Đà Lạt, Phú Quốc ngập lụt chưa từng có trong lịch sử: Vì đâu đến nông nỗi hôm nay? Đà Lạt, Phú Quốc ngập lụt chưa từng có trong lịch sử: Vì đâu đến nông nỗi hôm nay? , Người xứ Nghệ Kiev
Theo nhiều chuyên gia đô thị, ngập lụt kinh hoàng tại Đà Lạt, Phú Quốc thời gian qua hệ quả của quan niệm phi khoa học trong quản lý đô thị của chính quyền.
Từ trận ngập lụt lịch sử khiến Phú Quốc chìm trong biển nước tới trận "đại hồng thủy" mới quét qua Đà Lạt đã khiến dư luận vô cùng bất ngờ.
Không chỉ người dân mà đến cả các chuyên gia cũng cảm thấy bất ngờ khi ngập lụt lại có thể xảy ra khi Phú Quốc là đảo, còn Đà Lạt là thành phố cao nguyên... nên đáng lẽ nước phải thoát rất nhanh.
Đang gánh hậu quả từ phát triển nóng, thiếu quy hoạch và tầm nhìn
Không phủ nhận nguyên nhân ban đầu là những trận mưa lớn kéo dài, nhưng theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn thì tình hình ngập lụt mấy ngày qua ở Đà Lạt, Phú Quốc là hệ quả của quan niệm phi khoa học trong quản lý đô thị của chính quyền. Đà Lạt là thành phố cao nguyên lẽ ra không bao giờ ngập, còn Phú Quốc ở sát biển nên nước phải thoát nhanh nhưng lại ngập nặng là điều không logic khi xét đến yếu tố địa hình.
"Hai thành phố du lịch bị ngập do phát triển đô thị quá tham lam, bê tông hóa bề mặt để tăng diện tích thương mại. Chừng đó chưa đủ, họ còn lấp kênh rạch, sông hồ để kinh doanh mà bỏ qua không gian dành cho nước”, kiến trúc sư Nam Sơn dẫn chứng.
Không chỉ Đà Lạt hay Phú Quốc mà nhiều đô thị ở Việt Nam cũng bỏ qua chỉ tiêu này dù nó rất quan trọng, kiến trúc sư Nam Sơn nhấn mạnh.
Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, đợt mưa ngập lịch sử tại đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã khiến trên 8.400 căn nhà bị ngập, hàng nghìn người dân phải đi sơ tán, thiệt hại hơn 100 tỷ đồng.
Chính báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang chỉ ra, là tại Phú Quốc có những công trình ở Bãi Trường, do xây dựng không đạt tiến độ nên chưa đấu nối hệ thống thoát nước vào hệ thống chung của toàn tuyến. Chính những nơi chậm đấu nối đã gây ngưng chảy, tạo thành những "bụng nước". Những "bụng nước" này lâu ngày không có đường thoát đã tự phá vỡ, gây ảnh hưởng rất lớn.
Bản thân bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - ông Mai Văn Huỳnh cũng thừa nhận chưa dự báo được tốc độ phát triển của Phú Quốc quá nóng dẫn tới việc quá tải đô thị.
Địa hình Phú Quốc có nhiều đồi dốc, thế nhưng tốc độ đô thị hóa, đặc biệt là tình trạng xây dựng lấn chiếm sông, suối thời gian qua đã gây áp lực lớn lên hệ thống thoát nước, làm ảnh hưởng việc thoát nước từ các đồi dốc đổ ra biển, gây ngập lụt tại các khu dân cư sinh sống ven sông, ven suối do thoát nước không kịp.
Chịu chung cảnh ngập lụt nghiêm trọng với đảo ngọc Phú Quốc trong thời gian qua là TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Tuy nhiên điều khiến các chuyên gia rất ngạc nhiên là tình trạng mưa nhỏ nhưng lũ lại rất lớn tại TP này.
