Hàng quán tỉnh lẻ đông bất ngờ, nhiều nghề ăn nên làm ra mùa dịch Hàng quán tỉnh lẻ đông bất ngờ, nhiều nghề ăn nên làm ra mùa dịch , Người xứ Nghệ Kiev
Mùa dịch, có một số lượng lớn sinh viên không phải lên Hà Nội học tập. Do đó ở các tỉnh lẻ, các hàng quán phục vụ giới trẻ vốn chỉ đông đúc vào cuối tuần lại trở nên nhộn nhịp cả vào ngày thường.
Theo chị Khánh Linh (TP Thái Nguyên), kỳ nghỉ Tết đặc biệt năm nay kéo dài nên không riêng chị mà rất nhiều bạn bè cũng vẫn đang ở Thái Nguyên, mà không quay lại Hà Nội.
“Mùa dịch này, dù rất hạn chế ra ngoài nhưng do bạn bè ở nhà đông, nên cả nhóm vẫn thường rủ nhau ra các quán cà phê, trà sữa hay quán ăn vặt. Ban ngày thì các quán này bán online, tối đến khách còn đông hơn dịp bình thường”, chị Linh nói.
Theo anh Đạt, chủ một quán trà sữa tại thành phố Hải Dương thì, sau Tết lượng đơn online tăng hơn trước. Buổi tối, cũng ghi nhận lượng khách tới đông hơn vào ngày thường.
“Trà sữa thường chỉ phục vụ đối tượng là người trẻ. Bình thường, chỉ có các bạn học sinh thường xuyên mua đồ tại quán, nhưng mùa dịch lại có thêm cả sinh viên. Đối tượng khách hàng này có kinh tế nên thường tụ tập hơn. Các bạn trẻ ở nhà quá nhiều nên cảm thấy bí bách. Do đó, buổi tối là thời điểm tụ tập tại các hàng quán”, anh Đạt nói.
Nhiều nghề ăn nên làm ra mùa dịch
Bán khẩu trang, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt đang là nghề “hot” nhất thời điểm này. Dù giá nhập vào cao, nhưng do nhu cầu của thị trường lớn nên thu nhập rất tốt.
Theo anh T.M. (Ba Đình, Hà Nội), một dân kinh doanh mặt hàng này thì, giá một kiện khẩu trang y tế 4 lớp đang dao động trong khoảng 13 triệu đồng. Giá cao là thế, nhưng hiện đây là giá chung trên thị trường. Nếu giá dao động 11 - 12 triệu đồng/kiện thì có thể là hàng chất lượng thấp hơn, quai dễ đứt, tuột.
“Khẩu trang do các công ty sản xuất có đầy đủ giấy kiểm định chất lượng, hoá đơn VAT và phiếu xuất kho. Tuy nhiên, hàng chỉ lưu thông trong nước và không có phiếu thông hành CFS để xuất sang nước khác”, anh M nói.
Cũng theo anh M, hiện giá của máy đo thân nhiệt dù đã tăng gấp 6 - 7 lần. Nhưng do nhiều nơi quy định phải đo thân nhiệt trước khi vào, nên dù hàng về 200 - 300 cái cũng hết rất nhanh.
Một trong những nghề ăn nên làm ra mùa này là trông trẻ. Tiền công trông trẻ, giúp việc tại gia thường được tính theo giờ hoặc theo ngày. Mức lương nhận được khi trông 1 em bé 4 tuổi dao động khoảng là 200.000 – 300.000 đồng/ngày. Người trông sẽ phụ trách cho bé ăn, ngủ, nghỉ theo yêu cầu của phụ huynh và dạy bé tập tô, đàn hát giống như ở trường.
Nếu “chịu khó” và có thể cáng được 2 - 3 cháu thì thu nhập một ngày của người trông trẻ có thể lên tới 500 - 600 nghìn đồng/ngày. Tính ra, một tháng có thể thu được khoảng 15 triệu đồng, mà lại được bao ăn ở nếu có nhu cầu.
Sau những nghề trên thì phải kể đến công việc giao hàng mùa dịch. Theo anh Mạnh Cường (Hà Nội) thì trước đây, anh không nhận giao hàng qua ứng dụng mà chỉ giao cho các cửa hàng quen. Thu nhập một ngày là hơn 500 nghìn đồng, sau khi trừ tiền xăng và tiền ăn thì cầm về 450 nghìn đồng/ngày.
“Vào mùa dịch, tôi làm quen với các hàng quán ăn trưa, cơm văn phòng để nhận đơn từ đó. Trong ngày thì đi giao quần áo, phụ kiện cho shop thời trang, đến trưa và tối thì giao đồ ăn. Thu nhập cũng vì thế mà tăng lên 700 - 800 nghìn đồng/ngày”, anh Cường nói.
Mùa này, nhiều cơ sở kinh doanh mặt hàng ăn uống vắng vẻ, nhưng việc bán hàng online lại trái ngược. Chị A.P.T. (Thanh Xuân, Hà Nội) nhập thêm các loại bánh, đồ ăn vặt, hoa quả để bán trong các hội, nhóm cư dân chung cư gần nhà. Chỉ cần quảng cáo là đồ quê, đồ sạch thì khách vào đặt mua hàng của chị nườm nượp.
“Tôi sử dụng 3 - 4 tài khoản Facebook ảo vào bình luận đặt hàng và nhờ thêm chồng con, bạn bè vào giả vờ đặt hàng giúp. Khi tương tác trong bài đăng lên cao, khách thấy độ tin tưởng nên đặt mua theo rất nhiều”, chị T tiết lộ.
Trong khi nhiều ngành nghề kinh doanh gặp khó, thì không ít nghề lại có nguồn thu tốt nếu tìm được cách thay đổi phù hợp với xu hướng thị trường.