Vụ 13 mộ liệt sĩ ở Bắc Kạn không có hài cốt: Do đào mộ quá nông? Vụ 13 mộ liệt sĩ ở Bắc Kạn không có hài cốt: Do đào mộ quá nông? , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí Chiều 4/12, Ban Chỉ đạo Người có công tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức cuộc họp có nội dung xoay quanh vụ việc 13 mộ liệt sĩ thanh niên xung phong thuộc đơn vị C933, N92 được quy tập, chôn cất tại Nghĩa trang Liệt sĩ nhưng không có hài cốt, chỉ toàn đất đá.
Tại cuộc họp, theo ông Vũ Tiến Trì - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Kạn, để sáng tỏ vụ việc này, cần tiến hành kiểm tra lại từ lần quy tập đầu vào nghĩa trang cũ, rồi từ nghĩa trang cũ sang nghĩa trang mới.
“Để chắc chắn, đề nghị tổ chức đi kiểm tra lại tại hiện trường ở hồ Tân Minh (thuộc địa bàn xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn - PV) đối với các ngôi mộ cũ. Người ta nói đào nông thế chưa chắc đã đến nơi” - ông Trì nói và cho biết, ở gần hiện trường có 2 ngôi mộ do người dân di chuyển được đào sâu hơn những ngôi mộ còn lại.
Trong khi đó, ông Phùng Đức Giang - Đại diện Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn đề nghị ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo thành lập đoàn công tác để tiến hành khảo sát, gặp gỡ những nhân chứng trực tiếp biết hoặc tham gia quá trình quy tập hài cốt các liệt sĩ.
“Cựu chiến binh có nói chỗ đào nông, chỗ đào sâu thì mình đến tận nơi, thông qua người thực hiện để giải quyết vấn đề. Từ khai quật rồi di chuyển lần 1, lần 2..” - ông Giang chia sẻ.
Sau khi lắng nghe các đề xuất, trao đổi tại cuộc họp, ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn kết luận, trước tiên cần tìm thêm nhân chứng, lần lượt từ những người thực hiện chôn cất lần đầu tiên rồi đến các cuộc quy tập hài cốt sau đó, những người trực tiếp thực hiện việc chuyển mộ.
Tiếp đó, cần làm rõ hồ sơ về các đợt quy tập hài cốt các liệt sĩ hiện đang ở đâu? Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tìm kiếm lại hồ sơ trong kho của mình, đồng thời chỉ đạo phòng chuyên môn cùng tìm lại.
Cuối cùng, trong trường hợp tiến hành khai quật lại cần có lực lượng chuyên môn để tiến hành công việc này. Khi khai quật, sẽ kiểm tra vị trí của 13 ngôi mộ ở vị trí đầu tiên, xem hài cốt các liệt sĩ còn nằm ở đó không?
Cũng theo ông Phạm Duy Hưng, việc làm rõ thông tin liên quan đến hài cốt của 13 ngôi mộ liệt sĩ thanh niên xung phong là trách nhiệm của thế hệ đi sau.
“Sẽ rất khó khăn, nhưng chúng ta phải quyết tâm làm cho rõ, làm hết trách nhiệm của thế hệ sau đối với người có công với đất nước” - ông Hưng nói.
Trước đó, ngày 2/12 vừa qua, báo chí phản ánh rằng, 13 ngôi mộ chiến sĩ thanh niên xung phong sau 3 lần quy tập được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn không có hài cốt mà chỉ toàn đất, đá.
Các thanh niên xung phong này thuộc đơn vị C933, N92. Khi họ đang tham gia chống bão lụt, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân, cứu vớt đồng đội vào năm 1968, thì chân đập ở hồ Tân Minh bị vỡ khiến 13 người hy sinh.
Đáng chú ý, qua rà soát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn, tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Bắc Kạn, sơ đồ mộ cho thấy khu C có hai hàng mộ với 14 mộ liệt sĩ thanh niên xung phong được quy tập về an táng nhưng chưa xác định được thông tin có 13 mộ liệt sĩ thanh niên xung phong thuộc đơn vị C933, N92.
Ngay sau đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản đề nghị Cục Người có công phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Kạn kiểm tra và báo cáo vụ việc này.