Người Việt nói chung đều quan niệm “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Đặc biệt, những ngày tháng Bảy âm lịch, càng kiêng hơn, thờ cúng nhiều hơn.
“Tháng cô hồn” được đặt cho tháng Bảy, cô hồn là ma quỷ, nên đủ thứ kiêng trong tháng Bảy: kiêng mua sắm, kiêng đi chơi, kiêng động thổ làm nhà, kiêng cưới hỏi, kiêng đủ thứ hàm bà lằng.
Tháng Bảy âm lịch là “tháng báo hiếu”!
Phật giáo Bắc tông gọi tháng Bảy là mùa lễ hội Vu Lan - Báo hiếu. Trọng tâm của lễ hội Vu Lan - Báo hiếu nhằm giáo dục người Phật tử về lòng hiếu thảo, biết nhớ ơn và lo đền ơn các đấng sanh thành, để rồi từ đó tu dưỡng đạo đức, sống hiếu thảo tốt đời, đẹp đạo.
Dựa theo kinh Vu Lan, với sự tích Tôn giả Mục-kiền-liên cứu mẹ, nhân ngày chúng Tăng mãn hạ Tự tứ, các Phật tử phát tâm cúng dường mười phương Tăng, hồi hướng công đức phước báo, nguyện cầu âm siêu, dương thái.
|
Ảnh minh họa: infonet.vn |
Nhân dịp này, các Phật tử còn thiết lễ cúng kiếng ông bà cha mẹ quá vãng, đồng thời trải lòng bi mẫn sắm sanh lễ vật bố thí chư vị quỷ thần (người âm nói chung), thường gọi là thí thực cô hồn.
Theo quan điểm của đạo Phật, lễ hội Vu Lan-Báo hiếu vào tháng Bảy âm lịch là “tháng báo hiếu”, hoàn toàn không phải là “tháng cô hồn”.
Quan niệm “tháng cô hồn” có từ đâu?
Kinh Vu Lan có mặt rất sớm ở Trung Quốc, có sức ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội thời bấy giờ. Người Trung Quốc xưa, tiếp thu tinh hoa hiếu đạo của kinh Vu Lan, nhưng đồng thời có sự tiếp biến với văn hóa bản địa thành tín ngưỡng dân gian:
“Tháng Bảy âm lịch là tháng cô hồn, rằm tháng Bảy là ngày mở cửa địa ngục để ma quỷ được tự do về dương thế.
Từ mùng hai tháng Bảy, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ môn quan và cao điểm là ngày rằm tháng Bảy thì xả cửa để cho ma quỷ tự do đến sau 12 giờ đêm thì kết thúc”.
Phật giáo Việt Nam chịu khá nhiều ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc, nên ngoài việc đọc tụng và thực hành hiếu đạo theo kinh Vu Lan, một bộ phận Phật tử và trong dân gian còn ảnh hưởng tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, tin vào “tháng cô hồn”.
Có nên học theo các “hủ tục” từ nước ngoài?
Không ít hủ tục từ Trung Quốc ăn sâu vào tiềm thức người Việt. Hủ tục “đốt vàng mã”, hàng năm đã đốt hàng ngàn tỷ đồng của người Việt.
Thử hỏi, người sống đốt, người âm nhận được, những người sản xuất hàng mã kia “ngu gì” bán cho người khác; họ sản xuất ra để đốt cho tổ tiên họ; họ ngu gì xuất khẩu sang nước ta, cho dân ta đốt cho người của ta?
Bạn đi đến các chùa bên nước họ, có thấy họ đốt vàng mã như ở nước ta không?
Nhìn cảnh người Việt chen chúc “đốt tiền”, hẳn kẻ thù ngoại xâm vô cùng phấn khởi; một dân tộc chỉ dựa vào “đấng thần linh”, niềm tin đặt vào “cõi ảo” là dân tộc dốt nát, nô lệ. Nô lệ văn hóa, nô lệ không có lối thoát.
Phật tử Việt Nam nói riêng, người Việt Nam nói chung, cần thẳng thắn nhìn nhận, Kinh Phật không hề nói đến việc “Diêm Vương mở cửa địa ngục vào tháng Bảy”.
Nên không có ngày “âm khí xung thiên”, ma quỷ đồng loạt tràn lên dương thế phá phách, xin ăn, xin mặc vào ngày rằm tháng Bảy.
Nếu đã quan niệm “Trần sao âm vậy”, có một nhà nước nào, thể chế nào thả tù nhân kiểu như thế? Vậy Diêm Vương có “dại” mở cửa địa ngục không?
Nếu tin vào việc Diêm Vương mở địa ngục vào tháng Bảy, rồi thành lệ: “Tháng Bảy cần kiêng kỵ nhiều điều, để không bị ma quỷ làm hại, nhất là trong ngày rằm tháng Bảy nhà nào cũng phải có lễ cúng cho cô hồn ăn uống no nê, đốt vàng mã thật nhiều chứ còn để họ đói khát, thiếu thốn là sẽ bị quấy phá” là không phù hợp với Chánh pháp.
Phật tử chân chính cần xác định rằng: Ngày rằm tháng Bảy là ngày Tăng tự tứ, ngày Tăng thêm tuổi hạ, ngày Phật hoan hỷ.
Đối với Phật tử thì tháng Bảy âm lịch, tháng báo hiếu, thời điểm để mỗi người trau dồi, làm tăng trưởng thêm tâm hiếu và hạnh hiếu.
Việc “thí thực cô hồn” trong dịp này cũng rất tốt, nhưng chỉ là một lễ tiết có tính thứ yếu trong mùa lễ hội Vu Lan mà thôi. Nếu có điều kiện, hãy ủng hộ quỹ xóa đói giảm nghèo; quỹ đền ơn, đáp nghĩa...
Tháng báo hiếu, mùa Vu Lan, dịp để những người con tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ, tổ tiên; nhắc nhở mỗi người về bổn phận làm con, bày tỏ lòng biết ơn với đấng sinh thành qua những việc làm đơn giản và ý nghĩa hàng ngày.
Tất cả những người con hiếu thảo, thể hiện lời nói hiếu, hành động hiếu, ứng xử hiếu mọi lúc, mọi nơi; góp phần xây dựng một xã hội có văn hóa, tập tục đẹp.
Sơn Quang Huyến