“Hoảng hốt” khi xem tiêu hủy kem: Chính là loại kem Trung Quốc vừa ăn “Hoảng hốt” khi xem tiêu hủy kem: Chính là loại kem Trung Quốc vừa ăn , Người xứ Nghệ Kiev
Mới đây (2/7), tại Km 29 trên tuyến Quốc lộ 2 nối Tuyên Quang với Hà Giang, thuộc thôn Ao vệ (Hàm Yên, Tuyên Quang), cảnh sát giao thông tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành dừng phương tiện xe ô tô chở khách mang biển kiểm soát 22B-005.39 do lái xe Đoàn Quang Huy (Thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) điều khiển.
Trong quá trình khám xét, đoàn kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 1.441 que kem các loại, 150 chiếc kem ốc quế do Trung Quốc sản xuất không có chứng từ, chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Đáng chú ý, số hàng hóa được vận chuyển từ thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai đến huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang để bán.
Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 5 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Huy với hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định, không có bản công bố chất lượng sản phẩm kem với số tiền phạt là 4.000.000 đồng. Đồng thời, tịch thu và tiêu huỷ toàn bộ số hàng hoá vi phạm.
Toàn bộ số hàng được Cục QLTT Tuyên Quang thực hiện tại bãi xử lý rác thải Công ty TNHH môi trường đô thị Tuyên Quang, xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Ngay giữa tháng 6 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 7 (Cục QLTT tỉnh Lào Cai) đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế của tỉnh để thu giữ và tiêu huỷ 8.000 que kem nhập lậu qua biên giới. Số hàng này được đóng trong 200 hộp cattong (40 que/hộp).
Vào cuối tháng 5, lực lượng QLTT Lạng Sơn cũng đã bắt giữ một vụ việc tương tự với số lượng cũng lên tới hàng nghìn que kem Trung Quốc. Theo khai nhận của chủ hàng toàn bộ số kem que trên được mua tại khu vực cửa khẩu Chi Ma vận chuyển về khu vực thành phố Lạng Sơn để bán lẻ kiếm lời.
Những cây kem này sau khi về Việt Nam sẽ được hô biến thành “kem nội địa Trung Quốc” và kèm theo những lời “mị” như: hàng nội địa Trung Quốc khác với hàng cửa khẩu, Kem nội địa Trung Quốc dân họ cũng ăn ầm ầm nên mọi người không phải lo về chất lượng, kem này ăn không buốt răng như kem Việt mình,…
Tuy nhiên, theo một đầu mối chuyên đánh hàng Trung Quốc thì người Trung Quốc thường mua hàng trên các trang thương mại điện tử của họ. Nhưng loại kem này tuyệt nhiên không tìm thấy ở bất cứ trang web nào bên Trung Quốc, ngay cả các trang ít kiểm duyệt.
Hiện, loại kem này được bán với giá buôn là 115.000 đồng/40 cái với đủ các vị, bán lẻ có thể lên tới 150 - 200 nghìn đồng/40 cái. Tuy nhiên, giá nhập thì theo 1 dân buôn loại kem này thì chỉ khoảng 27 nhân dân tệ/40 cái, tương đương 91 nghìn đồng.
Vài nghìn que kem mới chỉ là một góc nhỏ mà các lực lượng chức năng thu giữ được. Bởi chỉ 1 tiểu thương kinh doanh loại hàng này cũng có thể nhập 4.000 que và tiêu thụ hết trong ngày.
Nhiều người bán vẫn khẳng định loại kem này đi đường chính ngạch qua cửa khẩu Lào Cai. Bởi theo dân buôn hàng Trung Quốc, loại hàng này nhỏ gọn và chi phí để hàng qua cửa khẩu này rẻ hơn các cửa khẩu khác.
“Hàng qua cửa khẩu Lào Cai đi kiểu “chính ngạch” nên không bao giờ bị tắc biên. Thế nhưng, chỉ có thể đi được hàng nhỏ như kem là một ví dụ. Mỗi lần hàng qua sẽ chỉ được thồ bằng 1 xe đạp”, dân buôn cho biết thêm.
Có một thực tế là, hiện nay, loại kem mới bị lực lượng quản lý thị trường Tuyên Quang tiêu huỷ không chỉ bán lẻ ở các tỉnh gần biên giới, mà nó còn được bán rất nhiều ở Hà Nội. Chị Quỳnh Ngân (Minh Khai, Hà Nội) sau khi đọc báo, thấy được hình ảnh kem bị tiêu huỷ mới giật mình nhận ra đó chính là loại kem mình vừa ăn trong buổi liên hoan chiều hôm trước.
Ngay giữa thủ đô văn minh mà kem lậu vẫn có “đất diễn” chứ chưa nói tới các vùng quê xa xôi hẻo lánh. Đây là một thực trạng đáng buồn và cần các cơ quan chức năng vào cuộc một cách thực sự để chặn đứng những loại thực phẩm lậu như loại kem này.