Liên quan đến kho nhôm 4,3 tỷ USD ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ Công thương trần Tuấn Anh cho biết, doanh nghiệp do người Trung Quốc đầu tư tại Vũng Tàu và nhập rất nhiều nhôm đưa về khu kho ngoại quan và khu chế xuất để phục vụ xuất khẩu.
ĐBQH Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa)
Sáng 7/11, trả lời chất vấn mà đại biểu quốc hội Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) đặt ra về vụ việc kho nhôm 4,3 tỷ USD ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ trưởng trần Tuấn Anh cho biết: Qua thông tin phản ánh quốc tế, Bộ đã nắm được sự việc từ cuối năm 2016. Đầu năm 2017, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ Công an tổ chức đoàn đi kiểm tra tại Vũng Tàu.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, doanh nghiệp do người Trung Quốc đầu tư tại Vũng Tàu và nhập rất nhiều nhôm đưa về khu kho ngoại quan và khu chế xuất để phục vụ xuất khẩu. Thời điểm đầu năm 2017, hoạt động xuất khẩu nhôm của doanh nghiệp này sang Mỹ và các thị trường khác chưa có gì đột biến.
Sau khi doanh nghiệp có những biến động bất thường, Tổng cục Hải quan đã tăng cường giám sát hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Do đó, xuất khẩu nhôm nguồn gốc Trung Quốc không đáng kể và không gây ra những vướng mắc đến vấn đề trong quan hệ thương mại quốc tế với Mỹ.
Xem Video: Việt Nam nghi ngờ kho nhôm của tỷ phú Trung Quốc
Về việc liệu doanh nghiệp có lợi dụng chuyển lô nhôm thành hàng hóa tiêu thụ trong nước hay không, Bộ trưởng trần Tuấn Anh cho biết: Cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt những hoạt động tại khu kho ngoại quan, đồng thời thực hiện áp thuế nhập khẩu đối với nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tiêu dùng. “Đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng sẽ thực thi”, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định.
Tranh luận lại, ông Mai Sỹ Diến đề nghị cho biết, việc gian lận về xuất xứ giả về chất lượng giả về thương hiệu buôn lậu trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng trung chuyển hàng hoá Việt Nam hiện nay đang ở mức độ nào đã đến mức phải rung chuông cảnh báo cho người tiêu dùng và các cơ quan chức năng hay chưa?
Vấn đề thứ hai được ông Diến cảnh báo là, hiện tượng doanh nghiệp ở nước đang bị Mỹ, EU trừng phạt lợi dụng thị trường Việt Nam, lợi dụng chính sách xuất khẩu của Việt Nam để vi phạm. Điều này dẫn đến hệ luỵ là Việt Nam sẽ là nạn nhân, sẽ bị các nước điều tra áp thuế chống phá giá, và áp thuế tự vệ.
Trước đó, dư luận đã phản ánh nhiều về vụ 1,8 triệu tấn nhôm trị giá hơn 4 tỷ USD có nguy cơ gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ và một số thị trường khác. Tổng cục Hải quan cho biết, hiện tại, số nhôm này vẫn đang nằm “đắp chiếu” ở cảng Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Tổng cục Hải quan, hiện nay, Chi cục hải quan địa phương vẫn đang giám sát chặt chẽ bằng hình thức camera giám sát tại cổng ra vào và toàn bộ khu vực bãi, bãi thuê có tường rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài, có cán bộ công chức tuần tra, giám sát thường xuyên.