“Đừng ngạc nhiên khi Việt Nam trở thành điểm trung chuyển ma túy với quy mô ngày càng lớn!” “Đừng ngạc nhiên khi Việt Nam trở thành điểm trung chuyển ma túy với quy mô ngày càng lớn!” , Người xứ Nghệ Kiev
Phát biểu tại Hội nghị về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy trên địa bàn TPHCM diễn ra ngày 4/10, Thiếu tướng Phan Anh Minh, nguyên Phó Giám đốc Công an TPHCM, nguyên Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP, đã có những chia sẻ và kiến nghị tâm huyết từ thực tiễn đấu tranh chống tội phạm ma túy.
Theo tướng Minh, trong 20 năm qua, chưa nói rằng ai thắng ai trong cuộc chiến chống ma túy nhưng chắc chắn tội phạm ma túy có quy mô ngày càng lớn hơn.
“Trước đây heroin được tính đơn vị bánh, ký nhưng giờ tính bằng tấn. Người nghiện ngày càng gia tăng, chủng loại ma túy được sử dụng và lạm dụng ngày càng nhiều, gây hậu quả về trật tự xã hội, thậm chí là cuồng sát người thân. Chúng ta chưa đạt được yêu cầu tổng quát về kiềm chế và kéo giảm tội phạm lẫn tệ nạn ma túy”, tướng Minh nói.
Nguyên Phó Giám đốc Công an TP cho rằng có sự tương tác rất mạnh giữa tội phạm về tệ nạn ma túy và cả tội phạm hình sự, trong đó “người nghiện” là trung tâm có tác động tiêu cực và nguy hiểm nhất.
“Bởi vì người sử dụng trái phép chất ma túy không chỉ là thị trường nuôi sống tội phạm về ma túy mà còn là nguồn nhân lực tiếp tay. Trong các tổ chức buôn bán ma túy, phải có người nghiện để thử ma túy. Cũng chính người nghiện là thành tố để làm gia tăng phạm pháp hình sự, an ninh trật tự xấu hơn”, tướng Minh phân tích.
Để làm rõ nhận định này, tướng Minh dẫn chứng: trong thời gian ông phụ trách có 2 năm là 2008 và 2013 tăng phạm pháp hình sự trên địa bàn thành phố. Và khi soi lại nguyên nhân, đó là 2 năm bế tắc trong chuyện giải quyết người nghiện, quản lý sau cai nghiện. Điều này gây tồn đọng người nghiện và lập tức tội phạm gia tăng.
Theo ông Minh, ai cũng thấy rằng người nghiện là người lệch lạc về nhân cách, có nguy cơ rất lớn cho nên cần có quan điểm nhìn nhận toàn diện hơn. “Người nghiện là người tự gây ra cái suy thoái về nhân cách của mình và có nguy cơ cao gây đối kháng cho xã hội và vi phạm pháp luật cao, cần được chăm sóc điều trị và quản lý đặc biệt”, tướng Minh nói.
Xin được ý kiến thì tàu chở ma túy đi mất!
Theo tướng Minh, nhiều chương trình phòng chống ma túy và cả thế giới đến nay chưa và có thể không có liệu pháp hay hình thức cai nghiện nào có hiệu quả cao có thể áp dụng đại trà.
Vì vậy, ông cho rằng đối sách cho thời gian tới là tập trung ngăn ngừa phát sinh người nghiện mới, can thiệp sớm, theo dõi giúp đỡ đối với cá nhân và quần thể người có nguy cơ tái phạm về ma túy.
Về công tác tuyên truyền, ông Minh cho rằng cần tập trung vào đối tượng và địa điểm có nguy cơ sử dụng ma túy tổng hợp và người nghiện lôi kéo nhau. Các điểm dịch vụ nhạy cảm như vũ trường, bar, karaoke cần được tập trung tuyên truyền vì khi kiểm tra đều bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy.
