Phát hiện mới tại di chỉ khảo cổ Vườn Chuối 3.000 năm tuổi của Hà Nội Phát hiện mới tại di chỉ khảo cổ Vườn Chuối 3.000 năm tuổi của Hà Nội , Người xứ Nghệ Kiev
(HNMO) - Sáng 22-10, tại cụm di chỉ Vườn Chuối (xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội), các nhà khoa học đã thông tin về những phát hiện khảo cổ mới nhất trong đợt khảo cổ gần đây tại di chỉ có tuổi đời khoảng 3.000 năm này.
Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) là đơn vị được giao nhiệm vụ khai quật, thăm dò tại di chỉ Vườn Chuối, trong đó, GS.TS Lâm Mỹ Dung (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) là người phụ trách việc khai quật, thăm dò khảo cổ tại đây. Đây là di chỉ đánh dấu sự có mặt đầu tiên của cư dân Hà Nội cách đây ít nhất từ 3.500-2.000 năm.
Theo GS.TS Lâm Mỹ Dung, khi đào rộng hố khai quật, các nhà khoa học phát hiện một số hiện vật mộ táng thu được còn ở tình trạng tốt, có thể đủ điều kiện làm ADN, xác định niên đại. Trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ thu được 15 mộ, đều là mộ giai đoạn văn hóa Đông Sơn với hai loại: Mộ huyệt đất và mộ quan tài gốm. Ngoài ra, các nhà khảo cổ phát hiện 7 mộ hiện đại.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học tiếp tục phát hiện thêm các loại hình di tích sinh hoạt cư trú như các khu bếp đun nấu, vết tích lò nấu đồng, các hố đất đen, hố chân cột, vết tích nền sân hoặc nền kiến trúc thuộc nhiều giai đoạn khác nhau từ Tiền Đông Sơn đến Đông Sơn.
Các nhà khai quật thu được hơn 1.000 hiện vật đá với các loại công cụ lao động, đồ trang sức và các loại hiện vật khác gồm: Rìu, bôn, đục, bàn mài, chì lưới, mảnh vòng, mảnh khuyên tai, hạt chuỗi...; khoảng 40 hiện vật đồ đồng gồm rìu, dao, kim, lưỡi câu… Đồ gốm tìm thấy đều là gốm mảnh thuộc các loại hình nồi, vỏ, bát… thuộc các giai đoạn từ Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn và muộn hơn.
PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học đánh giá, di vật thu được có ý nghĩa quan trọng, giá trị thu được trong đợt khảo cổ này cũng có giá trị lớn cho giới nghiên cứu.
Tại buổi công bố, các nhà khoa học cũng đề xuất 3 phương án bảo tồn cụm di tích Vườn Chuối.
Phương án thứ nhất: Bảo tồn nguyên trạng toàn bộ cụm di tích Vườn Chuối với tổng diện tích gần 12.000m2; trong khu vực di tích không xây dựng bất kỳ công trình kiến trúc nào.
Phương án 2: Dành một phần diện tích di chỉ Vườn Chuối để thực hiện việc dựng bia giới thiệu về cụm di chỉ khảo cổ học, tiến hành xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng khi đủ điều kiện. Thông báo cho chủ đầu tư xây dựng đường vành đai 3,5 và chủ đầu tư xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch cần thực hiện khai quật di dời di tích trước khi xây dựng theo Luật Di sản văn hoá.
Phương án 3: Bảo tồn 6.000m2 nửa phía Đông di chỉ, tiến hành khai quật nghiên cứu 6.000m2 nửa phía Tây của di chỉ. Đồng thời với việc khai quật là xây dựng hồ sơ di tích để xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa.
Cụm di chỉ Vườn Chuối được các nhà nghiên cứu khảo cổ học phát hiện và nghiên cứu từ năm 1969, có tổng diện tích phân bổ di tích gần 12.000m2. Từ đó đến nay, nhiều đợt thăm dò, khai quật nghiên cứu được tiến hành ở các gò: Vườn Chuối, Dền Rắn, Mỏ Phượng, Cây Muỗng, Chùa Gio và Chiền Vậy.
Tại địa điểm Vườn Chuối, kể từ năm 1969 đến nay đã có 8 cuộc khai quật. Tổng diện tích khai quật là 799m2. Kết quả các lần khai quật đã ghi nhận Vườn Chuối là loại hình di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, tồn tại ít nhất 3 tầng văn hóa phát triển liên tục từ giai đoạn Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn.