(HNM) - "Giặc đâu tàn bạo sang điên cuồng. Quân vua một giận oai bốn phương. Thần tốc ruỗi dài xông thẳng tới. Như trên trời xuống dám ai đương" - Sĩ phu Bắc Hà Ngô Ngọc Du đã phác họa như vậy về chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa Xuân Kỷ Dậu 1789. Để rồi 230 năm sau, bản hùng ca ấy vẫn ngân vang mãi như một lời khẳng định về tinh thần yêu nước, chuộng hòa bình của toàn dân tộc.
|
Quang cảnh lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi mùa xuân Kỷ Dậu (1789) và đón Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp thành phố. Ảnh: TTXVN |
Sử sách còn lưu
Cuối năm 1788, Vua Càn Long sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị thống soái 29 vạn quân binh sang xâm lược nước ta, “kiếm mọi cách vu hãm người lương thiện, áp bức, cướp bóc những nhà giàu có, thậm chí giữa chợ, giữa đường cũng cướp giật của cải, hãm hiếp đàn bà” (Hoàng Lê nhất thống chí), khiến dân tình lầm than, ai oán.
Nhận được cấp báo, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ làm lễ tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu Quang Trung, rồi lập tức cùng nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc. Ngày khao quân ra trận, Nhà vua quả quyết: “Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên đán trước, đợi đến sang xuân ngày mùng 7 vào thành Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta nói, xem có đúng thế không?”.
Chọn khu vực Thăng Long làm mục tiêu tiến công chủ yếu, Vua Quang Trung chia quân làm năm đạo, đích thân chỉ huy hướng chính diện cùng tiến. Giữa ba quân, lời hịch vang động, ý chí ngút ngàn: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Giữa đêm 30 Tết, đại binh vượt sông Gián, diệt gọn đồn tiền tiêu ở Gián Khẩu. Nửa đêm mùng 3 Tết Kỷ Dậu, Nhà vua lệnh vây chặt đồn Hà Hồi, rồi bắc loa gọi hàng. Sau trận đánh “không mất một mũi tên, hòn đạn” ấy, Vua Quang Trung đóng quân tại phía Nam Hà Hồi chuẩn bị cho trận quyết chiến tiêu diệt đồn Ngọc Hồi.
Sáng mùng 5 Tết, đại binh dũng mãnh tấn công Ngọc Hồi. Quân binh Thanh triều hoảng sợ rút lui vào lũy. Vua Quang Trung đưa voi chiến đánh vòng sang hai cánh mở đường cho đội xung kích. Đồn giặc chìm trong khói lửa, quân Thanh bỏ chạy thục mạng.
Cũng trong sáng mùng 5 Tết, đạo quân của Đô đốc Đặng Tiến Đông (có sách nói là Đô đốc Long) áp sát đồn Đống Đa. Tướng nhà Thanh rút chạy về Loa Sơn thì vấp phải trận “rồng lửa” của người dân Thăng Long trợ lực diệt thù, đành bỏ mạng. Đánh nhanh, rút gọn, Đô đốc Đặng Tiến Đông đem kỵ binh tiến thẳng về cung Tây Long khiến Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị “ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã nhằm hướng Bắc mà chạy” (Hoàng Lê nhất thống chí).
Trưa mùng 5 Tết, Vua Quang Trung ngồi trên lưng voi tiến vào thành Thăng Long trong niềm hân hoan của người dân Kẻ Chợ - Kinh kỳ, viết tiếp trang sử về tinh thần dựng nước và giữ nước đáng tự hào của dân tộc. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa không chỉ thể hiện thiên tài quân sự của người Anh hùng áo vải mà lớn hơn, quan trọng hơn là minh chứng hùng hồn cho truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết một lòng của quân, dân nước Việt.
