(HNMO) - Những ngày cận Tết Nguyên đán, tại làng Vũ Đại (xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), những bếp lửa luôn hồng rực cả ngày lẫn đêm. Khắp làng, đâu đâu cũng phảng phất mùi cá kho thơm lừng, rộn ràng tiếng nói cười.
Cá kho Đại Hoàng là cái tên không còn xa lạ đối với những thực khách sành ăn, hoài cổ. Đây được coi là đặc sản không thể thiếu trong bữa cơm sum họp của người dân Vũ Đại, cũng là quà biếu cho khách quý mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Người dân trong làng thường nói vui với nhau về món ăn này qua mấy vần thơ:
“Chí Phèo xưa cũng chơi sang
Mang niêu cá lớn cho nàng nhâm nhi
Nở ăn ngon quá … cười khì
Cá kho cơm trắng, còn chi ngon bằng”.
|
Người dân làng Vũ Đại chỉ sử dụng cá trắm đen để kho |
Chuyện xưa kể lại rằng, mảnh đất này quanh năm chiêm trũng. Do đặc thù địa hình, hầu như mọi nhà đều có ao nuôi cá. Mỗi dịp Tết đến, người dân làng Vũ Đại lại chọn bắt những con cá trắm đen to nhất, ngon nhất dâng lên thờ cúng tổ tiên, cầu mong xua tan những đen đủi, vận hạn trong năm qua. Trải qua bao thăng trầm về thời gian, những niêu cá kho làng Vũ Đại ngày nay vẫn vẹn nguyên hương vị truyền thống, đem lại tiếng thơm cho người dân nơi đây.
Cá kho làng Vũ Đại trải qua rất nhiều công đoạn, chứa đựng sự công phu, cầu kỳ. Điều đặc biệt phải kể đến công cụ kho cá. Những chiếc niêu đất phải được mua ở Đô Lương, Nghệ An, những chiếc vung phải có xuất xứ từ Thanh Hóa. Người dân làng Vũ Đại quan niệm rằng chỉ có đất ở Nghệ An mới làm ra những chiếc niêu phù hợp để kho cá, còn những chiếc vung thì khéo léo, tài hoa nhất chỉ có người xứ Thanh. Cá kho Đại Hoàng phải là loại trắm đen, có trọng lượng từ 4 kg trở lên, thịt săn chắc, thớ cá đẹp.
|
Những gia vị và nguyên liệu không thể thiếu để kho cá. |
Các gia vị làm nên đặc trưng của nồi cá kho truyền thống không thể thiếu được là riềng, gừng, ớt, chanh, hành củ, muối hạt, đường, tương cua, nước mắm, nước dừa…
Củi dùng để kho cá là củi nhãn vùi với trấu. Chế nước và điều chỉnh nhiệt là hai công đoạn kỳ công nhất. Ngoài ra, người kho cá còn phải cân đo lượng lửa, gia vị vừa đủ để tạo ra sản phẩm ưng ý. Mỗi lần kho cá từ 12 đến 14 tiếng, lửa luôn phải đều, không quá to cũng không quá nhỏ, đến khi niêu cá chỉ còn khoảng 1 thìa nước thì niêu cá mới giữ được hương vị đặc trưng của cá kho Đại Hoàng. Thức trắng đêm là việc không còn xa lạ với những người kho cá nơi đây.
|
Củi kho cá phải là củi nhãn, tạo ra nhiệt lớn, cháy ổn định, giúp thơm cá |
|
Trong quá trình kho cá phải luôn có người túc trực để điều chỉnh lửa. |
Cá kho Đại Hoàng được bán quanh năm, nhưng tất bật nhất vẫn là những ngày giáp Tết, từ dịp Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) kéo dài đến trước Tết Âm lịch 2 ngày. Những ngày này, khách thập phương đổ xô về đây đặt hàng. Bà Nguyễn Thị Thìn (chủ cơ sở Cá kho Bá Kiến, Lý Nhân, Hà Nam) cho biết: “Mỗi năm Tết đến, gia đình tôi cung cấp khoảng 3.000 đến 4.000 niêu cá kho. Mọi người luôn phải làm việc hết công suất mới kịp đơn đặt hàng của khách”. Mỗi nồi cá kho có giá 500 nghìn đồng – 1,2 triệu đồng.
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-song/925528/lang-ca-kho-vu-dai-nhon-nhip-truoc-tet-nguyen-dan