Tiêu điểm tuần qua: Sốt sắng lo chất lượng nhà đầu tư và “bẫy nợ” Trung Quốc tại cao tốc Bắc-Nam Tiêu điểm tuần qua: Sốt sắng lo chất lượng nhà đầu tư và “bẫy nợ” Trung Quốc tại cao tốc Bắc-Nam , Người xứ Nghệ Kiev
“Cao tốc Bắc - Nam chọn theo giá thấp thì nhà đầu tư Trung Quốc trúng hết”
Trong số 52 nhà đầu tư tham gia đấu thầu 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam có cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư trong nước, nếu "đấu" theo tiêu chí Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra, các nhà đầu tư trong nước sẽ khó cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, quy định vốn chủ sở hữu cho dự án tối thiểu bằng 20% là lớn hơn rất nhiều so với nghị định 63/2018 quy định (15%). Ngoài ra, việc yêu cầu thời điểm chấm thầu, nhà đầu tư phải chứng minh đủ 20% vốn chủ sở hữu và không được góp theo tiến độ cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong nước.
Hơn nữa, việc quy định nhà đầu tư tham gia đấu thầu phải từng đầu tư một dự án có tổng mức đầu tư bằng 50% đoạn cao tốc đang đấu, cũng đồng nghĩa với việc DN trong nước phải từng tham gia các dự án 4.000-5.000 tỷ đồng. Thực tế hiếm có nhà đầu tư trong nước tham gia dự án lớn như vậy.
Trước lo ngại khi đấu thầu có nhà đầu tư sẽ bỏ giá thấp bằng mọi giá để trúng thầu, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, nếu chọn nhà đầu tư cao tốc Bắc Nam theo giá thấp thì nhà đầu tư Trung Quốc trúng hết.
Thế nhưng khi đã xác định đấu thầu quốc tế vấn đề lo ngại không chỉ là bên ngoài mà quan trọng nhất là các ban quản lý dự án trong nước phải đủ năng lực, cứng rắn để quản lý được nhà đầu tư thi công dự án đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Làm cao tốc Bắc - Nam: Bài học đường sắt Cát Linh-Hà Đông còn sờ sờ ra đó!
PGS. TS Trần Chủng , nguyên Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng); Trưởng ban Chất lượng Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho hay: Nhà đầu tư khác với nhà thầu. Tại một số dự án như đường sắt Cát Linh – Hà Đông đó là vấn đề về tổng thầu EPC Trung Quốc.
Tất nhiên nếu dự án rơi vào tay nhà đầu tư Trung Quốc thì khả năng kéo theo là các nhà thầu Trung Quốc rất cao. Chất lượng, tiến độ dự án nằm rất nhiều ở khâu nhà thầu.
Dư luận rất quan tâm đến chất lượng dự án, tiến độ dự án. Và thời gian qua không ít dự án liên quan đến nhà thầu Trung Quốc bị chậm tiến độ, đội vốn nên lo ngại của dư luận không phải không có cơ sở.
Nhưng điều quan trọng là sau vô số bài học chẳng hạn như ở dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông thì vấn đề là phải rút ra bài học, rút ra kinh nghiệm.
Phải tập hợp lại những gì mình làm chưa tốt, mình còn sơ hở, còn kém để lấy đó làm bài học, thay vì kỳ thị hay lo sợ vô ích.
"Có những nhà đầu tư Trung Quốc không thiện chí làm dự án chất lượng"
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Thủ tướng, nguyên Phó Chủ tịch VCCI nói: Nhà đầu tư Trung Quốc làm dự án ở nước họ thì có những công trình hạ tầng giao thông rất tốt, chính vì thế nên tốc độ phát triển đất nước của họ khá nhanh. Ở các nước khác, nơi có thể chế nghiêm minh, minh bạch, thì nhà đầu tư Trung Quốc cũng cạnh tranh được.
Tuy nhiên, càng các nước đang phát triển, chính sách chưa hoàn thiện, bộ máy quản lý yếu kém thì nhà đầu tư Trung Quốc càng tỏ rõ bản chất nhờn, lách luật.
Tại những nước này, họ không đưa những nhà thầu, doanh nghiệp thành công sang mà chủ yếu đưa nhà thầu kém chất lượng, hay nói cách khác là thời gian qua họ chỉ đưa doanh nghiệp nhỏ kiểu "đang học việc" để "thực tập" tại Việt Nam. Vì vậy, hầu hết chất lượng các dự án đều rất tệ.
