LTS: Sau những câu chuyện buồn về việc sử dụng thực phẩm bẩn trong trường học, thầy giáo Sơn Quang Huyến nhấn mạnh đến trách nhiệm và cái tâm của người hiệu trưởng.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong trường học hiện nay, quá nhiều thứ phụ thuộc vào tâm của của hiệu trưởng; nào là tiền tết giáo viên, lạm thu trong năm học, chất lượng bữa ăn của học sinh nội trú… tất tần tật các hoạt động của nhà trường.
Giám đốc công ty Hương Thành từng đi Thái Lan với Phòng giáo dục Thuận Thành |
Khi các hoạt động không đạt mục đích, cái đầu tiên mà dư luận xã hội soi xét chính là “tâm” của người đứng đầu trường học.
Chữ tâm kia bằng ba chữ tài, thế nhưng chữ tâm khó mà nhìn thấy được, cái nhìn thấy được là cái cụ thể, bữa ăn của các cháu có đúng với đồng tiền cha mẹ nó đóng không v.v...
Thế nhưng bữa ăn của trẻ cũng không nhìn thấy được, chỉ may mắn lắm mới “cháy nhà lòi mặt chuột”; chữ “tâm” vẫn kín cổng, cao tường, được bao bọc trong “hoa hồng” đẹp đẽ.
Vì vậy không ít phụ huynh khi thấy hiệu trưởng có nhà to, xe đẹp đã “phấn khởi” nói “trong thành quả của thầy, có phần đóng góp của tôi đấy”.
Tại sao bữa ăn của trẻ không đạt chất lượng? Không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm? Tất cả cũng bởi tại “hoa hồng”!
Nhiều phụ huynh và trẻ nhỏ kéo đến Trường mầm non Thanh Khương đòi những người có liên quan phải có trách nhiệm đối với sức khỏe các con. Ảnh: NVCC/ Giaoduc.net.vn |
Nhà cung cấp thực phẩm cho trường học đều phải “làm luật”, trích “phần trăm” cho hiệu trưởng v.v..., nếu muốn có chỗ làm ăn. Nơi thì 10%, nơi thấp nhất cũng phải vài %, tiền ấy ở đâu ra? Từ bữa ăn của các cháu chứ ở đâu?
Há miệng, mắc quai, cứ thế thực phẩm “bẩn” cứ vào trường học, “con voi chui lọt lỗ kim”, đúng quy trình.
Có phụ huynh nói “sán, bệnh tật của học sinh ở trong tâm hiệu trưởng; tâm sáng, lòng trong học sinh được nhờ; ngược lại thì sức khỏe của người Việt bị đầu độc từ nhỏ”.
Chế độ dinh dưỡng cho học trò, đặc biệt là mầm non, có vai trò rất lớn cho sự phát triển toàn diện cả về thể chất và trí tuệ của trẻ.
Đây là giai đoạn tiền đề quyết định đến toàn bộ sự phát triển chung của trẻ về sau. Không đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học trò, ăn bớt, ăn xén của con trẻ là tội ác!
Làm sao để bữa ăn của học trò không còn phụ thuộc vào “tâm” nữa?
Hiệu trưởng ơi đừng ăn hoa hồng nữa
|
Minh bạch, công khai nguồn cung cấp thực phẩm là điều đầu tiên phải làm.
Việc cung cấp thực phẩm bẩn, thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh, phải bị xử lý hình sự, tội đầu độc người khác.
Quy trách nhiệm cụ thể cho bộ phận kiểm tra, giám sát, chế biến.
Bồi dưỡng kiến thức cơ bản về an toàn thực phẩm cho nhân viên nhà bếp.
Giáo dục họ hiểu được vai trò quan trọng của bữa ăn học đường với sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ; chăm sóc bữa ăn của trẻ tốt là góp phần xây dựng tương lai đất nước.
Khuyến khích phụ huynh tham gia giám sát, chế biến, kiểm tra bữa ăn của trẻ.
Lắp Camera giám sát các quy trình hoạt động của nhà bếp, phụ huynh học sinh có thể truy cập thông tin, thấy được hoạt động của bộ phận này bất cứ khi nào.
Thật ra giám sát công việc của nhà bếp cũng không kém phần quan trọng; nếu trẻ ăn, với bữa ăn kém chất lượng, thiếu an toàn cũng khủng khiếp chẳng thua bạo lực thể xác, nếu không muốn nói là hơn.
Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước; xin đừng vì “hoa hồng”, những lợi ích tầm thường của mình, các thầy cô đánh mất đi niềm tin, “thiên chức” cao quý của xã hội đặt vào tay mình: Bà mẹ thứ hai của học trò.