40 năm mang thân phận bị can, mang nỗi hàm oan ngút trời, người mẹ không dám nhận đứa con sinh non trong tù, vì sợ con phải mang nỗi tủi nhục là “con kẻ cướp” mà mẹ cha nó phải gánh chịu...
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan khóc khi nhắc về nỗi oan sai cách đây 40 năm
Cho đến ngày hôm qua, 28.4…
Đứa con ấy là chị Trần Ngọc Tuyết (40 tuổi), con ruột của ông Hồ Long Chánh và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - 2 trong 8 nạn nhân trong vụ án oan xảy ra ở Tây Ninh, phải mang thân phận bị can suốt gần 40 năm. Khi mang thai chị Tuyết 5 tháng, bà Lan bị bắt vào tù cùng chồng. Trong tù, bị hỏi cung và nhục hình khiến bà sinh non. Tinh thần hoảng loạn, bà đã bỏ lại đứa con và tìm cách trốn khỏi trại tạm giam, rồi bị bắt lại...
Sau khi được thả, bà Lan còn mang nỗi ẩn ức, giận chồng vì cho rằng việc ông Chánh khai vấy bà là “người giấu vàng cướp được” khiến đại gia đình bị hàm oan, tù tội nên bà đã nói “đứa con đã chết sau khi sinh”. Về phần ông Chánh, sau khi ra tù, mặc cảm vì bị cho rằng lời khai của mình khiến gia đình vợ bị oan, tù đày nên đã bỏ xứ đi biền biệt. 40 năm qua, cả ông Chánh và phía gia đình bà Lan đều nghĩ “bé Tuyết không còn ở trên đời”.
Từ trái qua: ông Hồ Long Chánh, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, chị Trần Ngọc Tuyết và bà Ngô Thị Phanh
Lén gặp con, để biết con “ở nhà đó tốt hơn”…
Nhưng ở vụ án oan sai 40 năm này, dù khốc liệt, gây ra nhiều đau thương cho các nạn nhân, đâu đó trong cuộc sống vẫn nảy nở những điều kỳ lạ, nhất là tình người và lòng nhân ái, sự bao dung. Nếu 8 nạn nhân được minh oan bởi quyết định đình chỉ điều tra vụ án do “Bao công” Trịnh Quốc Anh, Viện phó Viện KSND tỉnh Tây Ninh khi đó ký, thì cuộc đời chị Tuyết lại gắn chặt với người cán bộ công an nhân hậu Trần Quốc Lục.
Ông Lục khi đó là cán bộ của Trại giam Công an H.Trảng Bàng. Một lần vào trại nghe nói có người tù bỏ lại con, vốn nhà neo người, chỉ có một đứa con trai nên ông bàn với vợ là bà Ngô Thị Phanh nhận về nuôi. Mang đứa bé về nhà, ông bà đặt tên là Trần Ngọc Tuyết, nhưng tên gọi ở nhà là Hòa, với mong muốn con lớn lên hòa hợp với mọi người, kính trên nhường dưới.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (trái) nói lời cảm ơn bà Ngô Thị Phanh
Phần bà Lan, suốt 40 năm khi nói với mọi người vẫn nhất mực “đứa bé đã chết sau khi sinh”, nhưng có một sự thật luôn canh cánh trong lòng là bà biết đứa con đó được vợ chồng ông Hai Lục xin về nuôi. Với bà, đó là điều may mắn cho con gái, vì mình đang thân phận tù tội không biết ngày nào ra nên không đảm bảo tương lai cho con; phần nỗi giận chồng chưa được giải tỏa. Tuy nhiên, sau khi đọc loạt Mỏi mòn thân phân 40 năm oan khuất trên Báo Thanh Niên, đặc biệt khi biết cuộc sống của ông Hồ Long Chánh, bà Lan đã trải lòng tâm sự với PV là người con gái năm xưa chưa chết. Bản thân bà sau khi ra tù đã từng lén tìm gặp con gái, để biết con còn sống trên đời, nhưng không dám nhận con, kể cả khi đứa con tìm về xin nhận mẹ, vì “Con ở nhà đó tốt hơn cho nó rất nhiều, về với mẹ sẽ là những tháng ngày tủi nhục lắm”.
Dựa vào những manh mối bà Lan cung cấp, PV cùng người thân của bà Lan tìm được chị Tuyết hiện sinh sống ở ấp Bà Nhã, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng (Tây Ninh), để kết nối mọi người gặp nhau.
