Bình Định: Hậu bão số 5, người dân chật vật vật lộn với cuộc sống Bình Định: Hậu bão số 5, người dân chật vật vật lộn với cuộc sống , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí Hàng trăm gia đình phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” sau khi bão số 5 càn quét. 2 ngày sau bão, hàng ngàn hộ dân vẫn phải sống trong cảnh mò mẫm vì điện mất, nhiều nơi lại đang “khát” nước sạch, cuộc sống bị đảo lộn.
Cả xã 3 ngày mất điện
Ngày 1/11, 2 ngày sau khi bão số 5 quét qua, lãnh đạo tỉnh Bình Định vẫn tích cực chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các cấp khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại thiên tai.
Thống kê ban đầu, bão số 5 đổ bộ đã khiến 144 nhà dân bị sập, 1.120 nhà hư hỏng, 34 cột điện cao thế, 78 cột hạ thế gãy đổ, 10km đường dây điện bị đứt, 20km cáp quang các loại bị đứt… Tổng thiệt hại ban đầu của tỉnh Bình Định ước tính khoảng 350 tỷ đồng.
Sau bão số 5, nhiều người dân ở Bình Định đang trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Trong khi đó, nhiều vùng bị thiệt hại nặng, người dân vẫn đang sống trong tỉnh cảnh điện cúp, nước sạch không có để dùng, cuộc sống bị đảo lộn.
Đứng trước ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, bà Trương Thị Gái (53 tuổi, ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) bần thần: “Vợ chồng tôi chỉ có một mụn con gái nhưng chẳng may bị mù. Ngôi nhà là tài sản lớn nhất đã bị bão giật đổ, không biết lấy đâu ra tiền xây lại nhà để ở. Vợ chồng tôi đang dựng lều tạm để ở, con gái thì gửi ở nhà ông bà nội. Giờ nhà sập, còn điện thì mất từ hôm bão đến nay, đến nước sạch cũng không có, phải hứng nước mưa dùng nhưng đành cố mà chịu chứ biết làm sao”.
Ông Châu Văn Nhân (chồng bà Gái) cho biết thêm, ngôi nhà ông xây khoảng 15 năm trước, khá kiên cố. Tuy nhiên, nhà gần sông, thường bị bão lũ nên nhanh xuống cấp, lần này gặp bão lớn đã không trụ nổi.
“Chưa lần nào bão mạnh mà quần thảo lâu trong đất liền như lần này. Bão lớn kèm gió giật rất mạnh khiến ngôi nhà đổ sập, tài sản hư hỏng và bị cuốn trôi”, ông Nhân nói thêm.
Cách đó vài căn nhà là ngôi nhà xây dựng từ năm 1964 của gia đình ông Huỳnh Thanh Thi (55 tuổi, thôn Bình Thái). Căn nhà dù đã nhiều lần được cải tạo, nâng cấp cũng không thể đứng vững trước bão dữ.
“Tôi cũng chủ quan, cứ nghĩ bão vào bình thường nên không chuyển lên nhà con trai. Tối đó tôi vẫn ở lại nhà. Đến đêm gió rít mạnh quá thì mới vội chạy lên nhà con trai. Vừa sang đó được ít phút thì gió mạnh giật đổ sập ngôi nhà. May chứ không hôm đó chết rồi”, ông Thi kể lại.
Ông Phan Thế Khoa - Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết, bão số 5 gây thiệt hại rất lớn khi có đến 25 nhà bị sập, 11 nhà tốc mái…
“Ngay khi bão tan, xã đã hỗ trợ "nóng" cho các gia đình có nhà bị sập 1 thùng mì tôm và 1 lốc nước suối. Còn các nhà sập, hư hỏng sau này sẽ được xem xét hỗ trợ theo chế độ chính sách của UBND tỉnh”, ông Khoa nói.
Trong khi đó, cũng theo ông Khoa, đến chiều nay (1/11), toàn xã này vẫn chưa có điện khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.
“Từ đêm bão đổ bộ vào đến giờ, toàn xã vẫn chưa có điện. Ngành điện lực đang nỗ lực khắc phục nhưng các trụ điện bị đổ ngã nhiều quá nên chưa biết chừng nào khắc phục xong. Mất điện rất bất tiện, nước non cạn kiệt hết, người dân liên tục điện thoại hỏi tôi khi nào có điện?”, ông Khoa nói.
Theo UBND huyện Tuy Phước, bão số 5 đã làm sập 99 nhà, 224 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Bão cũng thổi bay mái 12 điểm trường Tiểu học và Mầm Non trên địa bàn huyện. 88 trụ điện cao thế và hạ thế bị đổ gãy… Ước tính tổng thiệt hại khoảng gần 11 tỷ đồng.
Không bỏ rơi người dân lúc cam go!
Trực tiếp đi kiểm tra các hộ dân gặp nạn trong bão, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên các hộ dân có nhà sập, nhà bị hư hỏng, trích ngân sách hỗ trợ cho người dân dựng lại nhà ở.
“Không bỏ rơi người dân trong lúc khó khăn, cam go này. Chính quyền phải sát cánh cùng người dân vượt qua tổn thất do bão gây ra. Mặt khác, các lực lượng cần chủ động triển khai các biện pháp đề phòng hoàn lưu của bão gây mưa, xảy ra lũ lớn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân”, ông Dũng yêu cầu.
Sau bão, rác chất đống dọc bờ biển Đà Nẵng
Theo ghi nhận của PV, chiều ngày 1/11, từ bãi biển Thọ Quang (quận Sơn Trà) kéo dài đến bãi biển Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn) có rất nhiều rác thải bị sóng đánh trôi dạt vào bờ.
Phần lớn rác thải là cây khô, ngư lưới cụ của ngư dân và túi nylon...
Sáng cùng ngày, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP.Đà Nẵng đã phối hợp với Công ty môi trường đô thị thành phố huy động nhân công thu gom rác thải đưa đi tiêu huỷ. Lực lượng chức năng cố gắng thu gom xử lý rác sớm nhất nhằm trả lại môi trường sạch đẹp cho các bãi biển.
Các công nhân thu gom rác tại bãi tắm Thọ Quang cho biết, lượng rác tấp vào bờ quá nhiều nên dự kiến phải mất vài ngày mới có thể dọn sạch.