Cuộc chiến chống lại cái chết tại khu chăm sóc tích cực (ICU) của bệnh viện Policlinico San Donato, Milan thường dừng lại vào lúc 13h chiều mỗi ngày.
Khi đó, các bác sĩ ICU sẽ gọi điện cho người thân của 25 bệnh nhân có tình hình sức khỏe nguy kịch đang nằm trong khoa để cập nhật thông tin. Toàn bộ 25 người này đang hôn mê với các ống thở đặt ở đường thở.
Thông thường, bữa trưa sẽ thường là thời điểm người nhà vào thăm bệnh. Tuy nhiên, khi cả Italia nói chung và Milan nói riêng đang căng mình trong cuộc chiến ngăn chặn dịch Covid-19 do virus corona mới (SARS-CoV-2) gây ra, không một ai được vào thăm thân nhân. Và không một ai ở Italia được rời nhà khi cả nước đã bị phong tỏa khi số người chết vì dịch đã vượt quá 2.000.
Khi các bác sĩ gọi điện cho thân nhân, họ cố gắng không truyền đi những niềm hy vọng một cách xa rời thực tế vì các bác sĩ ước tính rằng cứ 2 bệnh nhân mắc Covid-19 nằm trong ICU sẽ có 1 người không thể qua khỏi.
Khi dịch bệnh bùng phát với quy mô lớn, những chiếc giường trong ICU không khi nào vắng người, vì Covid-19 khiến người bệnh gặp trục trặc trong vấn đề hô hấp. Mỗi khi có một chiếc giường trống, hai bác sĩ gây mê tham khảo ý kiến một chuyên gia về hồi sức và một bác sĩ nội khoa để quyết định xem bệnh nhân nào sẽ được chuyển tới.
Lựa chọn khó khăn
Tuổi tác và các bệnh lý của bệnh nhân là các yếu tố quan trọng. Thêm vào đó, việc bệnh nhân có gia đình hay không cũng được cân nhắc.
“Chúng tôi xem xét liệu bệnh nhân lớn tuổi có gia đình để họ có thể chăm sóc khi bệnh nhân rời ICU hay không vì lúc đó bệnh nhân cần sự trợ giúp”, người đứng đầu khoa ICU của bệnh viện Policlinico San Donato - Marco Resta, cho hay.
“Ngay cả khi không có hy vọng, bạn vẫn phải nhìn vào bệnh nhân và nói rằng mọi thứ rồi sẽ ổn. Lời nói dối đó sẽ khiến bạn dằn vặt”, Resta nói.
Theo Reuters, Covid-19 là cuộc khủng hoảng y khoa nghiêm trọng nhất ở Italia kể từ Thế chiến II. Bệnh dịch đã buộc các bác sĩ, bệnh nhân và gia đình của họ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Italia hiện đã trở thành nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh bên ngoài Trung Quốc đại lục, nơi Covid-19 khởi phát.
Resta cho biết 50% những bệnh nhân COVID-19 bị đưa vào phòng ICU ở Italia sẽ tử vong, cao gấp 3-4 lần tỉ lệ tử vong vào thời điểm thông thường với bệnh nhân nằm ICU nói chung (12-16%).
Các bác sĩ đã cảnh báo rằng miền bắc Italia - nơi có hệ thống chăm sóc sức khỏe hiệu quả nhất thế giới - đang lâm vào khủng hoảng. Sự bùng phát dịch bệnh ở 2 vùng Lombardy và Veneto đã khiến hệ thống bệnh viện ở đây trở nên quá tải và các hệ thống ICU cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Trong 3 tuần qua, có 1.135 người cần vào phòng ICU ở Lombardy nhưng khu vực này chỉ có 800 giường.
Việc phải lựa chọn bệnh nhân cần cứu không phải là điều gì đó mới mẻ trong giới y khoa. Các bác sĩ thường phải cân nhắc tỉ lệ hồi phục của bệnh nhân gặp vấn đề về hô hấp trước khi quyết định có đặt ống nội khí quản cho họ hay không.
Tuy nhiên, việc có quá nhiều bệnh nhân nguy kịch buộc các bác sĩ phải lựa chọn thường xuyên hơn, nhanh hơn rằng ai có cơ hội sống sót cao hơn. Lựa chọn này trở nên khó khăn hơn cả khi Italia vốn là một nước dân số già.
“Chúng tôi không quen đưa ra những quyết định quyết liệt như vậy”, Resta, 48 tuổi, một bác sĩ gây mê cho hay.
