Mỗi dòng sông là một dòng chảy văn hóa. Phú Yên có 2 dòng sông lớn, sông Ba và sông Kỳ Lộ; mỗi dòng đều ẩn chứa bao chuyện huyền bí, thú vị
Tìm bắt cá phá trên sông Kỳ Lộ
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Phú Yên đang lập hồ sơ để đề nghị công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, sau đó tiếp tục đề nghị di tích lịch sử cấp quốc gia đối với công trình đập Đồng Cam được hoàn thành 82 năm trước. Đây như một động thái để tạ ơn những người đổ công xây dựng (trong đó có người pháp) khi tạo nên công trình vừa tưới tiêu vừa đẹp lớn nhất Đông Dương một thời, tạo nên vựa lúa miền Trung.
Nơi chia hai tên gọi
Sông Ba còn có tên gọi khác là sông Đà Rằng, lâu nay trong sách vở vẫn ghi vậy. Nhưng đoạn nào gọi là sông Ba, đoạn nào gọi là sông Đà Rằng không mấy người biết đến. Sông Ba dài 374 km được bắt nguồn ở độ cao hơn 2.000 m từ dãy núi Ngọc Linh (phía Tây Bắc tỉnh Kon Tum rồi chảy qua 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên để đổ ra cửa sông Đà Diễn ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Trên con đường ra biển, con sông lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ này phải trườn qua một bãi đá granite nằm trải rộng gần 2 km2 thuộc xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa (phía Nam) và xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa (phía Bắc).
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Danh Hạnh (Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên), ngày trước, đây là điểm giao thương và giao lưu văn hóa rất quan trọng của người miền ngược và miền xuôi, giữa các dân tộc ít người của Tây Nguyên và người Chăm ở miền xuôi. “Sông Ba ngày trước là nơi thuyền bè tấp nập đi lại nhưng không thuyền bè nào vượt qua bãi đá này. Chính vì vậy, khi thuyền buôn của các nước hay của người Chăm lên đến đây phải dừng lại, cũng như thuyền bè các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên xuống đến đây cũng phải dừng, trao đổi, mua bán. Dấu ấn để lại là miếu thờ sơn thần duy nhất còn ở Phú Yên của người Việt xưa khi đến đây mua bán trên núi Trù Cát (phía Bắc bãi đá) và một làng của người đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Hội, nằm riêng biệt với Tây Nguyên” - ông Hạnh nói. Đây cũng chính là nơi chia 2 tên gọi của dòng sông Ba.
Từ bãi đá trở lên thượng nguồn vẫn giữ tên là sông Ba, trong khi từ bãi đá trở xuống đến cửa biển được người Chăm xưa đặt tên là sông Đà Rằng (tiếng Chăm xưa nghĩa là “lau sậy”). Dọc 2 bên dòng sông phía hạ lưu cũng như các bãi bồi giữa dòng sông trước đây cứ vào mùa thu là lau nở trắng rợp. Bãi đá trở thành điểm mốc chia thượng nguồn và hạ lưu sông Ba.
Theo ông Phan Đình Phùng - nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên, hiện là Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân - sông Đà Rằng xưa kia là cửa ngõ giao thương quan trọng nhất của người Chăm. Từ đây, người Chăm (rất giỏi về hàng hải) ra biển để giao thương với các nước trên thế giới. Cũng từ đây, người Chăm vượt lên miền ngược để giao thương với các dân tộc châu Thượng Nguyên (vùng Tây Nguyên ngày nay). Chính vì cửa ngõ trọng yếu này nên người Chăm đã xây dựng các công trình quan trọng dọc 2 bên bờ sông. Nếu ở bờ Bắc là Thành Hồ (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa) và Tháp Nhạn (TP Tuy Hòa) thì bờ Nam đối xứng có di tích Núi Bà (xã Sơn Thành, huyện Tây Hòa) và phế tích Tháp Phú Lâm (phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa).
Trở lại bãi đá chia 2 tên gọi của sông Ba. Cuối thế kỷ XIX, người pháp đã có ý tưởng xây dựng một con đập lớn để khai thác thuộc địa. Nhưng mãi đến năm 1923, đập Đồng Cam mới được khởi công xây dựng do kỹ sư chính Antoine Sayard thiết kế. Ngoài con đập chính dài 680 m, cao trung bình 5 m, có nơi 10 m chắn ngang sông Ba còn có hệ thống kênh chính Bắc dài 32 km, kênh chính Nam dài 36 km cùng hệ thống kênh mương phụ dài hơn 90 km để tưới cho hơn 19.000 ha đất lúa cánh đồng Tuy Hòa.
Theo tài liệu người pháp để lại, để xây dựng con đập lớn nhất Đông Dương một thời này, chính phủ pháp đã phải bỏ ra trên 3,6 triệu đồng Đông Dương ngày ấy với trên 5,3 triệu ngày công lao động. Sự trả giá lớn nhất của con đập này là 52 kỹ sư, công nhân đã phải thiệt mạng trong quá trình xây dựng. Con đập được hoàn thành vào năm 1932, đích thân Toàn quyền Đông Dương lúc đó đến cắt băng khánh thành. Nhờ con đập cung cấp đủ nước tưới 3 vụ mà cánh đồng Tuy Hòa mới được mệnh danh là “Vựa lúa miền Trung”.
