(HNMCT) - Dịch Covid-19 rồi sẽ qua đi nhưng chắc chắn nó đã để lại trong đời sống của người dân cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng những dấu ấn mang tính lịch sử. Trước một sự kiện như vậy, mỗi người có một cách ứng xử khác nhau và với những "cây cọ" của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (USK), họ chọn cách ghi lại lịch sử qua những bức tranh đầy hơi thở đời sống.
Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy, trưởng nhóm USK về phong trào sáng tác ý nghĩa này.
- Dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến đời sống của người dân, đặc biệt là người dân ở đô thị lớn như Hà Nội. Nhiều hoạt động nghệ thuật bị đình trệ, nhưng những kết quả sáng tác của nhóm trong thời gian qua lại đang chứng tỏ có một dòng chảy rất mạnh mẽ, một nguồn năng lượng dồi dào của giới cầm cọ trong những ngày dịch giã căng thẳng nhất. Nguồn năng lượng ấy xuất phát từ đâu, thưa chị?
- Nhớ lại những ngày đầu khi dịch Covid-19 quay lại. Nạn nhân đầu tiên là bệnh nhân số 17, liền sau đó là 18, 19, 20, 21... các thành viên trong nhóm thông tin cho nhau gần như liên tục với những dòng nhắn nhủ “cẩn thận nhé”, “hạn chế đi lại nhé”, “mọi người chịu khó uống nhiều nước, súc miệng sát khuẩn, giữ ấm cơ thể nhé”, “nhớ bổ sung vitamin nhé, đừng để bị ốm thời điểm này”... Không rõ từ khi nào những thành viên của nhóm Ký họa đô thị Hà Nội đã xem nhau như người thân. Suốt từ Tết tới giờ, nhiều thành viên trong nhóm phải làm việc tại nhà, các con nghỉ học, lịch làm việc của bố mẹ cũng chỉ xoay quanh các con, sự kiên nhẫn gần như bị bào mòn sau mỗi tuần nhận được thông báo nghỉ học và vỡ vụn sau ngày 6-3, ngày phát hiện ca nhiễm thứ 17. Xác định “kháng chiến trường kỳ” chống dịch Covid-19, cuộc sống không thể là chuỗi ngày ngồi đếm và cập nhật mỗi ca bệnh, những thành viên tích cực của nhóm quyết định phát động thử thách #QUYETCHIENNCOVI. Sau 14 ngày, 400 bức ký họa của 50 thành viên đã được công bố. Con số này quả thực đã nói lên phần nào sự tích cực, hăng hái và cam kết của các thành viên cũng như hiệu ứng của thử thách lần này.
- Đây có phải là lần đầu tiên nhóm phải đưa ra thử thách đối với các thành viên của mình trong sáng tác? Điều khó nhất cần vượt qua trong thử thách này là gì và nó có ý nghĩa như thế nào, thưa chị?
- Đúng vậy, trước đây nhóm thường đi sáng tác thực tế vào mỗi cuối tuần, đây là lần đầu tiên nhóm phát động một thử thách sáng tác online. Dù được gọi là “thử thách”, nhóm không đưa ra những điều kiện quá khó cho các thành viên mà chỉ khuyến khích để mỗi người tự do vẽ và chia sẻ tác phẩm của mình lên trang Facebook của nhóm, bởi lẽ trong giai đoạn khó khăn này, việc có thể bỏ ra một khoảng thời gian để tĩnh tâm sáng tác được một tác phẩm ký họa, tác phẩm nghệ thuật đã là chiến thắng chính mình. 14 ngày thử thách cũng có thể xem là khoảng thời gian để nhóm đồng hành với những người đang phải cách ly do tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19. Thông điệp lớn nhất mà nhóm muốn gửi gắm tới tất cả chính là: Hãy bình tĩnh, tin vào chính mình, hãy nuôi dưỡng tình yêu và đam mê của mỗi người như nuôi dưỡng niềm tin vào những điều tốt đẹp nhất đang chờ đón, dịch bệnh rồi sẽ qua...
- Qua những bức tranh của thử thách #QUYETCHIENNCOVI do nhóm phát động, người xem có thể thấy gần như mọi mặt của đời sống và những người cầm cọ dường như cũng là những người chép sử bình dị vậy!
- Nhóm của chúng tôi bao gồm các thành viên yêu Hà Nội, yêu cái đẹp và mong muốn lưu giữ những giá trị văn hóa đô thị thông qua ký họa - một hình thức ghi nhật ký đô thị bằng ký họa. Như tất cả các sự kiện trước đây, thành viên tham gia gồm nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp; các tác phẩm được sáng tác trên nhiều chất liệu, nhiều thể loại nên đã mang đến cho công chúng cái nhìn đa chiều về đời sống của người Hà Nội trong dịch bệnh. Cuộc sống trong “cuộc chiến chống Covid” đã được tái hiện như một dạng nhật ký. Mỗi tác phẩm giúp chúng ta ghi nhớ khoảng thời gian khó khăn này và sẽ bình tĩnh hơn trước những khó khăn khác của cuộc sống.
- Ngoài việc công bố trên trang Facebook riêng, nhóm có dự định gì với các tác phẩm được sáng tác trong thử thách #QUYETCHIENNCOVI và các hoạt động sắp tới?
- Với các phong trào sáng tác trước đây, nhóm thường tuyển lựa những tác phẩm chất lượng cao và in thành sách. Với thử thách lần này, nhóm cũng hy vọng sớm tìm được nguồn kinh phí hỗ trợ để in sách. Hiện tại, cuộc chiến chống dịch của chúng ta vẫn tiếp diễn, nhóm cũng động viên các thành viên chủ động, tự do sáng tác. Sắp tới, nhóm sẽ mời một số họa sĩ nổi tiếng dạy vẽ online miễn phí cho các thành viên.
- Chân thành cảm ơn chị đã chia sẻ!
Nhóm USK ra đời tháng 9-2016, do 4 kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy, Đinh Hải, Chu Quốc Bình, Nguyễn Hoàng Lâm sáng lập. Nhóm không chỉ quy tụ giới chuyên môn với những nhà kiến trúc, họa sĩ mà còn tạo một sân chơi chung cho cộng đồng, tổ chức nhiều hoạt động hướng tới việc tìm hiểu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật kiến trúc trong thành phố, đặc biệt quan tâm đến những công trình cổ có giá trị trong quá trình đô thị hóa của Hà Nội... Các ấn phẩm của nhóm gồm Ký họa Hanoi 2017, Tập thể cũ Hà Nội ký họa và hồi ức (sách được trao tặng giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2019), Phố cổ Hà Nội ký họa và hồi ức (được bình chọn là 1 trong 7 cuốn sách nổi bật nhất năm 2019).