Nhật Minh
Những ngày qua, sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết Chỉ "sâu chúa" mới dám và vượt mặt Quốc hội, ném chục ngàn tỉ ra ngoài như thế?, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã rất bức xúc.
Đặc biệt, thông tin trong bài viết nêu về vụ việc được dư luận quan tâm là việc Tổng công ty khai thác thăm dò dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thực hiện liên doanh với đối tác là Tổng công ty dầu khí Venezuela (thành viên của Công ty dầu khí quốc gia Venezuela) tại mỏ dầu Junin 2 có nguy cơ mất trắng chục ngàn tỷ.
Ông Ngô Văn Sửu rất bức xúc khi hàng ngàn tỉ đồng có nguy cơ mất trắng tại dự án mỏ dầu Junnin 2. Ảnh: Nhật Minh |
Ông Ngô Văn Sửu nhấn mạnh: “Chúng ta đã có quy định mức đầu tư dự án ra sao phải thông qua Quốc hội cho ý kiến, xem xét và quyết định.
Theo Nghị quyết 66/2006/NQ-QH11 “Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư với các dự án có quy mô vốn đầu tư từ hai mươi nghìn tỷ đồng Việt Nam trở lên, đối với dự án, công trình có sử dụng từ ba mươi phần trăm vốn nhà nước trở lên”.
Nhưng thực tế, nhiều dự án thường được chia nhỏ hoặc tìm cách lách để quy mô vốn dưới mức đầu tư phải trình ra Quốc hội xem xét.
Bởi nếu dự án được xem xét theo quy định của Nghị quyết trên thì quy trình chặt chẽ, tính khả thi, hiệu quả ra sao sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận cho ý kiến rất kỹ.
Nếu dự án không hiệu quả, chắc chắn sẽ không được Quốc hội thông qua”.
Ông Sửu chia sẻ, ông rất bức xúc khi đọc thông tin từ các báo chí nêu một khoản "phí tham gia" (bonus) hay còn gọi là “phí hoa hồng” trong dự án này.
Các vụ án cho thấy thất thoát trong đầu tư công rất lớn
|
Theo đó, Việt Nam phải trả cho Venezuela 584 triệu USD bằng tiền mặt chia làm ba đợt, đợt đầu 300 triệu, hai đợt còn lại mỗi đợt 142 triệu USD (1)
“Khoản “phí tham gia” này là hết sức vô lý.
Theo tôi, đó là thủ thuật để tránh ngưỡng phải trình dự án ra Quốc hội xem xét. Đồng thời, nó cho thấy sự thiếu minh bạch của dự án này”, ông Sửu nêu quan điểm.
Theo ông Sửu, chục ngàn tỷ đồng có nguy cơ mất trắng từ dự án đầu tư ra nước ngoài của PVN thì trách nhiệm trước hết thuộc về Chính phủ giai đoạn đó.
“Theo quan điểm của của cá nhân tôi, cần thanh tra, kiểm tra làm rõ trách nhiệm và đưa ra kết luận trong việc đầu tư ra nước ngoài có nguy cơ mất trắng tại dự án trên.
Làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong việc quyết định đầu tư ra nước ngoài sẽ giúp minh bạch trách nhiệm.
Chính phủ giai đoạn đó phải chịu trách nhiệm và ai sẽ chịu trách nhiệm chính trong dự án này? Tất cả phải được kiểm tra, đưa ra kết luận sớm”, ông Ngô Văn Sửu nói.
Vị nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, nợ công của quốc gia những năm qua gây lo lắng cũng bởi những quyết định đầu tư bất chấp kiểu này.
"Mỗi đồng tiền đầu tư công không mang lại hiệu quả thì chúng ta, con cháu chúng ta sẽ phải trả nợ. Đó còn là sự lãng phí khủng khiếp, là nguy cơ tạo ra tham nhũng", ông Sửu đánh giá.
Nguy cơ thất thoát, tham nhũng trong các dự án đầu tư công cũng được một vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định là qua theo dõi thực tế công tác phòng chống tham nhũng và theo dõi các vụ án thời gian vừa qua, các dự án đầu tư công nổi lên nhiều vấn đề.
Đáng chú ý là một số vụ án chứng minh rằng thất thoát trong các dự án đầu tư công là lớn. Các vụ án xảy ra thời gian vừa qua thấy rất là rõ.
Nguy cơ tham nhũng trong các dự án khu vực đầu tư công là khá lớn.
Tài liệu tham khảo
(1) https://m.thanhnien.vn/thoi-su/pvn-nem-nghin-ti-tai-venezuela-ep-bo-truong-ky-phot-lo-bao-cao-quoc-hoi-1060807.amp