Cổ tích giữa đời thường
Tại nhà ông Trần Quốc Lục hôm qua (28.4) diễn ra lễ tri ân công dưỡng dục đối với vợ chồng ông. Ông Nguyễn Văn Dũng, em bà Lan và cũng là nạn nhân của vụ oan sai, xúc động nói buổi lễ là để tri ân tấm lòng nhân hậu của vợ chồng ông Lục đã nuôi nấng chị Tuyết 40 năm qua. Theo ông Dũng, gây ra oan sai cho đại gia đình ông chính là một số điều tra viên của Công an H.Trảng Bàng năm xưa, thì chính sự nuôi nấng, chở che, nuôi dưỡng chị Tuyết của vợ chồng ông Lục là điểm son về lòng nhân ái, bao dung. Tiếc rằng ông Hai Lục giờ không còn. Gần tết năm 1985, trong một lần chở con gái cưng 6 tuổi (chị Tuyết) đi uốn tóc để diện tết, ông Lục qua đời trong một tai nạn giao thông gần nhà. Từ đó, chị Tuyết sống với mẹ nuôi và anh trai nuôi.
Từ sáng sớm, bạn bè và người thân đã đến chung vui với gia đình. Chị Tuyết tất tả tiếp khách, nhận những lời chúc của mọi người, nhưng lâu lâu lại sà đến bên hai người mẹ đang tâm sự về nỗi đắng cay, về người con gái đem lại niềm vui lớn cho hai gia đình.
Mắt chị Tuyết đỏ hoe, ngấn lệ. Khi mọi người động viên chị phát biểu tại buổi lễ, chị không thể thốt nên lời, chỉ biết gục đầu vào vai hai mẹ mà khóc. Những gì xảy ra với chị ngỡ như một giấc mơ khi có hai người mẹ mà ai cũng thương yêu mình.
Dẫn con gái và bà Lan, ông Chánh đến bàn thờ thắp hương cho ông Lục, bà Phanh nhìn di ảnh chồng, vai rung lên: “Ông ơi, mình cực khổ nuôi con, giờ người ta đến nhận rồi. Mời ông về chứng kiến. Sao ông không nói gì mà cứ lặng thinh vậy...”.
Ông Chánh và bà Lan thắp hương ở bàn thờ ông Trần Quốc Lục, cảm ơn công ơn nuôi nấng con gái mình
Bà Phanh kể khi còn sống, ông Lục rất thích có con gái nên “cưng bé Tuyết dữ dội lắm”. Đi làm thì nhớ, mỗi khi về nhà thì con gái thích đi đâu là ông lấy xe chở đi. “Thấy chồng thương con gái quá nên có khi trong lòng tui dấy lên sự nghi ngờ hay là bé Tuyết là con riêng của ông?”, bà Phanh cười nói và đưa ánh mắt âu yếm nhìn đứa con gái mà bà yêu thương hết mực.
“Bây giờ chị Tuyết tìm được mẹ ruột rồi, bà có thấy buồn và sợ mất con không?”, có người hỏi. Bà Phanh trả lời ngay: “Không buồn đâu, con có thêm mẹ thì mạ càng thêm vui”. Bà Phanh cho biết mình bây giờ cũng già yếu rồi, không biết khi nào “lá rụng về cội”, nên sau này lỡ có mệnh hệ gì thì con gái sẽ không cô đơn khi có thêm ba mẹ, người thân. Bà nói mình nhận nuôi con gái chỉ có được chứ không mất, bởi bây giờ dù không sống chung nhà nhưng hằng ngày chị Tuyết đều ghé thăm, lo ăn uống cho mẹ, rồi các đám tiệc, giỗ chạp trong nhà đều một tay chị lo. “Hai đứa con thì đứa nào tui cũng thương. Đứa con trai giờ ra riêng có nhà cửa rồi nên nhà cửa, ruộng vườn tui giao hết cho con Hòa. Tui làm di chúc để hết cho con Hòa rồi. Làm để lỡ sau này mình không còn, con chưa tìm được cha mẹ thì biết nương tựa vào ai”, bà Phanh rơm rớm nước mắt.
Về phần mình, ông Hồ Long Chánh cho hay khi vào tù, ông biết vợ có bầu, sinh non, sau này vì vợ nói con đã chết nên ra tù ông không đi tìm con. Mãi gần đây ông mới được người em vợ thông báo là con đang sống. Đến ngày ra tòa xử liên quan đến vụ án oan sai, cha con ông mới lần đầu gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, vừa vui vừa buồn. Vui vì con còn sống, vì được gặp con, nhưng buồn là suốt bao năm qua con phải lưu lạc, sống xa cha mẹ ruột. Cho nên với ông, buổi lễ này vừa để cảm ơn công nuôi dưỡng của bố mẹ nuôi và là dịp chính thức cha con, mẹ con gặp nhau. “Từ khi ra tù, tui không bao giờ nghĩ có ngày mình sẽ gặp được con gái. Gặp con gái kêu là ba tui mừng lắm. Nhiệm vụ của Tuyết là phải nuôi dưỡng mẹ nuôi để trả ơn công lao bao năm nuôi nấng mình. Họ không có công sinh mà có công dưỡng. Công lao đó lớn lắm, còn hơn công sinh của mình”, ông Chánh tâm sự.
» Chuyện lão nông chống tham nhũng
» Trường Sa - nơi đầu sóng