Doanh nghiệp Trung Quốc “đổ bộ” đấu thầu Dự án cao tốc Bắc - Nam Doanh nghiệp Trung Quốc “đổ bộ” đấu thầu Dự án cao tốc Bắc - Nam , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí Cho tới thời điểm hiện tại, “đại dự án” đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã thu hút 60 nhà đầu tư tham gia nộp hồ sơ và dự đấu thầu. Đáng chú ý, trong danh sách này những cái tên đến từ Trung Quốc chiếm “áp đảo”, nhưng nhà đầu tư Việt lại không mấy mặn mà.
Doanh nghiệp Trung Quốc “đổ bộ” dự án
Dự án cao tốc Bắc - Nam dài 654 km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - Lam Sơn, cầu Mỹ Thuận 2), 8 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT. Dự án có tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 51.702 tỷ đồng vốn BOT và 50.812 tỷ đồng vốn Nhà nước.
Đến nay, 8/8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện đầu tư theo hình thức PPP đã mở thầu bước sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, có 60 bộ hồ sơ của các nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư trong và ngoài nước nộp dự tuyển, gồm: 15 bộ của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư Việt Nam; 31 bộ của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư nước ngoài và 14 bộ của liên danh giữa nhà đầu tư Việt Nam với nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, Dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 có nhiều hồ sơ dự tuyển nhất (11 nhà đầu tư); quốc lộ 45 - Nghi Sơn (5 nhà đầu tư); Nghi Sơn - Diễn Châu (6 nhà đầu tư); Diễn Châu - Bãi Vọt (10 nhà đầu tư); Nha Trang - Cam Lâm (8 nhà đầu tư); Cam Lâm - Vĩnh Hảo (6 nhà đầu tư); Vĩnh Hảo - Phan Thiết (5 nhà đầu tư); Phan Thiết - Dầu Giây (9 nhà đầu tư).
Với 18 bộ hồ sơ nộp và sơ tuyển theo hình thức dự thầu độc lập và liên danh, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc chiếm nhiều nhất trong danh sách. Số lượng nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc dự thầu xếp thứ 2, sau đó Pháp, Singapore và Philippines.
Dự án có số lượng hồ sơ của nhà đầu tư Việt Nam nộp dự tuyển nhiều nhất là Nha Trang - Cam Lâm. Cụ thể, trong 8 bộ hồ sơ nộp dự tuyển có 4 bộ của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư Việt Nam và 2 bộ của liên danh giữa nhà đầu tư Việt Nam - Trung Quốc. Trong 8 dự án, duy nhất dự án cao tốc quốc lộ 45 - Nghi Sơn không có bất cứ nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư nào của Việt Nam nộp hồ sơ dự tuyển.
“Siết” phạt: Tránh đội vốn, chậm tiến độ
Theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định 30/2015, việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP phải áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế theo 2 bước: Sơ tuyển quốc tế và đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết sẽ chấm nhà thầu theo thang điểm 100. Trong đó, mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm 60 điểm; năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm 30 điểm và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm 10 điểm. Mỗi dự án sẽ lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư được tính theo thang điểm từ cao xuống thấp.
Theo Điều 5 - Luật Đấu thầu, đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện các gói thầu ở Việt Nam phải liên danh hoặc sử dụng thầu phụ ở Việt Nam. Do vậy, để phát huy năng lực của các doanh nghiệp trong nước, Bộ GTVT sẽ đưa quy định của Điều 5, Luật Đấu thầu vào hồ sơ mời thầu để bắt buộc các nhà đầu tư nước ngoài khi trúng thầu phải liên danh hoặc sử dụng thầu phụ của Việt Nam thi công.
Đại diện Vụ PPP - Bộ GTVT cho biết: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi trúng thầu cao tốc Bắc - Nam sẽ phải huy động vốn từ nước ngoài để đầu tư dự án và sử dụng nhà thầu Việt Nam thi công. Bộ GTVT cũng đưa ra các quy định chặt chẽ trong hồ sơ mời thầu và hợp đồng BOT để hạn chế thấp nhất tình trạng đội vốn, chậm tiến độ.”.
Cũng theo đại diện Vụ PPP, trong hồ sơ mời thầu, hợp đồng dự án sắp tới, Bộ GTVT sẽ đưa ra các chế tài xử phạt rất nặng đối với những nhà đầu tư không đảm bảo yêu cầu, bởi cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm, tiến độ và chất lượng công trình phải đặt lên hàng đầu.
Với các nhà đầu tư Việt Nam, đại diện Vụ PPP cho rằng, xét về những tiêu chí trong hồ sơ mời sơ tuyển, các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn có thể cạnh tranh bình đẳng với các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí, các nhà đầu tư trong nước còn có lợi thế hơn khi có nguyên vật liệu, nhân công tại chỗ, am hiểu dự án, thị trường và trình tự thủ tục của pháp luật Việt Nam.