Hành trình của bệnh nhân số 22
Bệnh nhân số 22, 60 tuổi, mang quốc tịch Anh, được xác định mắc COVID-19 vào ngày 8/3. Người này là hành khách trên chuyến bay VN0054 từ London tới Nội Bài, cùng với trường hợp đầu tiên của giai đoạn 2 là bệnh nhân số 17.
Bệnh nhân số 22 được điều trị tại Đà Nẵng và đến ngày 27/3 được công bố khỏi bệnh sau 3 lần xét nghiệm âm tính. Bệnh nhân sau đó được tiếp tục cách ly trong một khách sạn tại Đà Nẵng.
Đến ngày 10/4, người này bay từ Đà Nẵng vào TP.HCM để chuẩn bị xuất cảnh về nước. Qua lấy mẫu test nhanh tại sân bay Tân Sơn Nhất, phát hiện dương tính và tiếp tục chuyển thêm mẫu tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để làm xét nghiệm khẳng định. Đến tối 12/4, kết quả khẳng định người này vẫn còn virus SARS-CoV-2 trong cơ thể. Tuy nhiên, trước đó một ngày bệnh nhân đã xuất cảnh trở về Anh.
Lịch trình của bệnh nhân 22
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã lập tức cách ly với những người có tiếp xúc với bệnh nhân 22 trong thời gian lưu trú và đang rà soát các hành khách trên cùng chuyến bay VN125 từ Đà Nẵng vào TP.HCM. Tại Đà Nẵng, công việc tương tự cũng diễn ra để giám sát y tế với những người đã có tiếp xúc với bệnh nhân 22 sau khi ra viện.
Vì sao bệnh nhân "tái" dương tính sau khi ra viện?
Trước Việt Nam, Trung Quốc hay Hàn Quốc đều đã có những trường hợp dương tính trở lại sau khi được xác định là đã khỏi bệnh.
Tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng cho hay, cứ 10 bệnh nhân ở Vũ Hán được xác định khỏi bệnh và xuất viện thì có 3 người dương tính trở lại.
Hiện trên thế giới, có hai cách giải thích về khả năng dương tính trở lại của bệnh nhân COVID-19.
Thứ nhất, là bệnh nhân có thể tái nhiễm do virus vẫn còn trong cơ thể, kháng thể đã sản sinh nhưng chưa đủ nhiều. Do đó, virus tồn dư có khả năng tiếp tục phát triển mà không bị tiêu diệt.
Cách lý giải thứ hai, là bệnh nhân bị tái nhiễm lại từ cộng đồng. Tuy nhiên khả năng này khá thấp.
Hãng tin Yonhap trích lời các chuyên gia y tế của CDC Hàn Quốc nhận định rằng những người nào đã sản sinh kháng thể trong người không thể tái lây nhiễm từ ngoài vào.
Thêm một khả năng nữa được hãng tin Reuters nhắc đến khi trích dẫn lời giáo sư Kim Woo-joo, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, bệnh viện Đại học Guro Hàn Quốc, rằng các kết quả xét nghiệm sai cũng là một trong những khả năng khiến người bệnh được xác định âm tính, sau một thời gian tiếp tục theo dõi, xét nghiệm lại thì lại cho kết quả dương tính. Tuy nhiên kết quả chẩn đoán sai chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Còn với các trường hợp bệnh nhân COVID-19 Hàn Quốc dương tính trở lại, Reuters trích lời Giám đốc CDC Hàn Quốc, nhận định rằng khả năng cao là trong người những bệnh nhân này vẫn còn virus, và sau một thời gian tự cách ly thì nó đã phát triển trở lại; chứ không có khả năng họ tái nhiễm từ bên ngoài.
Có một số cách lý giải khác nhau cho trường hợp bệnh nhân dương tính trở lại sau khi được xác định là khỏi bệnh
Theo hãng tin Yonhap, Hàn Quốc sẽ xử lý những ca tái dương tính bằng cách xét nghiệm lại tổng thể, không chỉ lấy dịch đường hô hấp trên như thông thường. Mặc dù vậy, phương pháp sàng lọc này sẽ mất thời gian và chỉ cho kết quả sau 2 tuần nữa.
Reuters cũng trích lời giám đốc CDC Hàn Quốc nhận định rằng, virus có trong người những bệnh nhân tái dương tính không đủ khả năng lây nhiễm hoặc gây nguy hiểm cho người hoặc vật nuôi khác.
Trong khi đó, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM thì cho rằng: "Khi cơ thể vừa hết bệnh, có một số người virus chuyển thành cộng sinh, có nghĩa là lượng kháng thể không dẹp hết virus và con virus cũng tiếp tục nhân lại nhưng nó không gây bệnh cho người đó và có thể phát tán virus ra môi trường bên ngoài. Chứ không phải dương rồi lại âm rồi tái nhiễm, bệnh nhân khi đó chuyển qua cái nhóm "người lành mang trùng".
"Cho đến nay, chúng ta không thể khẳng định rằng người này không lây chút nào cho người khác vì "người lành mang trùng" tốc độ lây có thể ít hơn người có triệu chứng. Nhìn chung triệu chứng càng nhiều, càng rầm rộ thì khả năng lây càng nhiều, người không ho nhiều khả năng lây ít đi, đó là quy luật phát tán virus ra môi trường xung quanh. Thậm chí còn có trường hợp virus tồn tại trong họng nhưng tốc độ phát tán ra ngoài không nhiều nên không có lây. Ví dụ như bệnh cúm, sau mấy ngày hết bệnh, còn virus trong người nhưng nồng độ quá thấp, không lây được. Nhưng chính xác COVID-19 có lây hay không lây thì cần nghiên cứu sâu hơn nữa”, bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ thêm.
Bệnh nhân "tái" dương tính được điều trị thế nào?
Đến thời điểm này, tại Việt Nam cũng như ở các nước chưa có thông tin gì về việc có phải thay đổi phác đồ điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 hay không. Nhưng để có loại trừ tối đa rủi ro cho cộng đồng, khuyến cáo chung của các chuyên gia cho đến lúc này dành cho chính những người đã khỏi bệnh là họ nên chủ động kéo dài thêm thời gian cách ly sau khi đã ra viện hơn 14 ngày.
Những người này cũng cần biết rằng mình có khả năng trở thành nhóm "người lành mang trùng" nên cần chủ động bảo vệ người xung quanh, đặc biệt là trong gia đình; tiếp tục đeo khẩu trang trong thời gian dài nhất có thể, vệ sinh cá nhân thường xuyên và hạn chế tiếp xúc với người lớn tuổi và người có nguy cơ cao.
https://vtv.vn/chuyen-dong-24h/benh-nhan-mac-covid-19-duong-tinh-tro-lai-la-nguoi-lanh-mang-trung-20200414115655796.htm