Thứ Sáu ngày 31/08/2018
(HNM) - Vào thời điểm này năm 2017, người dân Hà Nội phải sống trong nỗi sợ hãi mang tên "sốt xuất huyết". Hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều có người nhập viện vì sốt xuất huyết, khiến các bệnh viện từ tuyến huyện, thành phố tới tuyến trung ương rơi vào cảnh quá tải. Năm nay, số người mắc bệnh giảm nhiều lần so với cùng kỳ năm trước, song không vì thế mà chúng ta chủ quan, thờ ơ bởi vì mùa dịch mới chỉ bắt đầu.
|
Cán bộ y tế phun hóa chất tại trường học để phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Quang Dung |
Nguy cơ luôn hiện hữu
Từ đầu năm 2018 đến nay, Hà Nội ghi nhận 470 ca sốt xuất huyết. Nếu như trong tháng 7-2018 chỉ ghi nhận từ 15 đến 20 ca sốt xuất huyết mỗi tuần, thì trong những tuần cuối tháng 8-2018, số lượng ca mắc tăng lên từ 50 đến 60 ca một tuần. Lượng bệnh nhân phân bổ tại 178 xã, phường thuộc 28 quận, huyện, thị xã (trừ huyện Ba Vì và huyện Ứng Hòa chưa ghi nhận ca mắc nào). Riêng trong tuần qua, trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 11 ổ dịch mới tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Đan Phượng, Quốc Oai và Mê Linh.
Dù đã xuất viện được gần một tuần, nhưng chị Cao Thị H. (quận Hoàng Mai) vẫn chưa hết bàng hoàng vì trận sốt xuất huyết mà gia đình vừa trải qua. Gia đình chị H. có 4 người thì cả 4 người cùng phải vào Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị sốt xuất huyết. “Nguyên nhân do khu vực nhà tôi ở gần chợ, điều kiện vệ sinh môi trường không sạch sẽ, nhất là khi mưa xuống, nước tù đọng rất nhiều, khiến muỗi sinh sôi, phát triển và truyền bệnh...”, chị H. cho biết.
Dù so với thời điểm này năm 2017, số lượng bệnh nhân bị sốt xuất huyết đến điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang… không nhiều. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Thị Ngọc Mai (Bệnh viện Thanh Nhàn), trong số những ca mắc bệnh nhập viện năm nay ghi nhận nhiều ca bệnh nặng như: Giảm tiểu cầu, xuất huyết… Điều đó cho thấy, người dân chủ quan, chỉ khi bệnh chuyển nặng mới nhập viện. Dù số ca mắc bệnh nhập viện chưa nhiều, nhưng theo kinh nghiệm của các bác sĩ, cứ sau mỗi đợt mưa kéo dài, lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện lại gia tăng.
PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, không ít người dân vì thấy số ca mắc sốt xuất huyết giảm mạnh nên chủ quan, từ đó lơ là việc phòng dịch ngay trong chính gia đình mình. Thậm chí, qua kiểm tra vẫn phát hiện nhiều nơi còn tồn đọng các ổ bọ gậy. Trong khi thời tiết mưa kéo dài như hiện nay là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng luôn hiện hữu.
Bởi lẽ, mỗi lần mưa xuống lại tạo thành những vũng nước đọng, đó là môi trường thuận lợi để muỗi truyền bệnh phát triển…
Cần ý thức tự giác phòng bệnh của người dân
|
Điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. |
Theo quy luật hằng năm, đỉnh dịch sốt xuất huyết thường rơi vào thời điểm từ tháng 9 đến tháng 11. Hiện tại, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị cũng như vắc xin phòng ngừa, do đó, việc cảnh giác với bệnh, nhất là vào mùa mưa, là việc làm không thể thiếu đối với mỗi cá nhân và gia đình. Bài học trong công tác chống dịch bệnh sốt xuất huyết năm 2017 trên địa bàn Hà Nội cho thấy, không muốn dịch bệnh bùng phát thì ngoài ngành Y tế cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và ý thức tự giác của người dân.
Hiện tại, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 28.000 lượt hộ gia đình, nhiều khu vực công cộng đã được phun hóa chất chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lưu ý, trong mùa mưa, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần nâng cao ý thức tự phòng bệnh sốt xuất huyết. Việc phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt lăng quăng, diệt muỗi trưởng thành…, theo nguyên tắc: Không có lăng quăng, không có bọ gậy sẽ không có sốt xuất huyết. Chúng ta phải luôn có ý thức dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, thoáng mát, không treo quần áo để làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng như: Gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ... Ngoài ra, người dân cần ngủ màn, kể cả ngày và đêm, mặc quần áo dài tay, không ngồi chơi chỗ tối, đuổi muỗi bằng đốt nhang muỗi, xịt muỗi hay kem thoa chống muỗi.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, khi bị sốt, uống thuốc hạ sốt không hạ, ở trong vùng có dịch, người dân nên nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mạn tính..., nên đi khám sớm vì bệnh có thể chuyển biến nặng rất nhanh. Đối với mỗi hộ gia đình, cá nhân phải có ý thức làm sạch các ngõ, ngách trong môi trường sống; nhập viện khi có chỉ định của bác sĩ. "Vì sự an toàn của mỗi người và vì lợi ích chung của cộng đồng, không còn cách nào khác là phải huy động tổng lực để ngăn chặn dịch bệnh. Không thể để dịch bệnh “gõ cửa” nhà mình, thì mới nhìn thấy hiểm nguy", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 týp, được ký hiệu là: D1, D2, D3, D4. Cả 4 týp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng týp, nên một người có thể mắc sốt xuất huyết đến lần thứ 2 hoặc thứ 3, thậm chí vẫn có thể mắc đến lần thứ 4. Lần mắc sau thường nặng hơn lần mắc trước. |
Dập dịch ngay từ trong ý thức
(HNM) - Ngành Y tế và người dân cũng như xã hội khó có thể quên những con số choáng váng về dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở 61/63 tỉnh, thành phố của cả nước năm 2017. Số người mắc bệnh, số địa phương có dịch, số tiền bỏ ra để chống dịch… đều khiến tất cả phải giật mình.
Thu Trang
Nguồn hanoimoi.com.vn
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/911553/khong-tho-o-voi-dich-sot-xuat-huyet
|