Các bác sĩ ở Italia đang đối mặt với tình huống khó xử khi ngày càng có nhiều bệnh nhân Covid-19 lớn tuổi gặp vấn đề về hô hấp, nhưng họ không thể trao cơ hội cho những người có cơ hội hồi phục mong manh.
Alfredo Visioli, 83 tuổi, là bệnh nhân như vậy. Khi ông bị chẩn đoán mắc Covid-19, ông đang khá bận rộn khi phải chăm sóc người vợ 79 tuổi Ileana Scarpanti bị đột quỵ 2 năm trước.
Ban đầu, ông chỉ bị sốt nhẹ, nhưng chỉ 2 tuần sau ông đã bị xơ hóa phổi. Các bác sĩ ở một bệnh viện tại Cremona, Lombardy buộc phải đưa ra lựa chọn không đặt nội khí quản cho ông vì điều này không có ích gì. Cô cháu gái Marta Manfredi đã nắm tay cụ ông Visioli trước lúc cụ qua đời trong giấc ngủ sâu sau khi được tiêm moóc-phin.
Giờ đây, Manfredi tiếp tục lo lắng về tình hình của người bà. Cụ bà Ileana cũng đã mắc Covid-19 và đang nhập viện. Cụ đang vẫn thở qua mặt nạ nhưng chưa biết chồng mình đã ra đi.
Theo bác sĩ Giacomo Grasselli, trưởng khoa ICU tại bệnh viện Policlinico, Milan, toàn bộ mọi bệnh nhân đều có cơ hội được chữa trị và hồi phục. Tuy nhiên, trong trường hợp dịch bệnh, các bác sĩ không thể trì hoãn một vài ngày để theo dõi bệnh nhân trước khi đưa ra quyết định. Họ phải dứt khoát hơn.
Hệ thống y tế gồng mình chống dịch
Không chỉ các phòng ICU, các bệnh viện ở Italia nói chung đều rơi vào tình trạng căng thẳng, quá tải và phải thay đổi để ứng phó Covid-19.
Cuối tuần qua, thành phố Fidenza ở ngoại ô Lombardy đã phải tạm đóng cửa bệnh viện địa phương trong 19 giờ vì cơ sở này quá tải. Các nhân viên bệnh viện phải làm việc trong suốt 21 ngày qua mà không được nghỉ ngơi.
Thị trưởng Fidenza Andrea Massari thừa nhận rằng quyết định trên sẽ dẫn tới việc một số người tử vong tại nhà.
Thông thường, các bệnh viện tư chỉ điều trị cho bệnh nhân trả tiền đặt chỗ trước. Tuy nhiên, chính quyền đã yêu cầu các cơ sở này chữa trị Covid-19 miễn phí cho bệnh nhân.
Policlinico San Donato cũng là bệnh viện tư nhân nhưng họ đã cử đội ngũ bác sĩ gây mê và các chuyên gia tới những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Các sinh viên y khoa năm 4,5 cũng được huy động tới hỗ trợ.
Giờ đây, gần như toàn bộ các phòng phẫu thuật ở Lombardy đã được cải tạo trở thành phòng ICU. Nhân viên y tế làm việc quá giờ mỗi ngày.
Theo bác sĩ Grasselli, thông thường một y tá ở ICU sẽ hỗ trợ cho 1-2 bệnh nhân. Giờ đây, 1 y tá phải lo cho 4-5 người. Hệ thống bệnh viện gần như đã thay đổi.
Sự quá tải của hệ thống y tế và lệnh phong tỏa đã khiến các bệnh nhân và người dân bị áp lực tâm lý. Thân nhân không được phép vào bệnh viện thăm nuôi, khu vực chữa trị Covid-19 bị cách ly hoàn toàn với người ngoài.
“Cho anh ra khỏi đây. Cho anh chết ở nhà cũng được. Anh muốn gặp em một lần cuối”, Stefano Bollani, một bệnh nhân 55 tuổi nhắn tin cho vợ khi đang nằm điều trị ở Policlinico San Donato.
Bollani chưa gặp vợ trong 2 tuần qua kể từ khi người phụ nữ này lái xe đưa chồng nhập viện.
Bác sĩ Resta mô tả các bệnh viện ở Lombardy như thể “thời chiến” với tình trạng hỗn loạn và đông đúc. Các bác sĩ thường sẽ là người cuối cùng gặp mặt các bệnh nhân Covid-19 qua đời vì thân nhân không thể tiếp cận các quan tài do nỗi lo nhiễm virus.