Bà phạm Chi Lan cho rằng, việc đề xuất dùng rào cản thuế để quản lý vấn đề dân di cư vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là không được, không ổn, dễ tạo sự bất bình đẳng.
ảnh minh họaPlay
Dùng rào cản thuế để quản lý di cư vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là không ổn
Ngày 22/11, UBND TP_HCM tổ chức hội thảo "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TP_HCM".
Tại buổi hội thảo, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng để hạn chế người dân di cư vào Hà Nội và TP_HCM nên dùng rào cản kỹ thuật, tức tăng thuế để chỉ có người thu nhập cao mới ’trụ’ được ở hai thành phố lớn này.
Trao đổi với PV về đề xuất của GS Võ, chuyên gia Kinh tế phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, bà không đồng tình với đề xuất này.
Theo bà Lan, hệ thống thuế của một quốc gia phải được quy định chung, thống nhất chứ không phải quy định riêng, chia theo vùng, thành phố hay địa phương được, dù đó là các đô thị lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh.
"Chỉ có thể là giá cả nhà cửa, các dịch vụ ở các đô thị cao hơn với vùng khác nhưng thuế thì không thể khác nhau được.
Nếu làm như vậy, sau này, dễ có thể tạo thành tiền lệ xấu và mỗi địa phương lại xin với Trung ương cho được đánh thuế thêm giữa đô thị, thành phố thuộc tỉnh với các vùng khác để quản lý cư dân. Như vậy sẽ rối tinh hết cả lên.
Chưa kể, không có một đô thị nào trên thế giới mà chỉ những người thu nhập cao mới có quyền sống, "trụ" được và loại trừ người thu nhập thấp, di cư ra.
Việc đề xuất dùng rào cản thuế để quản lý vấn đề dân di cư vào Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là không được, không ổn", bà Lan nói.
Vị chuyên gia Kinh tế này cũng cho hay, việc đề xuất cho các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM tăng thuế để ngăn cản việc di dân vào đây giống như việc nhiều địa phương đua nhau xin cơ chế đặc thù trong thời gian qua.
Ảnh minh hoạ.
"Việc tự do đi lại, cư trú của công dân đã được pháp Luật bảo hộ và hiện nay, còn rất nhiều người dân nhập cư ở các đô thị đang gặp khó khăn, điều kiện cuộc sống, học hành, sinh sống của gia đình, con cái không đảm bảo do không có hộ khẩu.
- Bà phạm Chi Lan: Nước ngoài đánh thuế tài sản người giàu, ta đề xuất từ người nghèo trở đi
Thế mà, giờ lại "đẻ" thêm ra loại thuế để gạt họ ra khỏi đô thị thì không đúng, không phù hợp, tạo sự không công bằng, bất bình đẳng trong đối xử giữa người giàu - người nghèo", bà Lan bày tỏ.
Nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, thực tế, chẳng ai muốn trở thành dân nhập cư, sống ở thành phố nhưng vì cuộc sống, ở địa phương không có công ăn, việc làm, không có thu nhập nên họ phải bỏ "quê mà đi".
"Cũng chẳng có ai muốn sống ở thành phố, đô thị lớn mà thu nhập thấp, nghèo mãi bởi nó sẽ làm thui chột các quyền lợi khác của họ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải để họ sinh sống bởi chúng ta đã có bao nhiêu gương từ nghèo khó vươn lên rồi.
Do đó, không thể áp dụng việc tăng thuế được còn quản trị theo cách nào thì đó là chuyện các thành phố phải bàn, tính toán cụ thể", bà Lan nói thêm.
Nên đánh thuế tài sản, nhất là bất động sản
Chuyên gia Kinh tế phạm Chi Lan phân tích, việc chưa thành công của Việt Nam về đô thị hoá nằm ở một vấn đề là đô thị hoá nhưng chưa gắn được với phát triển Kinh tế, tạo sự lan toả cao đối với các vùng xung quanh.
Theo bà phạm Chi Lan, ở các nước, đô thị lớn là trung tâm và tạo ra xung quanh một hệ thống vệ tinh. Cụ thể, các công trình công nghiệp, dịch vụ cũng như trường học, bệnh viện đều làm ở các vùng bên ngoài, không làm ở ngay chính đô thị lõi.
Thêm vào đó, hệ thống giao thông công cộng được đầu tư đồng bộ, với nhiều loại hình, giúp người dân dễ dàng đi lại. Như vậy, đô thị lõi sẽ được giảm tải rất nhiều đi và tạo công ăn, việc làm cho người dân ở các vùng ngoài.
"Nhưng các đô thị ở Việt Nam lại chưa làm được như vậy và mọi thứ, cơ quan, doanh nghiệp đều dồn hết vào các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM dẫn đến người dân đổ về đây tìm việc làm, kiếm sống thay vì ở các vùng xung quanh.
Lỗi này nằm ở vấn đề quy hoạch của chúng ta. Chỉ khi nào xây dựng được đủ không gian để người ta làm việc, sống ở các nơi xa hơn thì tự khắc giải toả bớt đi và những người thu thập thấp, không đủ sống ở đô thị đắt đỏ sẽ chuyển về sống nơi xa hơn chứ không phải dùng đến biện pháp tăng thuế", bà Lan nhận định.
Vị chuyên gia Kinh tế đề xuất thay vì tăng thuế để hạn chế dân di cư ở các đô thị thì cần phải sớm tiến hành việc đánh thuế tài sản, nhất là về nhà cửa, bất động sản.
"Việc đánh thuế tài sản, nhất là bất động sản sẽ giúp tạo nên mặt bằng giá hợp lý hơn và cũng đỡ đi sự phát triển quá mức, dẫn đến thừa, lãng phí chung cho đất nước, nền Kinh tế", bà Lan bày tỏ_