Tiếp sức nghệ nhân trao truyền di sản Tiếp sức nghệ nhân trao truyền di sản , Người xứ Nghệ Kiev
25/08/2019
(HNM) - Hoạt động trao truyền di sản, gây dựng thế hệ kế cận là thước đo cho hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh những điểm sáng, Hà Nội vẫn còn không ít địa phương gặp khó với công tác này. Điều đó cho thấy, cần có thêm những cách làm mới, chủ động, tích cực hơn để tháo gỡ khó khăn, tiếp sức hiệu quả cho hoạt động trao truyền, nuôi dưỡng di sản.
Chung tay giữ gìn di sản
Gần một tháng nay, cứ vào buổi tối, tại nhà nghệ nhân hát dô Nguyễn Thị Lan (thôn Đại Phu, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai) lại vang lên tiếng ca, tiếng phách rộn ràng. Dường như, những khác biệt về lối hát, ca từ cổ xưa của điệu hát dô không làm hơn 30 ca nương nhí nản lòng. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lan cho biết, đây là hoạt động của lớp truyền nghề di sản hát dô, được mở bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của thành phố và huyện Quốc Oai.
Tham gia lớp học, em Nguyễn Thị Mến (học sinh lớp 7, Trường Trung học cơ sở Liệp Tuyết) chia sẻ: “Em rất thích giai điệu trong các bài hát dô, nhất là cách sử dụng phách, luyến láy ca từ. Học hát dô không chỉ để rèn luyện năng khiếu, mà còn có ý nghĩa gìn giữ di sản quê hương”.
Cũng trong thời gian này, không gian yên tĩnh tại đình làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) bị xua tan bởi những thanh âm trong trẻo, đặc trưng của làn điệu ca trù, báo hiệu giờ lên lớp của các nghệ nhân: Phạm Thị Mận, Nguyễn Thị Phương Thảo. Giữa sân đình, hàng chục em 7-15 tuổi, ngồi xếp bằng theo thầy, học lời ca, nhịp phách.
Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thế Mạnh, từ nhiều năm nay, những lớp học như thế vẫn được tổ chức vào dịp hè để gây dựng thế hệ kế cận cho ca trù Lỗ Khê. “Không chỉ hỗ trợ kinh phí duy trì lớp học, huyện còn mua sắm loa đài, may trang phục phục vụ cho việc luyện tập, biểu diễn...”, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết thêm.
Với đặc trưng, người tham gia phải là trai giả gái, điệu múa bồng độc đáo ở làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) có thời gian không ai muốn học, vì e ngại. Chỉ đến khi chính quyền địa phương có chủ trương đưa múa bồng vào giảng dạy ngoại khóa, cấp kinh phí cho các thành viên Câu lạc bộ Múa bồng Triều Khúc trao truyền nghề, di sản mới trở lại mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Múa bồng Triều Khúc Triệu Đình Hồng cho biết: “Đây là thành quả tất yếu của việc chú trọng ươm mầm di sản cho thế hệ tiếp sau. Đến giờ, chúng tôi có thể tạm yên tâm với việc không bị thất truyền di sản”.
Hỗ trợ nghệ nhân trao truyền di sản
Được mệnh danh là Thủ đô di sản, Hà Nội không chỉ dẫn đầu cả nước về số lượng di tích, mà còn sở hữu nguồn tài nguyên di sản văn hóa phi vật thể nổi trội và đa dạng, bao quát trên nhiều lĩnh vực: Lễ hội, tri thức dân gian, di sản truyền khẩu, nghệ thuật trình diễn... Với di sản văn hóa phi vật thể, công tác trao truyền nghề luôn đóng vai trò nòng cốt trong việc bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị. Những dấu ấn trong công tác này tại các huyện: Quốc Oai, Thanh Trì, Đông Anh… đã khẳng định điều đó.
Tuy nhiên, có được điều này, không phải dễ dàng. Với 1.793 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, Hà Nội phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong đó có việc thiếu kinh phí duy trì hoạt động, thiếu “sân chơi” giao lưu, quảng bá di sản… Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho rằng, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản phi vật thể có những trở ngại khách quan, chủ quan.
“Nhiều nghệ nhân đã ở tuổi xưa nay hiếm. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng của Nhà nước chưa đủ để nghệ nhân trang trải cuộc sống. Việc cấp kinh phí trao truyền di sản ở các địa phương, nơi có, nơi không”, bà Phạm Thị Lan Anh cho hay.
Đây cũng là thực trạng chung ở nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thường Tín Lê Mạnh Cường thừa nhận: "Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu nhất của địa phương là điệu hát trống quân, nhưng huyện vẫn chưa có một chương trình hỗ trợ đáng kể nào".
Còn tại huyện Phú Xuyên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nguyễn Tùng Lâm cho biết: “Việc hỗ trợ kinh phí trao truyền di sản ở địa phương năm có, năm không và cũng chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu thực tế”.
Trước thực trạng này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Lê Thị Minh Lý cho rằng, thành phố nên có chính sách hỗ trợ nghệ nhân bảo đảm đời sống cũng như khích lệ, tạo điều kiện để họ có thể chuyên tâm thực hành, trao truyền di sản; xây dựng Quỹ hỗ trợ tài năng từ việc huy động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp chung tay giúp nghệ nhân yên tâm cống hiến.
Cũng theo bà Lê Thị Minh Lý, UBND các quận, huyện, thị xã cần chủ động xây dựng đề án hỗ trợ cho việc bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, tránh ỷ lại, phụ thuộc vào thành phố. Đặc biệt, cần ưu tiên cho những di sản có nguy cơ thất truyền, với các đề mục cụ thể như: Hỗ trợ truyền nghề, duy trì hoạt động câu lạc bộ, tổ chức giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương làm tốt…
Đề cập đến chế độ đãi ngộ nghệ nhân, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, thành phố đã có chủ trương tạo cơ chế, chính sách phù hợp để các nghệ nhân có thể bảo tồn, phát huy tốt giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó có việc trao truyền di sản cho lớp trẻ. Để hiện thực hóa chủ trương này còn cần nhiều thời gian, song khi đi vào đời sống, chắc chắn sẽ tiếp thêm tinh thần, nhiệt huyết để nghệ nhân gắn bó với di sản.