Không chỉ đường sắt Cát Linh - Hà Đông, 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ đồng mà ngay cả các dự án nhiệt điện than, có biết bao vấn đề, trạm biến thế vừa hết bảo hành thì hỏng... hay cam kết môi trường dự án thì không có. Dự án Formosa của Đài Loan nhưng công ty Trung Quốc là thầu chính đã bỏ qua yếu tố môi trường, gây phương hại cả một vùng biển quốc gia.
Nhà đầu tư Trung Quốc có lịch sử luôn không có thiện chí làm các dự án chất lượng ở Việt Nam, không có dự án mang thương hiệu mà họ chỉ nghĩ lợi ích riêng. Chuyện làm ăn không thể biện minh bằng những lời nói hoa mỹ mà phải thực tế, sòng phẳng.
Trung Quốc làm khó, dự án 12 nghìn tỷ đồng không quyết toán được
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) liên quan đến vướng mắc quyết toán dự án đạm Ninh Bình(vốn 12 nghìn tỷ đồng) do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu.
Theo báo cáo của Vinachem, với tư cách tổng thầu EPC nhà máy đạm Ninh Bình, Tổng công ty Thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu (Trung Quốc) đã không phối hợp với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giải quyết các tồn tại của dự án như thanh toán chi phí than cho việc chạy thử vượt hợp đồng, chi phí chạy thử nhà máy lần 2.
Báo cáo nêu rõ: Nhà thầu Trung Quốc này cũng không thực hiện nghĩa vụ nộp phạt chậm tiến độ thực hiện hợp đồng (16 tháng), không hoàn thiện hồ sơ máy móc, thiết bị, vật tư nhập khẩu theo hợp đồng EPC, không bàn giao hồ sơ hoàn công và hồ sơ gốc CO, CQ để lập quyết toán A-B.
Trước tình hình đó, Vinachem đã đề xuất giải pháp thuê kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán, xác định giá trị đề nghị quyết toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và ghi rõ nội dung nhà thầu không hợp tác để quyết toán dự án.
Làm đường cao tốc Bắc - Nam: Thiếu vốn cũng không thể hy sinh thành bẫy nợ
Chia sẻ với phóng viên Dân Trí xung quanh chủ đề 50% hồ sơ ứng tuyển của nhà đầu tư Trung Quốc tham gia vòng sơ tuyển của 8 dự án đầu tư đường cao tốc Bắc Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnhbày tỏ lo ngại đây là chiến lược một vành đai, một con đường của Trung Quốc; đồng thời chúng ta không thể chấp nhận hy sinh, đánh đổi để lấy về bẫy nợ.
Ông Thịnh nói rằng, chúng ta thiếu vốn và cần vốn nhưng không phải hy sinh để trở thành gánh nặng, bẫy nợ như một số quốc gia châu Phi đang gặp phải khi Trung Quốc đầu tư. Không có lý gì thấy họ như vậy rồi, có bài học như vậy mà chúng ta còn sa vào.
Các dự án đầu tư, chúng ta có những bài học nhãn tiền rồi, không có lý gì để chúng ta chấp nhận tiếp các nhà đầu tư kém để nó thành gánh nặng từ Trung Quốc. Thiếu vốn, chúng ta cũng không nên chấp nhận nhà đầu tư Trung Quốc yếu kém.
Mỗi năm, người Singapore làm ra 3,5 tỷ đồng, người Việt chỉ 256 triệu đồng
Báo cáo mới nhất về năng suất lao động Việt Nam so sánh tương quan với năng suất lao động của các nước trong khu vực vừa được Tổng cục Thống kê công bố.
Cụ thể, năm 2018, năng suất lao động theo sức mua tương đương của người Singapore đạt hơn 152.400 USD (3,5 tỷ đồng/người/năm), người Malaysia đạt hơn 58.670 USD (1,3 tỷ đồng); người Thái Lan là hơn 30.100 USD (698 triệu đồng); người Indonesia là hơn 24.800 USD (571 triệu đồng) và người Philippines là hơn 19.900 USD (458 triệu đồng). Trong khi đó, năng suất lao động của người Việt là 102 triệu đồng (năm 2018), quy đổi ra sức mua tương đương là hơn 11.142 USD/người/năm.
Năng suất lao động của lao động Việt Nam hiện chỉ bằng 7,3% mức năng suất của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; gần 45% của Indonesia và bằng 56% của Philipines.