Cũng theo tướng Minh, cần tiếp tục cai nghiện tập trung, bao gồm cai nghiện tự nguyện lẫn có thu phí, được tài trợ… Ngoài ra, đối với người có nơi cư trú ổn định khi bị phát hiện sử dụng ma túy thì thôi chấm dứt phạt tiền mà bàn giao giáo dục tại phường, xã. Nếu không cải thiện được thì cho cai nghiện tập trung.
Bên cạnh đó, cố gắng phân loại người sau cai nghiện như chưa có việc làm ổn định, những người chưa chấp hành pháp luật tốt thì cần theo dõi, giúp đỡ họ thêm.
“Mất 2 năm cai nghiện và cũng nhận thức được nguy cơ tái nghiện cao mà rồi đợi cho họ tái nghiện rồi bắt đầu lại thì chúng ta rất lãng phí”, ông Minh nói.
Để xử lý tội phạm ma túy, ông Minh đề nghị các cơ quan tố tụng cần nhanh chóng khắc phục một số nhược điểm tồn tại lâu nay.
Theo ông, luật hình sự quy định hàng chục tội danh nhưng chỉ xử lý có 3 tội danh tàng trữ, vận chuyển, sử dụng chất ma túy mà bỏ qua nhiều hành vi phạm tội là tác nhân gây phát sinh người nghiện như lôi kéo, cưỡng ép, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy. Ông đề nghị cần cố gắng xử 1/3 số vụ án có thêm nhóm tội nêu trên.
Bên cạnh đó, phải mở rộng điều tra vì tội phạm ma túy là tội phạm có tổ chức để tăng số bị can vì hiện nay chỉ hơn 1 nửa số vụ xét xử chỉ 1 bị can.
“Trong khi chờ đợi thay đổi, các cơ quan tố tụng khắc phục tư tưởng “cát cứ theo thẩm quyền”. Bản thân nó là tội phạm có tổ chức liên quận, huyện, tỉnh, quốc gia nhưng cứ đòi bắt ở quận mình thì mới được còn bắt qua quận khác là sai thẩm quyền, vì đồng phạm khắp nơi”, ông Minh nhấn mạnh.
Ngoài ra, phải triệt xóa nguồn tài chính bằng cách kê biên tài sản vì hầu như quận, huyện thường chỉ thu giữ khi bắt, khám xét ban đầu mà không xác minh, kê biên tài sản phục vụ cho việc xét xử sau này.
Trước khi kết thúc phát biểu, ông Minh đã chia sẻ thêm thông tin mà ông cho rằng mình bị chất vấn nhiều nhất: “Tại sao có việc trung chuyển ma túy?”.
“Cái này có lâu rồi nhưng cái ngạc nhiên là quy mô gia tăng hơn. Mà thực ra tôi cũng hỏi cung các tội phạm trung chuyển thì họ nói Việt Nam hội nhập kinh tế sâu, giao thương thanh toán thuận lợi nhưng pháp luật không hội nhập. Dại gì không trung chuyển qua Việt Nam”, ông Minh nói.
Ông Minh dẫn lại câu trả lời của tội phạm trung chuyển ma túy: “Khi mà trung chuyển qua Việt Nam thì do không tương trợ tư pháp các nước cho nên khả năng phát hiện đã thấp, mà khi phát hiện rồi thì xử còn khó hơn”.
Cuối cùng theo tướng Minh, đó là thẩm quyền. Ông cho rằng hầu hết tương trợ tư pháp dồn vào cơ quan Trung ương.
“Có những lúc tôi rất bức bối vì khi phát hiện container có ma túy đã xuống tàu và đang trên đường đi Đài Loan và chuẩn bị nhận hàng nhưng phải xin ý kiến. Mà lãnh đạo Bộ thì đang họp quốc hội xin ý kiến không được, hễ chậm một phát là mất rồi. Những tồn tại này phải khắc phục nếu không khắc phục thì chúng ta đừng ngạc nhiên khi người ta chọn Việt Nam làm nơi trung chuyển và quy mô ngày càng lớn hơn”, ông Minh cảnh báo.