Hỗ trợ đào tạo lao động làng nghề Hỗ trợ đào tạo lao động làng nghề , Người xứ Nghệ Kiev
27/08/2019
(HNM) - Để sản phẩm thủ công mỹ nghệ cạnh tranh được trên thị trường và kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị cao tại các thị trường tiềm năng, các làng nghề đang rất cần một nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, có tay nghề tinh xảo, có ý tưởng thẩm mỹ sáng tạo... Nhằm đáp ứng yêu cầu đó, UBND thành phố Hà Nội đã, đang đẩy mạnh đào tạo và phát triển nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu trên.
"Khát" lao động có tay nghề
Làng Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) được coi là một trong những cái nôi của nghề mây, tre đan với bề dày hơn 400 năm. Đến nay, sản phẩm của làng nghề đã có mặt tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 88% tổng giá trị sản phẩm phục vụ xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 2.400 hộ gia đình làm nghề (chiếm 50% số lao động trong xã).
Tuy nhiên, theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn (huyện Chương Mỹ), do mức thu nhập thấp so với một số ngành nghề mới, nên ngoài những nghệ nhân cao tuổi và số ít thanh niên trong làng đam mê gắn bó với nghề, thì nguy cơ mai một nghề mây, tre đan thủ công truyền thống ở Phú Vinh đang là “bài toán khó”...
Làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) cũng là một ví dụ. Theo ông Đỗ Hùng Chiêu, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy, Chủ tịch Hội Sơn mài Hạ Thái, hiện nay dù có khoảng 60-70% lao động trong xã có làm nghề sơn mài, nhưng đa phần là lao động thời vụ, không có trình độ. Trong khi đó, chủ các cơ sở sản xuất hầu hết chỉ giỏi nghề, còn khả năng quản trị doanh nghiệp cũng như quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường rất hạn chế.
Ông Vương Đình Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, đây cũng là thực trạng chung của nhiều làng nghề trên địa bàn Hà Nội. Điều này không chỉ dẫn đến khó khăn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, mà còn đặt các làng nghề trước nguy cơ mai một nghề do thiếu lớp người kế cận. Bên cạnh đó, do không được đào tạo cơ bản, nên ý thức lao động, kỷ luật, năng suất lao động thấp; chưa có tư duy, sáng tạo trong sản xuất, nên chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Chưa kể, những lao động có tay nghề lại dần dịch chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực khác, hoặc thoát ly khỏi địa phương. Nhiều làng nghề truyền thống hiện nay không có thợ tạo mẫu và thợ có tay nghề tinh xảo đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng, dẫn đến sản phẩm không đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế.
Hiệu quả từ hoạt động truyền nghề
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trước thực trạng trên, thành phố Hà Nội đã xác định hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Từ nay đến cuối năm 2019, Sở Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, các hiệp hội ngành nghề tổ chức 38 lớp truyền nghề thủ công mỹ nghệ cho 1.300 học viên tại các thôn, xã trên địa bàn thành phố, nhằm phát huy thế mạnh của các làng nghề, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo, nâng cao kỹ năng cho những lao động thường xuyên tại các cơ sở sản xuất, nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp làng nghề. UBND thành phố Hà Nội cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho làng nghề từ ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị khoa học công nghệ, cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ...
Nghệ nhân Nguyễn Đình Hải - chủ cơ sở Duy Hải Phát, làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) cho rằng, việc thành phố hỗ trợ mở các lớp truyền cấy nghề tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ có ý nghĩa rất quan trọng. Các chương trình đào tạo nghề tạo cơ hội cho những nghệ nhân của làng truyền lại nghề cho giới trẻ cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, thủ pháp làm nghề mà trong quá trình lao động họ tích lũy được. Điều này được người lao động rất hưởng ứng, vì trước đây họ chỉ nhận việc gia công cho các cơ sở sản xuất, không có điều kiện nâng cao tay nghề.
Không thụ động dựa vào sự hỗ trợ của thành phố, Trung tâm Đào tạo nghề tư thục mây tre đan Phú Vinh của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung cũng tổ chức các lớp đào tạo, truyền đam mê cho các học viên từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước học nghề, kế thừa nghề. Hiện nay, ngoài các sản phẩm cổ truyền, làng nghề Phú Vinh còn không ngừng sáng tạo, kết hợp sản phẩm mây tre đan với những vật liệu khác như gốm, sứ, gỗ, sắt,… tạo nên nhiều sản phẩm độc, lạ, đẹp... đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Có thể thấy, hiệu quả mang lại từ hoạt động truyền nghề thủ công mỹ nghệ như mộc dân dụng, mây tre đan, sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa, gốm sứ… đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, đặc biệt là tại các khu vực có đất bị thu hồi cho phát triển công nghiệp. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn...
Với việc đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ nâng cao tay nghề, đào tạo các lớp thợ giỏi, nguồn lực lao động kỹ thuật tại các làng nghề sẽ được tăng cường, góp phần giúp các hộ sản xuất, doanh nghiệp ở làng nghề tăng năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.