Ngay sau khi con đập được đưa vào sử dụng, người ta đã cho dựng bia ghi danh để tưởng niệm 52 kỹ sư, công nhân đã tử nạn vì con đập. Ngày 8 tháng giêng âm lịch hằng năm, người dân lại tổ chức lễ hội đập Đồng Cam để tri ân những người đã xây dựng con đập này.
Chuyện về sông Kỳ Lộ
Sông Kỳ lộ dài hơn 120 km còn có tên gọi khác là sông Bà Đài, sông Cái, sông Ngân Sơn được bắt nguồn từ Gia Lai. Nơi hạ du của con sông lớn thứ 2 tỉnh Phú Yên này nước chảy êm đềm, trong vắt lại nằm bên thành An Thổ, thủ phủ Phú Yên xưa nên những làng nghề truyền thống mọc dày 2 bên bờ. Một thời trên con sông này, các thuyền buôn cứ chen nhau để lấy hàng từ các làng nghề như dệt lụa Ngân Sơn, gốm Quảng Đức, trồng dâu nuôi tằm An Định, làng bún bắp, làng thúng chai An Dân.
Qua năm tháng, những làng nghề mai một nhưng một loài cá được cho là đặc sản của dòng sông này thì vẫn còn ở thượng nguồn. Đó là cá phá. Đây là một giống cá có thịt trắng, dai, thơm và ngọt, khi trưởng thành có trọng lượng gần 20 kg, không thấy có ở các nơi khác. Tuy nhiên, nói như ông La Mô Triết, một bô lão của xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân: “Giống cá này giờ chỉ còn ở đoạn sông từ thượng nguồn đến xã Xuân Quang 1 và phải chọn mùa để bắt cá vì nếu ăn trái mùa sẽ bị say bí tỉ”.
Có chuyện lạ ăn cá theo mùa này là vì trên các núi phía Bắc Phú Yên đến Gia Lai có giống cây bồ hòn ra trái độc, đắng không gì bằng.
Người Phú Yên xưa khi nói đến sự cam chịu hay dùng câu “ngậm bồ hòn làm ngọt” là vậy. Trước đây, để bắt cá trên suối, người ta hái trái bồ hòn về giã rồi ngâm xuống suối. Cá uống phải nước trái bồ hòn bị đỏ mắt, say ngật ngừ nổi trên mặt nước. Riêng với cá phá, trái độc này lại là món khoái khẩu. “Trái bồ hòn chín rụng, gặp mưa trôi ra sông, cá phá thấy là đớp ngay. bắt cá vào mùa bồ hòn chín, về làm ruột không kỹ là ăn say cắm đầu” - chị La Lan Thị Mai - người dân tộc Chăm ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân - cho biết.
Người dân vùng thượng nguồn sông Kỳ lộ còn có phong tục lạ là đến Tết Nguyên đán và Tết Đoan ngọ thì không ăn tết ở nhà mà mang xoong nồi kéo ra các bãi cát bên sông để bắt cá ăn Tết. Người nào bắt được cá phá to thì năm ấy được xem là phát lộc, gặp nhiều may mắn.
Dọc sông Kỳ lộ - đoạn qua thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân - có một xóm lạ nằm giữa đồng, chỉ có độc nhất một ngôi nhà. Trong ngôi nhà ấy chỉ có 2 cậu cháu, người cậu là cụ Nguyễn Tính, năm nay đã 107 tuổi và người cháu là bà Nguyễn Thị Chính, cũng đã 64 tuổi. Bao năm qua, bà Chính vẫn tần tảo chăm sóc ông cậu đã già. Theo ông Tính, trước năm 1975, ngôi làng này đông đúc lắm. Người dân sống bằng nghề làm ruộng, chăn bò và tiếp tế cho cách mạng. Nhiều người đã chết, hy sinh được chôn cất phía sau ngôi làng. Sau ngày giải phóng, vì đường sá trắc trở nên hầu hết người dân trong làng di cư sang bên sông để sống.
“Riêng tôi thì không thể đi. Họ nằm đây mà mình đi nữa thì ai hương khói” - cụ Tính tâm sự.
Về lại hạ lưu sông Kỳ Lộ, mùa này là mùa săn cá chình giống. Đây là mùa cá chình ở biển sinh sản. lợi dụng dòng sông nước êm nên cá chình mẹ từ thượng nguồn ra biển đẻ, sau đó cá chình con vượt nước lũ trở lại thượng nguồn. Khu vực dưới đập Tam Giang, người dân sáng đèn cả đêm để bắt cá chình con về nuôi thương phẩm. “Hằng năm, hết mùa chình, có người kiếm được mấy chục triệu. Mỗi đêm kiếm trên 1 triệu đồng khỏe re” - ông trần Tuấn Minh, ngụ xã An Dân, huyện Tuy An - kể.
Một công trình hoàn mỹ
Công trình đập Đồng Cam được cho là hình mẫu đối với các công trình đập dâng hiện nay trong cả nước. Để tránh cát vào đồng ruộng hoặc cát đọng lại phía trên đập, 2 cống dẫn nước vào 2 kênh chính được xây dựng cao hơn đáy sông, sâu phía dưới là cống lấy cát đưa qua đập xuống hạ lưu. Đặc biệt, mặt 2 kênh chính dẫn nước cao hơn nhiều so với mặt đập. Người pháp thiết kế như vậy là rất thân thiện. Muốn lấy nước đầy kênh thì buộc lòng mực nước phải tràn qua đập để trả dòng chảy tối thiểu về hạ du, không để dòng sông chết.
Công trình đập Đồng Cam mang tính thẩm mỹ cao