Nguyễn Tư Nghiêm, Gióng, sơn mài, 1982
|
Từ năm 1945 đến nay, với nguồn cảm hứng mới, những thay đổi trong tư duy thẩm mỹ hội họa màu dầu Việt Nam nhận một bước phát triển mạnh mẽ với nội dung biểu cảm phong phú, đa dạng. Bút pháp được di chuyển từ xu hướng Ấn tượng cận đại lan tỏa mạnh mẽ trong những năm 60-70, bên cạnh xu hướng Hiện thực XHCN trong tạo hình nội dung tác phẩm.
Thời kỳ mở cửa sau năm 1986, các họa sĩ trẻ nới rộng đường biên hoạt động. Các xu hướng Trừu tượng, Biểu hiện, Siêu thực lập thể, Cực thực đều được lướt qua thể nghiệm, trở thành một dòng chảy công khai hữu danh bên cạnh xu hướng Hiện thực ngày càng gần gũi hơn với khái niệm mà danh họa Picasso (họa sĩ Tây Ban Nha thế kỷ 20) đã từng nhận thức: “Tôi không tìm, nhưng tôi thấy”. Sau này, các nhà phê bình mỹ thuật Việt Nam cũng khẳng định: “Hiện thực không phải là cái nhìn bằng con mắt, mà hiện thực là cái mà ta tâm tưởng”. Từ đó, tác phẩm của xu hướng Hiện thực đã đi sâu vào số phận con người, số phận người lính sau chiến tranh, biểu hiện chiến tranh mạnh mẽ hơn với một màu sắc khi lan tràn ấn tượng, khi mượn yếu tố hiện thực nhân bản để thể hiện cái nhìn từ ký ức thời gian, số phận con người. Nghệ sĩ trẻ tìm một thể hiện mới, mở rộng không gian hình họa bằng ý niệm tiếp thu những tinh hoa nghệ thuật thế giới đương đại luôn đổi mới, với lòng đam mê khát khao sáng tạo hướng tới cái đẹp vĩnh cửu, hội nhập tới nguồn mỹ cảm của nhân loại.
Bức “Abstract Composition” của Nguyễn Gia Trí
|
Đặc điểm nổi bật nhất của hội họa trẻ Việt Nam thời kỳ đổi mới là rất đa dạng, nhiều phong cách cá nhân đồng tồn tại. Cũng như tình trạng chung của nghệ thuật đương đại quốc tế hiện nay, hội họa trẻ Việt Nam không có các trào lưu hay xu hướng nổi bật với tuyên ngôn riêng biệt của từng nghệ sĩ; cũng không có các xu hướng phủ nhận nhau như vẫn thường xảy ra trong lịch sử nghệ thuật như ở lịch sử nghệ thuật Pháp (lãng mạn phủ định cái đăng đối hàn lâm mẫu mực cổ điển). Hậu Ấn tượng phủ định cái đẹp phù phiếm thị giác chạy theo màu sắc biến đổi theo ánh sáng mặt trời của ấn tượng. Hội họa Việt Nam giai đoạn mở cửa thập niên 90 giống như một hiện tượng kết thúc thời kỳ cổ điển hiện thực để bước sang hiện đại, ảnh hưởng ngôn ngữ hiện đại và hậu hiện đại của quốc tế như Dã thú, Lập thể, Trừu tượng, Siêu thực, Biểu hiện…
Đặc thù riêng của văn hóa Việt Nam đậm đặc cảm xúc thiên nhiên, làng mạc, con người dân dã với tín ngưỡng dân gian, cho nên có thể nói hội họa mới Việt Nam nhìn chung tuy quốc tế hóa vẫn bộc lộ bản sắc riêng của phương Đông truyền thống. Hơn nữa, họa sĩ trẻ hiện nay ý thức một cách rõ ràng hơn sự cần thiết trở về cội nguồn, tìm cảm hứng từ văn hóa làng, các sinh hoạt tinh thần của người Việt rất phong phú đa dạng trong nghệ thuật điêu khắc dân gian đình làng và tranh dân gian gà lợn Đông Hồ, Bắc Ninh.
