Chia sẻ quan điểm cá nhân về sự hoành hành của đại dịch Covid-19 tại Châu Âu, ông Lê Trung Kiên một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đang công tác trong ngành Y tế Việt Nam viết: "Góc nhìn nông dân, sẵn sàng hứng gạch đá của các chuyên gia và phản đối từ những anh chị đang ủng hộ phong trào kệ cho mắc để tạo miễn dịch.
Tôi nhận được cuộc gọi với tiếng khóc nức ở từ Ý
5 phút trước, tôi nhận được cuộc Viber với tiếng khóc nức nở từ Ý của một cô bạn học ngày xưa. Hai mẹ con cô ấy đang kẹt ở một thị trấn cách Milan 30km. Thông điệp duy nhất cô ấy hỏi là bằng cách nào mẹ con tớ phòng tránh lây bệnh? Có thể về Việt Nam bằng cách nào?
Tư vấn để phòng tránh thì có thể. Nhưng khuyên mẹ con cô ấy trở về Việt Nam là quá mạo hiểm và không nên. Dù cô ấy có chia sẻ về con đường đi vòng qua Croatia, Hy Lạp để về. Nhưng, sự lây lan hoàn toàn có thể sẽ nghiêm trọng hơn.
Dù tôi biết những gì đang xảy ra ở châu Âu qua các báo cáo chuyên ngành. Nhưng khi nghe cô ấy nói về 2 ông bà hàng xóm tốt bụng đã ra đi, cảnh hoảng loạn xảy ra ở vùng Lombardy, khác hẳn những gì 1 tháng trước khi cô ấy nói: "Châu Âu đang bình thản với loại cúm mới từ Vũ Hán. Sao Việt Nam làm gì vậy trời?" Tôi thực sự lo lắng cho mẹ con cô ấy.
Trái tim cô ấy ngay lúc này hướng về tổ quốc. Tôi hiểu điều đó. Tổ quốc Việt Nam và trách nhiệm không để một người dân nào bị bỏ lại đã tạo sự tin tưởng cho cả kiều bào khi xa tổ quốc.
Bài học Vũ Hán là sự che dấu thông tin, ngay cả hôm nay, bức tranh thật ở Vũ Hán vẫn chỉ là phác thảo, những phân tích số liệu Trung Quốc từ các tạp chí uy tín chỉ như "sờ đuôi con voi", còn hình hài con voi không ai ngoài Trung Quốc biết. Đó chính là lý do dẫn đến Hàn Quốc, Nhật Bản và Châu Âu, mà nước Ý là quốc gia đầu tiên vào danh sách: "Toang thật rồi ông giáo ạ".
Những hành động từ mỗi người đã thêm 1 viên gạch góp vào bức tường như Ải Nam Quan ngăn chặn virus SARS-CoV-2.
Trong hơn 2 tháng cả hệ thống căng mình, ngăn chặn, không ai dám chắc phòng tuyến của Việt Nam bao giờ sẽ "vỡ" bởi những con người cá nhân, không chịu khai báo, cách ly và lây lan cho khắp cộng đồng.
Nhưng cho đến giờ phút này, cả hệ thống giám sát dịch bệnh, bộ đội, công an, ủy ban đến các tổ dân phố... chưa một ai buông súng, hay thoái lui bỏ chạy.
Những gì chúng ta làm, để ngăn chặn, giảm nhịp ca bệnh lan nhanh ở cộng đồng, khoanh vùng người nhiễm, nghi nhiễm, để lường trước cho hệ thống điều trị. Dù có kinh nghiệm nhưng thực sự chúng ta đang thiếu bác sỹ. Giường bệnh, buồng cách ly áp lực âm, máy thở, trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư còn ở mức độ hạn chế. Với vài chục đến vài nghìn bệnh nhân có thể kiểm soát, nhưng khi tăng theo cấp số nhân, không ai dám chắc điều gì.
Một nền kinh tế và y tế hùng hậu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý, 1 tuần là ngưỡng chịu đựng và vỡ trận. Chúng ta không thể lường hết được chuyện gì sẽ xảy ra nếu số ca bệnh tăng cấp số nhân. Bệnh nhân tràn vào các bệnh viện. Chắc hẳn các bạn vẫn chưa quên những hình ảnh nóng hổi về Vũ Hán, về bệnh viện ở Milan. Nếu quên bạn có thể google.
Không chỉ nhầm lẫn với cúm, với tỷ lệ tử vong chỉ 3,4%, dịch viêm phổi cấp Covid - 19 nghe có vẻ giản đơn. Nhưng ai trong số những công dân Việt Nam muốn mình, gia đình mình nằm trong tỷ lệ % nhỏ nhoi đó.
Trong lúc này, thay vì tuyên truyền những gì mà Châu Âu đang trả giá, hãy cùng nhau tuân thủ hướng dẫn của Chính phủ và ngành Y tế: Rửa tay, vệ sinh cá nhân, không đi lại và tụ tập đông người, khai báo thông tin đầy đủ, trung thực. Chỉ những hành động đó từ mỗi người đã là thêm 1 viên gạch góp vào bức tường như Ải Nam Quan ngăn chặn virus SARS-CoV-2.
Bài học Châu Âu trong tuần qua, số mắc tại Việt Nam đến cuối tuần này, sẽ trả lời cho câu hỏi trong cách đánh trận, tầm soát cách ly tốt hơn hay để giặc tràn vào và bảo vệ nhóm nguy cơ.
Hồi sau sẽ rõ!
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Lê Trung Kiên.
(Ông Lê Trung Kiên hiện đang công tác trong ngành y tế Việt Nam. Ông từng học Y tế công cộng tại Đại học Mahidol)