Các chuyên gia nhìn nhận Đà Lạt đang phải gánh hậu quả của nông nghiệp lạm dụng nhà kính, xây dựng nhà cửa mật độ cao. Hai tác nhân này khiến cho hệ số thấm, thoát nước giảm nghiêm trọng
Với Đà Lạt, các chuyên gia nhìn nhận Lâm Đồng đang gánh hậu quả của nông nghiệp lạm dụng nhà kính, xây dựng nhà cửa mật độ cao. Hai tác nhân này khiến cho hệ số thấm, thoát nước giảm nghiêm trọng.
Theo các số liệu mới nhất từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích sản xuất rau hoa của Đà Lạt khoảng 18.000ha nhưng có đến 10.000ha nhà kính (tỉ lệ hơn 50%).
Làm thế nào để "thoát" lũ?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, người thường xuyên có những phản biện chuyên môn cho các dự án phát triển Lâm Đồng và là người đang thực hiện nghiên cứu về hệ sinh thái Đà Lạt và các vùng liên quan - trăn trở rằng Đà Lạt là nơi có khí hậu ôn hòa nên khi nhà kính mọc lên tràn lan, mọi người chỉ thấy cảnh quan bị phá vỡ mà ít cảm nhận đến một sự thay đổi về nhanh chóng về khí hậu, hệ sinh thái ở đây.
"Tôi cho rằng Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên cần đánh giá lại toàn diện các yếu tố tác động gây biến đổi cảnh quan, suy giảm hệ số thấm nước, mật độ xây dựng đô thị và cả yếu tố lâu nay chúng ta bỏ ngỏ là tổ chức sản xuất nông nghiệp. Việc đánh giá sẽ cho những cơ sở quan trọng để phòng chống lũ lụt", tiến sĩ Vũ Ngọc Long nhấn bạnh.
Trong khi đó, kiến trúc sư Nam Sơn chia sẻ "Dường như nhà quản lý luôn chiều lòng nhà đầu tư, du khách mà không quan tâm đến sức chịu đựng của đô thị. Cách làm này không bền vững bởi để vận hành tốt một đô thị thì cần có không gian xanh, cây xanh mặt nước chứ không thể xây dựng bất chấp. Nhà đầu tư thường suy nghĩ ngắn hạn, họ đầu tư rồi bán kiếm lời chứ ít khi nghĩ về lâu dài cho đô thị”.
“Chúng ta không thiếu các định hướng, chủ trương, đồ án quy hoạch phát triển đô thị đẹp, có chất lượng, nhưng vấn đề là thay vì thực hiện quy hoạch một cách khoa học, hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện rồi mới xây nhà cửa thì chúng ta làm ngược lại. Phần nào “ngon” dễ kiếm tiền thì “xắn” ra làm trước, mà phần “ngon” thường là nhà ở. Nhà ở kéo thêm người vào mà hạ tầng kỹ thuật, công viên, hồ điều tiết nước… chưa có, thì ngập nước là đương nhiên” - chuyên gia quy hoạch Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, phân tích.
Do đó, để giải quyết căn cơ vấn đề ngập nước ở đô thị, cần nhanh chóng khơi thông dòng chảy, trả lại không gian thông thoáng cho nước. Trước tiên là phải trồng rừng đầu nguồn để giữ nước, tiếp đến, phải thay đổi cách thực thi quy hoạch; cương quyết thực hiện theo quy hoạch đã định sẵn chứ không để tình trạng "phần nào “ngon” dễ kiếm tiền thì “xắn” ra làm trước".
Bên cạnh đó, các địa phương cũng nên có chính sách buộc các nhà đầu tư, các doanh nghiệp phát triển bất động sản liên kết lại, thực hiện đầu tư cả một khu đô thị hoàn chỉnh kiểu như Phú Mỹ Hưng (TP HCM). Hạn chế đến mức tối đa việc giao cho mỗi doanh nghiệp một vài khu đất để rồi các doanh nghiệp chỉ tập trung làm nhà, bất kể hạ tầng kỹ thuật xung quanh dự án có đáp ứng được nhu cầu tăng thêm dân số.