Tổng cục Môi trường họp khẩn, yêu cầu dừng bán xỉ gang Formosa lên Thái Nguyên Tổng cục Môi trường họp khẩn, yêu cầu dừng bán xỉ gang Formosa lên Thái Nguyên , Người xứ Nghệ Kiev
Dân trí Ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư phát triển MHD Việt Nam dừng chuyển giao xỉ gang của Formosa Hà Tĩnh cho 6 đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Liên quan đến thông tin Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên vừa phát hiện mẫu gang xỉ, bùn thải có xuất xứ từ Formosa Hà Tĩnh sau tuyển có giá trị pH vượt ngưỡng nguy hại theo QCVN 07:2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại cuộc họp chiều 10/5, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư phát triển MHD Việt Nam dừng chuyển giao xỉ gang của Formosa cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Theo ông Thức, qua kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên, có 3 đơn vị tiếp nhận xỉ gang của Formosa Hà Tĩnh từ Công ty MHD Việt Nam nhưng cả 3 chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo Luật Bảo vệ môi trường, chưa đủ điều kiện tái chế. Về việc này, Tổng cục Môi trường sẽ tiến hành kiểm tra toàn diện quá trình chuyển giao vừa qua.
Việc Công ty MHD Việt Nam chuyển giao xỉ gang cho 2 hộ kinh doanh nhưng cả hai hộ này không xuất trình được hóa đơn khi kiểm tra, ông Nguyễn Thượng Hiền - Vụ trưởng Vụ quản lý chất thải (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, khi cho phép Công ty MHD Việt Nam chuyển giao xỉ gang của Formosa Hà Tĩnh thì Tổng cục Môi trường đã yêu cầu phải thực hiện đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Đồng thời trong quá trình chuyển giao, các phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển phải đảm bảo đủ điều kiện an toàn theo Luật Bảo vệ môi trường.
“Công ty MHD chỉ được vận chuyển đúng chủng loại phế liệu là gang xỉ với số lượng đăng ký 70.000 tấn/năm. Còn khi cung cấp cho cơ sở trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, công ty chỉ được chuyển giao cho đơn vị trực tiếp sản xuất gang thép" - ông Hiền thông tin.
Những trường hợp được tiếp nhận xỉ gang của Formosa làm nguyên liệu sản xuất gang thép phải đảm bảo các điều kiện như có báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc hồ sơ, giấy tờ tương đương của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có nội dung sử dụng phế liệu gang thép làm nguyên liệu sản xuất. Trường hợp chưa đủ các điều kiện trên phải xin phép cơ quan có thẩm quyền cho phép.
“Với các trường hợp tiếp nhận từ Công ty MHD Việt Nam không có hồ sơ về môi trường, chúng tôi khẳng định không đúng theo văn bản cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường" - ông Hiền nhấn mạnh.
Đối với thông tin phân tích mẫu xỉ gang của Formosa Hà Tĩnh tại hai đơn vị tiếp nhận trên địa bàn Thái Nguyên có kết quả giá trị PH vượt ngưỡng nguy hại của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Hiền lý giải: Độ kiềm (giá trị PH) trong gang xỉ cao thực chất là lượng vôi dư và hợp chất của canxi.
Theo ông Hiền, xỉ gang của Formosa chuyển giao lên Thái Nguyên được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, không phải để thải ra môi trường. Vì vậy việc áp dụng quy chuẩn chuẩn 07/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường không phù hợp, dễ dẫn đến hiểu lầm là chất thải nguy hại.
Như Dân trí đã phản ánh, cuối tháng 9/2018, ông Hoàng Văn Thức có văn bản khẳng định Công ty TNHH Đầu tư phát triển MHD Việt Nam được thực hiện hợp đồng thu gom, chuyển giao phế liệu gang xỉ từ Formosa Hà Tĩnh.
Công ty MDH Việt Nam phải vận chuyển đúng chủng loại phế liệu gang xỉ với khối lượng đăng ký là 70.000 tấn/năm; chuyển giao phế liệu cho cơ sở sản xuất sử dụng trực tiếp phế liệu làm nguyên liệu sản xuất gang thép.
Văn bản của ông Thức ký cũng yêu cầu Công ty MDH Việt Nam đảm bảo nhiều yêu cầu như: Phương tiện vận chuyển đảm bảo yêu cầu về an toàn, môi trường theo quy định; không được làm rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi hoặc có rò rỉ trong quá trình vận chuyển; cơ sở tiếp nhận phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phải thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường,…
Formosa Hà Tĩnh đã chuyển giao gang xỉ cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển MHD Việt Nam để tiếp tục chuyển giao cho 6 cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (Công ty cổ phần công nghiệp Bắc Thái; Nhà máy thép Trường Sơn- Công ty TNHH Minh Bạch; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trường Huy; Công ty Cơ khí Gang thép; hộ kinh doanh Nguyễn Văn Kiên; hộ kinh doanh Nguyễn Văn Sơn) sử dụng làm nguyên liệu sản xuất và dẫn tới lùm xùm nói trên.