Vang mãi bản hùng ca
|
Lễ hội gò Đống Đa. Ảnh: Thái Hiền |
Kể từ sau chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789, cứ mùng 5 Tết hằng năm, nhân dân cả nước lại hân hoan mở hội, tưởng nhớ công ơn của nghĩa quân Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tại nhiều điểm di tích lịch sử trên cả nước, nơi lưu dấu người Anh hùng áo vải, cờ đào, các hoạt động dâng hương, tế lễ, thể hiện lòng thành kính được duy trì đều đặn. Tinh thần của trận chiến Ngọc Hồi - Đồng Đa vẫn ngân vang trong các giờ học lịch sử, qua câu chuyện kể của các thế hệ, góp phần tiếp nối truyền thống yêu nước, thương nòi, thắt chặt mối đoàn kết, tương thân, tương ái đồng bào.
Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789-2019), một chuỗi hoạt động thi đua, chào mừng sự kiện được phát động rộng rãi trên toàn TP Hà Nội, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa, giá trị lịch sử của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; giáo dục lòng yêu nước, truyền thống văn hiến, anh hùng của dân tộc.
Cao điểm của đợt tuyên truyền, giáo dục là từ tháng 9-2018 đến 15-2-2019, bao gồm các hoạt động gặp gỡ, giao lưu của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ với các nhà nghiên cứu lịch sử về triều đại Tây Sơn, giá trị lịch sử của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; các cuộc thi viết, thi thuyết trình về chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, thân thế, sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ; các hoạt động dâng hương tưởng niệm, tham quan triển lãm, giáo dục truyền thống tại Công viên văn hóa Đống Đa và nhiều điểm di tích thờ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ ở các tỉnh bạn…
Thành phố cũng khuyến khích các ban, ngành, địa phương đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước chào mừng kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Trong đó, tổ chức đợt thi đua cao điểm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa; kịp thời phát hiện điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động kỷ niệm để biểu dương, khen thưởng và nhân rộng...
Đoàn kết một lòng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năm 2018, Thủ đô đã đạt 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhất trong 3 năm gần đây, đóng góp gần 16,5% GDP, hơn 19% về thu ngân sách cho cả nước; giáo dục - đào tạo, thể thao thành tích cao, thu hút đầu tư nước ngoài… đi đầu cả nước, trong đó thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 7,5 tỷ USD, cao gấp 2,18 lần so với năm 2017; ngành Du lịch Thủ đô về đích trước 2 năm, với chỉ tiêu đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế…
Kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa trong lúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang phát huy sức mạnh tổng hợp, nỗ lực phấn đấu thực hiện hiệu quả chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, “Năm dân vận chính quyền”, “Đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính”, càng mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Bài học của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sẽ tiếp thêm sức mạnh cho chính quyền và nhân dân Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Tinh thần của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vì thế sẽ còn vang mãi, được lưu giữ, phát huy trong đời sống hôm nay và mai sau.
Kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
Ngày 8-2 (tức mùng 4 Tết Kỷ Hợi 2019), tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, đã chính thức khai hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ nghĩa quân Tây Sơn và anh em Tây Sơn tam kiệt.
* (HNM) - Ngày 8-2 (tức mùng 4 Tết), UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức lễ kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi mùa xuân Kỷ Dậu 1789, đón nhận Bằng di tích lịch sử cấp thành phố cho khu tượng đài chiến thắng Ngọc Hồi mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã tới dự.
Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi mùa xuân Kỷ Dậu tôn vinh một trong những trận đánh oai hùng của Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn, góp phần đánh đuổi quân Thanh ra khỏi bờ cõi nước nhà. Đây là trận đánh quan trọng, tiêu diệt phần lớn sinh lực địch, mở đường cho thắng
lợi cuối cùng là giải phóng kinh thành Thăng Long vào sáng mùng 5 Tết, là một phần không thể tách rời của chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử.
Miên Hạo
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/926351/vang-mai-ban-hung-ca-ngoc-hoi---dong-da
|