Lê Thiết Cương, Mẹ, sơn mài
|
Thế hệ họa sĩ trẻ Việt Nam đang hình thành một nền hội họa đương đại, bắt nhịp với nghệ thuật đương đại thế giới. Họ may mắn có cả một lớp người đi trước đầy tài năng, bản lĩnh trong nhận thức nghệ thuật. Đó là các danh họa:
Nguyễn Gia Trí: người cách tân chất liệu sơn màu từ sơn ta truyền thống thành sơn mài hội họa, đặt nền móng mở đường cho khuynh hướng trừu tượng trên chất liệu này cho các họa sĩ trẻ sau này với Nguyễn Trường Linh, Đinh Quân, Trịnh Quốc Chiến, Đào Quốc Huy, Trần Phi Trường…
Nguyễn Tử Nghiêm: chắt lọc từ truyền thống nghệ thuật cổ Việt Nam với những tác phẩm sơn mài tìm về vẻ đẹp điêu khắc đình làng thô kệch đến mỹ thuật uyển nhã sang trọng thời Lý, Trần; từ văn hóa Đông Sơn trên tác phẩm ông Gióng đến lối biến hóa sinh động trong không gian quyền quý của những điệu múa cổ.
Nguyễn Sáng: với ngôn ngữ hội họa bộc trực mạnh mẽ, khái quát cao những ý tưởng siêu phàm về số phận con người, ông đã chạm tay vào khuynh hướng biểu hiện từ rất sớm, thể hiện trên những tác phẩm đề tài chiến tranh cách mạng chất liệu sơn mài.
Bùi Xuân Phái: với ngôn ngữ trữ tình hoài cổ, miên man những hình hài ký ức của một thời Hà Nội xưa cũ, cất giấu kỷ niệm trên từng tấm toan trắng, ông đã truyền đến họa sĩ trẻ đương đại hơi ấm của nghệ thuật Việt Nam suốt chiều dài lịch sử với tư cách hội họa độc lập, tránh mọi giáo điều.
Cả bốn ông đều là những tấm gương sáng chói về tài năng và nhân cách, đã vượt qua cung cách hàn lâm, xa rời cuộc sống của trường phái mỹ thuật Đông Dương, biết khai phá con đường riêng cho mình. Sáng tác của họ là bệ đỡ chắc chắn cho thế hệ trẻ nối tiếp truyền thống với hiện đại và trở nên hiện đại hơn trong nghệ thuật Việt Nam. Thời hiện đại – một tên gọi mới cho hội họa Việt Nam, kéo theo sự phát triển của kỹ thuật màu dầu, màu nguyên mạnh mẽ, tạo hiệu quả thị giác. Kỹ thuật sơn mài vượt qua truyền thống với những mảng màu lớn, không toát bóng bẩy, gắn kết kim loại bên cạnh nguyên liệu truyền thống xưa cũ: vàng quỳ, bạc quỳ, vỏ trứng. Những họa sĩ mở đường ở thời kỳ thập niên 90 có Lê Anh Vân (sau này là hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Hà Nội), Lương Xuân Đoàn, Đặng Thị Khuê, Lê Huy Tiếp, Ca Lê Thắng, Đào Minh Tri, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Tấn Cương, Lê Thánh Thư.
Bùi Hữu Hùng, Hoàng hậu, sơn mài
|
Từ năm 1997, Internet bắt đầu có mặt tại Việt Nam và đầu những năm 2000, Internet lan tỏa chóng mặt. Thế hệ họa sĩ trẻ nhanh chóng tiếp cận với công nghệ và có cái nhìn toàn cảnh mỹ thuật thế giới. Tuy vậy, mỹ thuật Việt Nam đương đại vẫn còn nguyên vẻ quyến rũ của tâm hồn Việt ẩn cất trong sự đa dạng của từng phong cách cá nhân. Sau 2 thập niên mở cửa với thế giới bên ngoài và sáng tạo tự do, mỹ thuật đương đại Việt Nam tự tin và bình đẳng trong sự giao lưu cùng bạn bè quốc tế với những gương mặt nghệ sĩ quen thuộc.
