Trong cuộc làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào giữa tháng 4 vừa qua, đoàn chuyên gia Nhật Bản về môi trường đã đề xuất tài trợ miễn phí thiết bị công nghệ sinh học bio-nano nhằm hỗ trợ tích cực cho việc xử lý ô nhiễm nguồn nước ở Việt Nam, trong đó sẽ triển khai thí điểm đầu tiên tại sông Tô Lịch (Hà Nội).
Tiến sĩ Tadashi Yamamura, Chuyên gia Liên Hiệp Quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại và môi trường Nhật Bản, là người dẫn đầu nhóm chuyên gia của Nhật Bản, cho biết thiết bị này có tốc độ xử lý siêu nhanh mà chỉ cần 3 ngày sẽ giúp giảm mùi ô nhiễm.
Trả lời về vấn đề này tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4-5, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Lê Công Thành đánh giá giải pháp của Nhật Bản chỉ là tạm thời.
Bởi theo ông, nguồn ô nhiễm ở sông Tô Lịch vẫn là việc nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp, nên muốn giải quyết triệt để phải xử lý tận gốc nguồn nước thải này.
Ông Lê Công Thành cho biết đây mới là đề xuất thử nghiệm nên cần chờ kết quả xem mức độ hiệu quả ra sao, sau đó mới quyết định. "Chúng ta vẫn cần phải có giải pháp căn cơ cho việc ô nhiễm ở con sông này”- ông Thành nhấn mạnh.
Trước đó, đại diện phía Nhật Bản dự kiến mang thiết bị công nghệ hiện đại đến đặt dưới lòng sông Tô Lịch để làm sạch lòng sông. Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết, phía Nhật Bản đã khảo sát trong 2 năm để đưa ra đề xuất này.
Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14 km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện của Hà Nội gồm Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Dòng sông này đang bị ô nhiễm nặng do lượng nước thải sinh hoạt của người dân xả ra hàng ngày rất lớn.
Hằng ngày, công nhân của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội vẫn dọn rác 2 bên bờ và dưới lòng sông nhằm giảm ô nhiễm nhưng cũng không cải thiện được nhiều.