Quảng Nam: Khu du lịch trái phép giữa rừng phòng hộ vẫn chưa được tháo dỡ Quảng Nam: Khu du lịch trái phép giữa rừng phòng hộ vẫn chưa được tháo dỡ , Người xứ Nghệ Kiev
Trước đó, sau khi phát hiện, UBND huyện Duy Xuyên đã chỉ đạo và vận động chủ đầu tư tự tháo dỡ trước ngày 15/3; tuy nhiên theo ghi nhận của PV vào sáng ngày 15/3, tại khu du lịch này hiện trạng vẫn không có gì thay đổi.
Theo quan sát của PV, căn nhà bằng sàn bê tông được dựng lên giữa hồ sen đang trong tình trạng thi công dang dở vẫn chưa được tháo dỡ. Tuyến bờ kè bê tông và hàng rào bằng gỗ dường như vẫn chưa có ai động tay đến để đập bỏ theo yêu cầu của chính quyền địa phương. Các lối đi bên trong khu du lịch được thảm bằng bê tông với chiều dài cả trăm mét vẫn còn nguyên.
Theo lãnh đạo xã Duy Sơn, liên quan đến khu nghỉ dưỡng xây dựng trái phép trong rừng phòng hộ, sau khi báo chí phản ánh, lãnh đạo xã Duy Sơn đã vào cuộc tìm hiểu vì sự việc liên quan đến ông Ngô Phi Nhị - hiện là Bí thư Đoàn xã Duy Sơn.
Trước mắt, xã kiểm điểm, nhắc nhở đối với ông Nhị và báo cáo sự việc lên cấp trên, hiện chờ kết quả điều tra để đưa ra mức độ kỷ luật đối với ông Nhị.
Trước sự chây ì của chủ đầu tư khu du lịch, trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên - xác nhận, việc chủ đầu tư đến thời hạn vẫn chưa tự tháo dỡ.
“Trong tuần tới, huyện sẽ họp bàn nhằm đưa ra phương án, kế hoạch cưỡng chế đối với khu du lịch này. Trước mắt, chúng tôi sẽ xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư. Ngoài ra, huyện cũng sẽ xử lý những cán bộ địa phương vì để đất rừng phòng hộ bị chiếm dụng”, ông Cường cho biết.
Như Dân trí đã thông tin, một khu du lịch không phép quy mô lớn ngang nhiên mọc lên trong diện tích rừng phòng hộ tại xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên. Bên ngoài, khu nghỉ dưỡng được bao bọc bởi hàng rào thép lưới B40 và trước cổng có chốt bảo vệ, có tấm bảng ghi: “Tư gia riêng, vui lòng không tham quan”. Cạnh đó là một xưởng gỗ phục vụ việc xây các nhà gỗ trong khu nghỉ dưỡng.
Bên trong, nhiều hạng mục công trình đã dựng lên gồm nhiều nhà gỗ kiên cố, 2 sàn bê tông với nhiều trụ lớn có diện tích trên 100m2, các con đường nội bộ bằng bê tông, sân vườn, tiểu cảnh, hồ cá...
Được biết, trước đây khu vực này có khoảng 1.000 ha rừng sản xuất của người dân. Đến năm 2017, nhà nước quy hoạch thành rừng phòng hộ. Trong 1.000 ha, có 3 hộ có bìa đỏ và ông Ngô Phi Nhị đã làm việc với các hộ này để xin chuyển nhượng 2,9 ha. Sau đó, ông Nhị phối hợp với một nhà đầu tư khác để cải tạo, trồng cây, trồng rau, sửa chữa lán trại nghỉ ngơi... Tất cả đều không có giấy phép của cơ quan chức năng.