(NSHN) - Tôi yêu hoa hoàng lan không phải vì Thạch Lam hay Phan Vũ đã từng viết, từng gắn những bóng hình quá đẹp, quá lãng mạn về loài hoa này mà đơn giản chỉ vì đó là mùi của một Hà Nội yêu thương...
“Em ơi! Hà Nội - Phố!
Ta còn em mùi hoàng lan…
Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ”…
(trích trường ca “Em ơi! Hà Nội - Phố” - Phan Vũ, 1972)
Đọc những câu thơ của Phan Vũ, người lớn tuổi bồi hồi gặp một Hà Nội cổ điển của mình. Người trẻ xúc động thấy tuổi thơ miên man trong kỷ niệm được gọi tên.
Mùi hoàng lan mà Phan Vũ nhắc đến trong bài thơ, theo nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, chính là hương của những cây hoàng lan trồng trong các biệt thự lớn ở Hà Nội. Chủ các biệt thự không trồng cây ăn quả vì sợ con trẻ nghịch ngợm trèo rào vào hái trộm nên thường trồng cây bóng mát và hoàng lan là lựa chọn đầu tiên. Dáng cây thanh thoát, lá mềm mại, khi rụng lá hơi cong cong như thiếu nữ làm dáng. Hoa có mùi thơm sang trọng, quyến rũ...
“Dưới bóng hoàng lan” có lẽ là truyện ngắn hay nhất của nhà văn “Hà Nội băm sáu phố phường”. Đọc truyện xong, gấp sách lại rồi mà hương hoàng lan như còn phảng phất đâu đây. Mùi thơm của hoa làm chứng cho những gì đẹp nhất của tình yêu quê hương. Có cái gì vừa thầm kín, vừa dịu ngọt chăng tơ trong vườn để người đi xa trở về vương phải. Một hoài niệm? Một hy vọng? Chả biết, chỉ biết rằng cứ mỗi mùa tôi lại giắt búp hoàng lan trên tóc để nhớ một mùi hương không thể nói nên lời…
Thuở bé, ngôi đình cạnh nhà tôi trong một ngõ nhỏ có trồng cây hoàng lan. Cánh hoa chín ngả màu vàng đung đưa trong gió thơm khắp xóm. Dưới trăng mùa thu, mùi hoa nhẹ vương thoang thoảng như dắt người ta lâng lâng lạc vào thế giới thần bí của hương sắc. Ngày bà ngoại còn sống, tôi nghe bà nói rằng: Hoa hoàng lan có tài có lộc nên tự cổ xưa đến giờ, nó đứng đầu trong danh sách những loài hoa cúng của người Hà Nội.
Có lần đến thăm cô bạn nhà trong làng hoa Ngọc Hà. Dưới gốc cây hoàng lan, bà nội đã ngoại bát tuần của bạn bồi hồi kể chuyện những người con gái làng hoa Ngọc Hà thuở xưa đi bán hoa ở Hà Nội. Bà bảo, cứ sang tiết tháng năm, tháng sáu âm lịch, cây hoàng lan lại trổ bông. Chiều chiều, bà lấy sào ra vườn thỉnh vài trăm bông, thêm ít hoa ngâu, hoa hồng, thiên lý... để sớm mai đựng đầy đôi mẹt con con gánh lên phố bán.
Hoàng lan thường được gói thành gói riêng, cũng có thể trộn lẫn cùng một số loài khác nhưng thường là những loài hương ở tầng nhẹ hơn, để mùi hoàng lan vẫn là chủ đạo. Một chút sắc hương khó có thể lẫn vào đâu, cũng khó có thể phai mờ trong đời thường của người Hà Nội, theo dòng chảy thời gian không biết tự bao giờ.
Tôi nhìn bà, hình ảnh cô gái làng hoa một thời nổi danh qua các tác phẩm văn học những năm 30-40 của thế kỷ trước, bây giờ đã trở nên xa mờ nhưng vẫn vương vấn mãi trong ký ức. Cuộc đời của những cô hàng hoa ấy hệt như những chiếc lá dong riềng bé nhỏ xanh tươi, nhờ chiếc lạt giang mỏng manh mềm mại gói vào trong lòng những bông hoàng lan. Gói hoa nhẹ nhưng hương bền chặt, thắm đượm vô cùng.
Cái mùi hoàng lan ấy giờ rất khó tìm được giữa phố thị ồn ào, đông đúc. Hà Nội bây giờ chỉ vài biệt thự còn hoàng lan. Sinh thời, nhà thơ Phan Vũ từng có lần tâm sự rằng, điệp từ “Ta còn em…” mà ông sử dụng trong bài thơ “Em ơi! Hà Nội - Phố” còn có nghĩa “ta mất em…”. Đó là một sự tiếc nuối.
Sớm nay, nhớ người thơ vừa đi xa, tôi nghe văng vẳng "Ta còn em mùi hoàng lan"…