Hồng Việt Dũng: với phong cách kiệm hình, kiệm màu, chỉ dùng gam màu nâu vàng, trắng sữa, có lúc thêm cam, bảng lảng màu sương khói, không gian tranh rộng bát ngát mênh mông, bềnh bồng phiêu diêu, phảng phất khoảng trống trong tranh ngập tràn khí trời, ánh sáng để người xem trò chuyện, tự vấn, khơi gợi hình bóng của quá khứ mơ mộng và hoài niệm.
Đào Hải Phong: với những tranh phong cảnh trầm mặc, mơ màng màu sắc – ánh sáng với một bút pháp hội họa vượt qua sự gợi tả để chạm tới ký ức sâu lắng của con người.
Lê Thiết Cương: giản lược hóa đến cực thiểu ngôn ngữ hội họa, chỉ còn nét và tín hiệu. Ký hiệu cơ bản của anh là các hình kỷ hà vuông, tròn, tam giác, nhưng rất gợi hình. Vẽ người, mảnh trăng, trẻ em chăn trâu, thả diều… đều đơn bạc đến tận cùng, không xa lắm thuyết tối giản của Malêvic. Hội họa Lê Thiết Cương đóng góp cho trường phái đồng dao (trẻ em) và phái ngây thơ.
Nguyễn Thanh Bình: ứng xử nghệ thuật khá gần với Hồng Việt Dũng ở sự tinh giản ngôn ngữ và dùng màu, nhưng tranh đời thực hơn và không có yếu tố tượng trưng siêu thực. Đề tài nữ sinh áo dài, tình mẫu tử, vũ nữ ba lê đẹp dịu dàng trong sáng. Bảng màu Nguyễn Thanh Bình nền nã Á Đông với gam vàng nâu, trắng hoặc ghi trắng, đi theo một mảng rộng êm đềm, tạo cảm giác thư thái bình yên.
Lê Thanh Sơn: theo khuynh hướng Ấn tượng với bảng màu phương Đông rực rỡ, tươi tắn, giàu chất trang trí. Hội họa Lê Thanh Sơn là bản giao hưởng bốn mùa của thiên nhiên cỏ cây hoa lá, nơi ta có thể cảm nhận được những tiếng lay động thì thầm của gió, hơi thở nhẹ nhàng trong trẻo của mặt đất và bầu trời sau những cơn mưa, những tàu lá chuối khép nép bên bờ ao, rặng tre xao động cho tới những tiếng cười reo vui đùa của nắng… và cứ như một lẽ tự nhiên, những giai điệu của màu sắc này đã lặng lẽ theo Sơn cả cuộc đời.
Bùi Hữu Hùng: Đến nay người ta đã gọi Bùi Hữu Hùng là bậc thầy của hội họa sơn mài hiện đại. Vẻ đẹp quyến rũ của tranh được thể hiện qua những nét huyễn hoặc thật khó tả. Ranh giới thật - hư, hư - thật bị xóa nhòa. Cách bồi đắp các lớp sơn, cách mô tả những nhân vật thần thoại trên cái nền không gian huyền ảo trầm mặc, thần bí, tạo cho người xem một cảm xúc bí ẩn, khó quên. Anh là họa sĩ đầu tiên đưa hình ảnh ông hoàng bà chúa vào hội họa, với khai thác yếu tố văn hóa cổ xưa trên trang phục, hoa văn: những con người trong trang phục cung đình ngồi giữa đồ vật cổ xưa, hình ảnh hư ảo từ quá khứ vừa hiện hữu, vừa mơ hồ, bí ẩn. Bức tranh của Bùi Hữu Hùng là câu hỏi đầy nhân sinh và hoài niệm của một thời vang bóng.
Lê Thanh Sơn, tranh phong cảnh
|
Những họa sĩ kể trên sẽ đi tiếp con đường sáng tạo trong nền nghệ thuật tạo hình đương đại Việt Nam. Lịch sử tạo hình Việt Nam xếp họ vào thế hệ thứ tư, nhưng với trào lưu đổi mới, họ là những người đi tiên phong trên con đường tiếp biến nghệ thuật của thế kỷ XXI. Tôi tin như vậy./.
Nguyễn Hải Yến
Nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật
Nguồn quehuongonline.vn
http://quehuongonline.vn/thoi-su/hoi-hoa-duong-dai-viet-nam-cuoi-the-ky-xx-20190201145435750.htm