chị công tác tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam từ năm 1991, hiện đã nghỉ hưu.
Một số kịch bản tiêu biểu đã giành giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam và giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam:
Xe đạp, Xe đạp và ô tô, Cái ô đỏ, Đôi bạn, Cậu bé cờ lau, Cậu bé Ma-nơ-canh…