Có lẽ như chính nhiệm vụ của mình luôn chìm sâu dưới đáy biển, họ thầm lặng trong chiến đấu và thầm lặng cả khi hy sinh. Trước sự hy sinh to lớn ấy, tôi lại nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca "Đất nước":
"Họ đã sống và chết. Giản dị và bình tâm. Không ai nhớ mặt đặt tên. Nhưng họ đã làm ra Đất Nước." Và tôi muốn kể về một người lính tàu ngầm Kilo-636 đầu tiên đã hy sinh như thế…
Lễ truy điệu Liệt sỹ Đại úy Nguyễn Hữu Thi. Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Hoằng Hóa
Người lính tàu ngầm Kio-636 đầu tiên của Việt Nam hy sinh
Liệt sĩ Nguyễn Hữu Thi hy sinh ngày 08/12/2017 trong khi làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu… Và tới hôm 09/08/2018, sau 8 tháng, Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải Quân và gia đình, địa phương mới có điều kiện tổ chức được lễ truy điệu, công nhận liệt sĩ và trao Quyết định truy thăng quân hàm sĩ quan từ Thượng úy lên Đại úy cho anh…
Đôi dòng ngắn ngủi không thể liệt kê hết quá trình công tác, đóng góp bền bỉ, không ngừng nghỉ của người chiến sỹ tàu ngầm cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Liệt sỹ Đại úy Nguyễn Hữu Thi sinh năm 1985 tại thôn 7, xã Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa.
Cả cuộc đời anh gắn bó với binh nghiệp, với Quân chủng Hải quân. Nhập ngũ tháng 09 năm 2004, Nguyễn Hữu Thi trở thành người lính hải quân đánh bộ tại Lữ đoàn 101.
Sau đó, anh tiếp tục kinh qua các vị trí công tác từ sỹ quan điều khiển vũ khí, tàu hải quân 42, Trung đoàn 196 Hải Quân (giai đoạn 2010-2013) tới sỹ quan chức danh Trưởng ngành vũ khí, tàu ngầm Kilo-636 số hiệu 185 mang tên Khánh Hòa, Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải Quân (từ 2015 đến thời điểm hy sinh).
Có thể thấy, anh có được vinh dự hiếm có khi từng huấn luyện, chiến đấu tại cả hai đơn vị tàu ngầm tinh nhuệ của Hải quân nhân dân Việt Nam, từ Trung đoàn Đặc công tàu ngầm 196 tới Lữ đoàn Tàu ngầm 189.
Nhưng số mệnh ngắn ngủi không cho anh có thểm thời gian, cơ hội để sống, chiến đấu và phụng sự đất nước lâu hơn.
Bộ đội tàu ngầm Kilo-636 Hải quân Việt Nam. ẢNh: QĐND.
Nghẹn ngào nước mắt của vợ anh lính tàu ngầm Kilo-636
Sự ra đi của anh để lại khoảng trống cho đồng chí, đồng đội tại đơn vị, đặc biệt là với vị trí Trưởng ngành vũ khí trên tàu ngầm Kilo thì đây là mất mát vô cùng to lớn. Cuộc sống này vốn dĩ đầy bất trắc và tai ương, nhưng sự vất vả nhọc nhằn và cả những hy sinh thường nhân lên nhiều lần trên đôi vai người lính…
Chấp nhận làm lính là chấp nhận cả những hy sinh đó, dù là trong thời bình. Nguyễn Hữu Thi chọn nghiệp lính tàu ngầm và anh đã hy sinh thầm lặng như chính nhiệm vụ của mình!
Ngày anh đi xa, con gái Nguyễn Trúc Linh vừa mới qua giai đoạn "thôi nôi", bây giờ cháu đã 20 tháng… Cháu bé nép trên vai mẹ, đưa đôi bàn tay nhỏ bé nghịch vành khăn tang trắng toát rủ xuống kề bên…
Cháu còn quá nhỏ để hiểu nỗi đau mất cha! Em bé mở đôi mắt to tròn nhìn những người lớn đứng xung quanh, trong đó có nhiều đồng đội của cha đang khóc…
Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho Liệt sĩ Nguyễn Hữu Thi.
Anh ra đi để lại hai người mẹ già, một người vợ trẻ và hai con thơ. Mẹ đẻ của anh hiện sống một mình ở quê Thanh Hóa. Mẹ vợ vào Cam Ranh ở cùng vợ con anh… Thúy – vợ anh nói rằng từ ngày anh mất, chính quyền đã tạo điều kiện để chị đi làm ở Công ty Yến sào Khánh Hòa. Đơn vị, đồng đội cũng đã có thăm hỏi, động viên gia đình nhiều…
Nhưng có lẽ nỗi đau mất chồng và khó khăn cuộc sống bộn bề sẽ còn dai dẳng phía trước. Thúy trở thành trụ cột trong gia đình để bù đắp khoảng trống mà anh để lại khi hai người mẹ già đều neo đơn, cậu con trai lớn mới 7 tuổi, cô con gái mới lẫm chẫm biết đi…
Thế gian này, sinh mạng nào cũng quý giá, cuộc đời nào cũng đáng trân trọng và mất mát nào cũng đau đớn khôn nguôi... Nhưng dành cuộc đời cho Tổ quốc, hy sinh vì nhân dân là một điều thiêng liêng tột bậc.
Tôi muốn kết thúc câu chuyện bằng những câu thơ của Nguyễn Đình Thi: "Nước chúng ta/Nước những người chưa bao giờ khuất".
Anh hy sinh nhưng chiến công anh là bất diệt. Với tấm lòng luôn khắc ghi công ơn người chiến sỹ tàu ngầm dũng cảm, chúng ta thấy phần nào trách nhiệm bù đắp nỗi đau mất mát người thân đối với gia đình anh, để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của anh dành cho đất nước.
Hãy nhìn gương mặt người vợ trẻ Cao Thị Thúy và ánh mắt con thơ của Đại úy Nguyễn Hữu Thi, liệt sĩ tàu ngầm Kilo-636 đầu tiên hy sinh trong khi làm nhiệm vụ... Ta thấy được điều gì? Nếu thấy điều gì đó, hãy cùng chung tay giúp đỡ gia đình của một người lính vừa nằm xuống cho chúng ta có cuộc sống yên bình hôm nay.