Những ngày đầu xuân, người dân tới viếng thăm Chùa Tiêu (Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh) đều rất ấn tượng với khung cảnh tĩnh tại nơi đây với những quy định không phải ngôi chùa nào cũng có. Chùa Tiêu có tên chữ là Thiên Tâm Tự, xưa còn có tên là chùa Lục Tổ, nằm ở sườn núi Tiêu, dưới chân núi là dấu tích dòng sông Tiêu Tương cổ.
Tại ngôi chùa này, Thiền sư Lý Vạn Hạnh có công nuôi dạy Lý Công Uẩn, sau này khai lập vương triều nhà Lý. Chùa Tiêu Sơn có quy mô to lớn. Trong nhiều thế kỷ, chùa là nơi khắc ván in các bộ kinh lớn của nhà Phật. Vào năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi cổ tự bỗng chốc đã biến thành đống tro tàn. May thay ở sườn núi còn khá nguyên vẹn 14 ngọn tháp, là nơi yên nghỉ của các vị sư tổ.
Bước lên sau những bậc đá đầu tiên sau cửa chùa chính là nơi đặt 14 bảo tháp thờ các vị thiền sư đã từng trụ trì và viên tịch tại chùa.
Khung cảnh "non xanh nước biếc như tranh họa đồ" cùng những hệ thống tượng Phật, điện thờ tiếp nối nhau thành một khối càng tô thêm vẻ linh thiêng cho ngôi chùa.
Điều đặc biệt, ở ngôi chùa này, theo sư trụ trì Thích Đàm Chính, từ ngày cụ về chùa đã không thấy bất cứ hòm công đức nào. Mấy chục năm nay, theo nếp cũ, sư trụ trì cũng không đặt hòm công đức. Nếu nhà chùa muốn tu sửa gì, kêu gọi phật tử phát tâm, đủ tiền xây dựng là nhà chùa dừng luôn, ai có muốn công đức nhà chùa cũng nhất định không nhận.
Trong chánh điện không có bất cứ một hòm công đức nào, chùa cũng nghiêm cấm Phật tử đốt vàng mã, dâng hương trong tam bảo, cúng rượu thịt...
Ngôi nhà Tổ của chùa - nơi đang đặt nhục thân của nhà sư Thích Như Trí có tuổi đời gần 300 năm nay.
Tượng nhục thân thiền sư Thích Như Trí (khám thờ bên trái, mặc áo vàng) được thờ phụng trong nhà Tổ của chùa từ năm 2004 đến nay. Theo sử liệu liên quan, thiền sư Thích Như Trí viên tịch vào năm Quý Mão 1723 thời vua Lê Dụ Tông. Khoảng 50 năm trước, một trong số các ngôi tháp trong vườn tháp chùa Tiêu Sơn có tượng Thiền sư Thích Như Trí. Sau khi mãn duyên độ sinh, ngài nhập thất kiết già và để lại nhục thân bất hoại hay còn gọi là toàn thân xá lợi cho đời sau. Đây được xem là 1 trong 4 pho tượng độc đáo nhất Việt Nam được làm theo hình thức thiền táng hay còn gọi là tượng táng.
Trong sân chùa có treo những bộ tranh nhân quả với mong muốn con người hướng đến cái thiện, bỏ đi những cái xấu, gieo nhân gì thì gặt quả đấy.
Trên đỉnh núi Tiêu có đặt tôn tượng của nhà sư Vạn Hạnh từ năm 2016, hướng về kinh thành Thăng Long - Hà Nội. Ngài ngồi tọa trên lưng hổ và có linh hầu đứng chầu bên cạnh.
Sau khi cổng chính được nhân dân và phật tử xây dựng mới từ năm 1986, thì cổng cũ được đóng kín. Hai bên cổng được trồng 2 cây đại cổ thụ tạo nên nét cổ kính cho ngôi chùa.
http://danviet.vn/video-anh/bi-an-ngoi-chua-khong-co-hom-cong-duc-va-nhuc-than-thien-su-300-nam-khong-phan-huy-o-bac-ninh-964064.html