Chủ công trình 7 tầng đồ sộ “mọc” trên đèo Mã Pí Lèng: “Tôi chỉ làm cho nó tốt lên” Chủ công trình 7 tầng đồ sộ “mọc” trên đèo Mã Pí Lèng: “Tôi chỉ làm cho nó tốt lên” , Người xứ Nghệ Kiev
“Mọi người đừng nghĩ là tôi kiếm lợi từ công trình này. Tôi chỉ làm cho nó tốt lên” - bà Vũ Ngọc Ánh khẳng định.
Sở Xây dựng Hà Giang đang chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập đoàn kiểm tra nhà hàng, nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama “mọc” trái phép trong khu danh thắng Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang).
Thông tin nêu trên được ông Lương Văn Đoàn - Chánh Văn phòng UBND, HĐND tỉnh Hà Giang cho biết. Đồng thời, các đơn vị phải báo cáo kết quả kiểm tra trước ngày 9/10 để địa phương này có biện pháp xử lý đối với công trình 7 tầng đồ sộ đang tồn tại trên đèo Mã Pí Lèng.
Theo bà Vũ Ngọc Ánh (SN 1962, trú tại TP Hà Giang), Mã Pì Lèng Panorama do bà làm chủ đầu tư. Ngày 31/5/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc loại đất trồng cây hằng năm mang tên bà.
“Cách đây 10 năm, tôi mua mảnh đất này với giá 70 triệu đồng nhưng hồi đó chỉ là mỏm đá hoang, trồng ngô cũng không được" - bà Ánh nói và cho biết, 4 năm sau, bà chuyển đổi từ giấy mua đất viết tay thành bìa đỏ, chính thức sở hữu mảnh đất này.
Cũng theo bà Ánh, đến năm 2018, chính quyền địa phương có thông báo nếu mảnh đất này không triển khai sẽ bị thu hồi. Sau 8 ngày suy nghĩ, bà quyết định lên Mã Pí Lèng.
“Khi đó, gia đình tôi không đồng ý vì nơi này hoang vu, nguy hiểm và không có nước nhưng vì mảnh đất này gắn liền với kỷ niệm của bố và em trai nên tôi quyết định lên xây dựng” - chủ nhà hàng Panorama kể lại.
Nhiều ngày qua, dư luận xôn xao về công trình đồ sộ được xây dựng trái phép trong danh thắng Mã Pí Lèng, đe dọa cảnh quan thiên nhiên khiến bà chủ cơ sở này cảm thấy buồn và lo lắng.
Bà Ánh khẳng định, trước khi quyết định đầu tư và xây dựng, bà đã tìm hiểu kĩ và biết mảnh đất này nằm ngoài vùng địa chất.
“Tôi không hề làm vụng trộm, nếu vụng trộm không thể xây dựng được như này. Trong quá trình xây dựng, tôi gặp rất nhiều khó khăn và huyện đã hỗ trợ cung cấp đường điện. Tất cả ban ngành đều đến kiểm tra độ an toàn. Họ (chính quyền - PV) đã hỗ trợ tôi rất nhiều” - bà Ánh trình bày.
Cùng với đó, để đầu tư, xây dựng được công trình này, theo bà Ánh, bả thân đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ bạn bè về kinh tế, cơ sở vật chất.
Trước phản ứng dữ dội của dư luận về việc "khối bê-tông" nằm trên nền di sản, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, người phụ nữ này chia sẻ nếu lường trước mọi việc như vậy “sẽ không làm”.
“Tôi thà gửi tiền vào ngân hàng và bỏ không mảnh đất này. Mọi người đừng nghĩ là tôi kiếm lợi từ công trình này. Tôi chỉ làm cho nó tốt lên” - bà Ánh thổ lộ.
Kể thêm về việc công trình đồ sộ do mình đầu tư và đã đi vào hoạt động nhưng thiếu hàng loạt giấy tờ cấp phép khiến dư luận cho rằng, sau lưng bà có "chỗ dựa vững chắc", bà Ánh cho hay mình tự "đứng lên bằng đôi chân" của mình để xây dựng nơi đây.
“Đằng sau lưng tôi không có một ai đứng hết, tôi không quen ông to bà lớn nào” - người này khẳng định.